Phú Thọ có 3 đặc sản tiến vua là gà chín cựa, cá anh vũ và hồng Hạc Trì- một loại hồng cổ có từ xa xưa, chỉ còn vài chục cây cuối cùng.
Đặc sản tiến Vua: Gà chín cựa
Gà chín cựa hay còn được gọi là gà nhiều cựa, là đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ mà hơn hết là gà chín cựa của người dân tộc Dao ở bản Cói, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Gà chín cựa là loài gà quý hiếm, số lượng giống thuần chủng hiện nay còn rất ít. Chính vì vậy mà rất ít người có thể nhìn tận mắt con gà nào có 9 cựa, thường chỉ có thể bắt gặp những con gà 7 hoặc 8 cựa là nhiều cựa nhất. Bởi lẽ đó mà tên gọi “gà nhiều cựa” xuất phát từ đó.
Gà chín cựa là loài gà có kích thước nhỏ, con lớn nhất chỉ nặng khoảng 1,5 kg và có mào màu đỏ. Loài này có đôi chân to, chắc và đều 3, 4 cựa mỗi bên, mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm.
Theo lời kể của những người nuôi gà nhiều cựa ở bản Cói thì những chú gà nhiều cựa ở đây đi kiếm ăn từ 4h sáng đến tối, chúng lên đồi nứa, lên rẫy đào giun, bắt dế thỉnh thoảng mới được nắm ngô của chủ nuôi.
Gà chín cựa được nuôi trong điều kiện thả tự nhiên nên khả năng thích nghi với môi trường sống và khả năng chống chịu dịch bệnh cao. Gà chín cựa rất khỏe và thông minh. Gà chín cựa có khả năng bay như chim với đôi cánh dài và đôi chân ngắn. Một đặc điểm nữa ở gà nhiều cựa là chúng rất hiếu chiến và hung dữ. Chúng không bao giờ có vẻ sợ hãi khi bị trói hoặc buộc, chúng có khả năng đánh bại những chú gà chọi tưởng chừng bất khả chiến bại.
Thịt gà chín cựa có mùi vị đặc biệt, rất thơm ngon và đậm đà như gà rừng. Gà chín cựa trước đây là sản phẩm để tiến vua không chỉ bởi thịt gà thơm ngon mà còn bởi vẻ oai nghiêm, hùng dũng của chúng. Nếu có dịp đến thăm bản Cói, xã Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ du khách sẽ có dịp được thưởng thức những món ăn đặc sản được chế biến từ gà nhiều cựa.
Đặc sản tiến Vua: Cá anh vũ
Cá anh vũ hay còn được gọi với tên khác là cá mõm lợn. Nó có kích thước trung bình từ 31-67 cm và có cân nặng trung bình ở con trưởng thành là 5 kg. Đây là loài cá đang có nguy cơ tiệt chủng cao và cần được bảo tồn ở mức độ V trong danh sách đỏ.
Ở Việt Nam cá anh vũ thường sống ở lưu vực sông Hồng, Kỳ Cùng, Lam thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An và vùng Tây Nguyên. Từ lâu, cá anh vũ đã được coi là loài vật quý hiếm để dâng lên vua chúa. Ngày nay, nó là đối tượng được nhiều người săn bắt khiến loài này đang có nguy cơ bị tiệt chủng cao.
Quý hiếm là thế nên cái giá của loài cá này chắc chắn sẽ không hề nhỏ, và nhiều người sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để tìm mua loại cá giá trị này. Hiện nay, giá mỗi kg cá Anh Vũ dao động từ 2,5 – 3 triệu đồng. Một số nơi khác bán mức giá thấp hơn, song cũng đều trên 1 đến vài triệu đồng 1 con.
Vì thế, những người săn cho rằng, vất vả là thế, nguy hiểm nhiều, nhưng nếu may mắn, trong một năm bám trụ trên dòng sông sâu thẳm, chỉ cần mươi lần bắt được cá thì cuộc sống sẽ có nhiều điều hạnh phúc hơn.
Đặc sản tiến Vua: Hồng Hạc Trì
Với hương vị đặc biệt, thơm ngon mà thiên nhiên ban tặng, trái hồng Hạc Trì vốn là niềm tự hào của người dân Đất Tổ nơi thành phố Ngã ba sông, từ lâu đã trở thành món đặc sản được nhiều người gần xa biết đến.
Hồng Hạc Trì có nhiều "cát" bên trong. Ảnh: NNVN
Hồng Hạc Trì có nguồn gốc ở xã Bạch Hạc (nay là phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Loại quả này còn được gọi là hồng Bạch Hạc. Đây là giống quả quý hiếm và là một trong những loại quả ngày xưa đem cung tiến các vua Hùng. Ngày nay, loại quả này đã có thương hiệu được cả nước biết đến.
Hồng Hạc Trì đặc biệt không có hạt, dáng quả thuôn dài, chia bốn. Khi chín, quả có màu vàng tươi, thịt vàng sậm, ăn giòn, ngọt dịu, thơm mát. Hương vị đó của loại hồng này rất đặc biệt mà các loại khác khó sánh được. Hồng chín và được thu hoạch vào dúng dịp tết trung thu.
Để có được mâm hồng Hạc trưng bày thế này, Phú Thọ phải thuyết phục mãi người dân mới bán cho. Ảnh: NNVN
Những người bán hồng cho biết, đây là loại hồng ngâm, vì vậy, sau khi hái về phải để khoảng 1 ngày cho hết nhựa sau đó mới đem ngâm. Nếu đem ngâm ngay thì quả hồng sẽ bị ủng chứ ăn không được giòn và ngon. Nước ngâm hồng phải là nước sạch, đặc biệt là sử dụng nước giếng đồi. Hồng được ngâm trong những chum vại sành to trong thời gian khoảng 3 ngày 3 đêm. Sau đó vớt ra để 1 ngày 1 đêm cho ráo nước là được.
Giống hồng Hạc Trì đang có nguy cơ thoái hóa. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc, Phú Thọ chỉ còn 249 cây trên 25 tuổi. Số cây trồng mới không đáng kể. “Số cây hồng Hạc Trì còn rất ít, năng suất thấp nên các gia đình hầu như chỉ để ăn và biếu chứ không có bán” - ông Tú Anh nói.