Yanomami là một nhóm sắc tộc người da đỏ bản địa ở vùng rừng rậm Amazon nằm ở biên giới giữa Venezuela và Brazil. Cuộc sống hằng ngày của bộ tộc này không khác mấy so với thời nguyên thủy.
Bộ lạc Yanomami được phát hiện vào năm 1929 trong rừng Amazon. Kể từ đó cho đến nay, bộ tộc này vẫn sống hoang dã như hàng vạn năm trước. Họ không muốn liên hệ với thế giới bên ngoài, không muốn thay đổi những phong tục văn hóa, thói quen sống từ thuở sơ khai.
Người Yanomami sống trong những túp lều hình tròn nằm sâu trong rừng, dựng lên bằng lá cọ và gỗ. Mọi người đều tụ họp dưới mái nhà chung này, gọi là shabono. Người dân không có nhà riêng, một ngôi nhà nhỏ có thể chứa đến 40-50 người, những ngôi nhà lớn hơn có thể chứa đến 400 người.
Bộ tộc Yanomami không biết chăn nuôi, trồng trọt mà sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, dựa vào săn bắn và hái lượm để làm thức ăn. Yanomami được xếp vào danh sách những bộ tộc có nhiều tập tục kỳ dị nhất trên thế giới.
Nhốt các bé gái dậy thì vào lồng tre cả tháng trời và bỏ đói
Những cô gái đến tuổi dậy thì từ 10 – 12 tuổi của bộ tộc người da đỏ này phải trải qua một nghi thức trưởng thành vô cùng khắc nghiệt.
Các cô gái này sẽ bị nhốt vào trong một cái lồng nhỏ trong suốt 1 tháng ròng. Điều đáng nói là trong suốt 1 tuần đầu tiên, những cô gái sẽ phải nhịn đói mà không được cho ăn bất cứ thứ gì. Cô gái nào vượt qua thử thách này mới được coi là đã trưởng thành.
Đây là nghi thức bắt buộc của người Yanomami bởi theo họ nếu những cô gái bỏ qua nghi thức này thì cả làng sẽ bị nhấn chìm trong một cơn lũ. Sau khi nghi thức trưởng thành kết thúc, những thiếu nữ Yanomami sẽ được tự do. Họ sẽ được vẽ lên cơ thể và đưa đi giới thiệu với các già làng như một người phụ nữ trưởng thành.
Cả bộ tộc chia nhau ăn tro cốt người chết
Kỳ dị hơn nghi thức trưởng thành là tục ăn tro cốt của người chết của tộc người Yanomami. Họ tin rằng sau khi chết đi linh hồn vẫn còn tồn tại. Muốn giữ linh hồn của người chết, họ phải ăn tro cốt của người đó để thân xác người chết được hòa quyện vào thân xác người còn sống và việc này sẽ giúp giữ gìn sự đoàn kết của cả bộ tộc.
Sau khi hỏa táng xong, tro cốt của người chết sẽ được đựng trong quả bầu khô, bên ngoài được bảo vệ bằng chiếc giỏ và được cất giữ ở một nơi trang trọng trong nhà. Một năm sau, vào ngày giỗ của người mất, người Yanomami sẽ đem tro cốt người chết ra để chế biến thành thức ăn. Tro cốt được chế biến hoặc làm gia vị cho nhiều món, trong đó có món chính là súp chuối.
Cả bộ lạc sẽ cùng thưởng thức các món ăn từ xương cốt người chết. Những người đàn ông còn nhét tro cốt vào ống nứa rồi một người thổi, một người hít thật sâu vào trong mũi. Nếu tro cốt nêm súp chuối chia cho cả làng ăn vẫn còn dư, người nhà sẽ cất đi, để dành làm gia vị nấu ăn dần.
Ở trần, xiên đũa tre khắp mặt để làm đẹp
Tất cả đàn ông và phụ nữ của bộ tộc Yanomami đều ở trần và chỉ che phần cơ thể nhạy cảm bằng một mảnh vải nhỏ màu đỏ.
Để làm đẹp cơ thể , các thành viên trong bộ tộc trang trí bằng những hình vẽ kỳ dị màu đen đỏ và cài thêm những chiếc lông trên đầu.
Trong những dịp lễ quan trọng, người Yanomami sẽ dùng những chiếc đũa hay que tre xiên qua mũi, cằm hoặc má để tăng thêm sự thu hút và hấp dẫn.
Cho đến tận ngày nay, cuộc sống hiện tại của tộc người Yanomami vẫn không hề thay đổi nhiều so với thời kì đồ đá. Họ vẫn luôn duy trì những nghi thức được là thiêng liêng này của bộ tộc mình.