Đó là những chiếc son gió, hộp phấn trang điểm, hay chiếc lược xinh giúp bà và mẹ chúng ta xinh đẹp bội phần...
Những món mỹ phẩm từng là quá khứ huy hoàng một thời của thế hệ phụ nữ Sài Gòn xưa
Chẳng cần mỹ phẩm xa hoa, đắt tiền, không cầu kỳ trong phương pháp dưỡng da, thế hệ bà và mẹ chúng ta vẫn sở hữu nét đẹp gây thương nhớ nhờ những món đồ làm đẹp rất chi là đơn giản này.
Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn thời trước giải phóng với vẻ đẹp tự nhiên hiếm có khó tìm. Họ đều chăm sóc da và làm đẹp bằng những loại mỹ phẩm rất đơn giản
Phấn bông lúa và phấn con én
Bạn có còn nhớ hộp phấn trang điểm màu trắng in hình bông lúa trên nắp hộp mà mẹ vẫn thường sử dụng mỗi khi đi đám tiệc? Vào thập niên 70 - 80, đây chính là niềm ao ước của bao phụ nữ Việt. Phấn bông lúa có mùi thơm, đánh lên da trắng mịn và được nhập khẩu từ Thái Lan.
Phấn bông lúa - hộp phấn trang điểm huyền thoại một thời
Ngoài ra, có một loại phấn cao cấp hơn một chút, đó là phấn Con én. Hộp phấn này màu đỏ, có nắp gập và còn được trang bị gương soi bên trong
Về khả năng make-up, cả phấn bông lúa và phấn con én đều có chất mịn, thơm, tuy nhiên, khi đánh lên da lại khiến da hơi trắng bệch một chút.
Diễm Hương và Việt Trinh - 2 mỹ nhân một thời cũng sử dụng phấn bông lúa và phấn con én để trang điểm
Xà bông Cô Ba
Nhắc tới Xà bông Cô Ba, chắc hẳn không một ai sinh ra ở thập niên 60 là không biết. Thỏi xà bông đặc biệt này là một phát minh của doanh nhân Trương Văn Bền, một người rất có ý thức trong chuyện đưa sản phẩm Việt lên tầm cao mới.
Hộp xà bông cô Ba nhỏ nhắn, thanh lịch và rất hợp thị hiếu thời đó
Xà bông cô Ba là một sản phẩm chất lượng, được mang ra so sánh và cạnh tranh với hàng ngoại. Sản phẩm có hương thơm tự nhiên, dễ chịu nhờ được nấu bằng dầu dừa và một số nguyên liệu truyền thống của Việt Nam.
Xà bông Cô Ba được đặt tên theo tên của cô Ba Trà, vợ của doanh nhân Trương Văn Bền
Dù không còn được sử dụng phổ biến, xà bông Cô Ba vẫn là một thương hiệu sống mãi trong lòng những người con miền Nam một thời.
Kem sâm
Có thể nói kem sâm chính là một loại BB Cream thần thánh ở thời của bà và mẹ chúng ta. Vào thập niên 80 - 90, phụ nữ thường sử dụng kem sâm nhập từ Thái Lan để thoa lên da như một loại kem lót - kem nền 2 trong 1. Thậm chí, nhiều người chỉ cần đánh thứ kem này lên da mặt và thoa son là đã có thể tự tin đi dự tiệc hay trẩy hội mùa xuân.
Bao bì đặc sắc của kem sâm Thái Lan
Kem sâm có mùi thơm nồng nàn, chất kem đặc, mịn, màu vàng nhạt, có khả năng làm da trắng mịn tức thời, đồng thời giữ màu mịn và chống nhờn hàng tiếng đồng hồ. Vì thế, không quá khó hiểu khi những người phụ nữ thời xưa ai ai cũng sở hữu ít nhất một hũ kem này.
Kem sâm có màu vàng nhạt, mùi thơm của cỏ hoa, và chất kem rất mịn. Hiện tại, các phiên bản khác nhau vẫn được bày bán tại các khu chợ miền Tây Nam Bộ
Sáp nẻ Liên Xô
Khi chưa có kem dưỡng ẩm và son dưỡng môi, thời bấy giờ, phụ nữ chỉ tin dùng loại mỹ phẩm đặc trưng của nước Nga để giữ da mềm, chống khô nứt da khi trời lạnh. Đó chính là sáp nẻ Liên Xô. Vào thời này, những ai có điều kiện sang Nga học tập và làm việc, khi quay về nước đều mua rất nhiều sáp nẻ để làm quà tặng người thân.
Sáp nẻ Liên Xô có màu vàng nhạt, chất sáp mịn màng, dùng để bôi lên da và môi khi thời tiết trở lạnh
Phấn nụ
Một trong những phát minh đặc biệt và mang dấu ấn lịch sử nhất chính là phấn nụ hoàng cung. Đây là sản phẩm trang điểm được ra đời trong hoàng cung Huế, trải qua nhiều công đoạn nghiên cứu và sản xuất của các nghệ nhân cung đình Huế.
Phấn nụ có mùi thơm nhẹ nhàng, chất phấn đánh lên da rất mịn, lại có thành phần dưỡng da cực kỳ tốt
Trước khi tới tay người dân thường, phấn nụ là sản phẩm trang điểm chỉ dành riêng cho các bà hoàng và cung nữ triều Nguyễn. Khi nhà Nguyễn tan rã, một cung nữ triều Huế đã mang công thức phấn nụ đem nhân rộng rãi để phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em.
Hoàng hậu Nam Phương từng là một tín đồ của phấn nụ hoàng cung
Son gió
Trước khi những thỏi son lì hay son bóng từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, thế hệ phụ nữ thập niên 90 vẫn trung thành một lòng với son gió. Đây là cây son "huyền thoại" thật sự, bởi sau khi thoa lên môi phải đợi một lúc lâu mới lên màu như ý.
Mỹ nhân Sài Gòn xưa thường sử dụng son gió vì không có quá nhiều lựa chọn trong việc làm đẹp
Son gió là mảnh ký ức đẹp của nhiều người, là một món "đồ chơi" yêu thích của những đứa trẻ thời đó
Son gió bám màu rất tốt. Thông thường, sau khi đánh son gió, phụ nữ phải ra đường, hưởng chút gió trời thì màu son sẽ đậm dần lên. Đó cũng chính là lý do mà "ẻm" được đặt cho cái tên hết sức tượng hình này.
Lược bí
Ơn giời, cứu tinh của bà và mẹ chúng ta một thời đây rồi. Khi điều kiện sống còn chưa hoàn thiện, phụ nữ xưa thường dùng loại lược bí này để chải... chấy. Chuyện là vào thời đó, đại dịch chấy bỗng dưng tràn lan, phụ nữ hầu hết đều có chấy rận trên tóc. Ngoài việc dùng hóa chất đặc biệt để trị chấy, họ còn dùng lược bí chải lên tóc để những con chấy và trứng của nó rơi rụng ra ngoài.
Lược bí có hình dáng rất đặc trưng, nhỏ xinh và có tác dụng tuyệt vời trong việc tiêu diệt ký sinh trùng trên tóc
Hiện tại, đại dịch chấy đã bị tiêu diệt, và lược bí chỉ còn là một mảnh ký ức đẹp trong lòng người dân Việt Nam
Ngày nay, mỹ phẩm ngoại lên ngôi, phụ nữ có rất nhiều lựa chọn trong việc làm đẹp. Những món đồ này đã dần bị mai một và chỉ còn là một khoảng trời thanh xuân để nhớ lại của thế hệ các bà, các mẹ chúng ta.