Chuyển thể từ series phim truyền hình cùng tên sản xuất từ những năm 1964-1968, bộ phim sẽ mang khán giả quay trở về những năm 60 đầy biến động.
Điều đầu tiên cần nhắc đến khi nói về bộ phim The Man From U.N.C.L.E là sự ra đời của từ ghép “bromance”. Bromance là gì? Đây là từ ghép được tạo thành từ “brother” (anh em) và “romance” (lãng mạn), ta tạm dịch nghĩa cụm từ này là “tình huynh đệ”. Nhiều người không hiểu ý nghĩa của việc tạo ra cụm từ này, nhưng phần còn lại của thế giới đã tìm được một cái tên cho mối quan hệ gắn bó trung thành giữa hai người bạn trai thân thiết. Còn mối quan hệ “thân thiết” theo cách nào thì hãy để The Man From U.N.C.L.E chỉ ra cho bạn một ví dụ cụ thể.
Poster phim.
Trong bộ phim với bối cảnh sau chiến tranh thế giới thứ hai này, bức tường Berlin chia nước Đức thành hai nửa, với hai thể chế chính trị hoàn toàn đối lập với sự cân bằng quyền lực mong manh. Napoleon Solo là điệp viên của chính phủ Mỹ, nhận nhiệm vụ tìm kiếm một vị giáo sư mất tích cùng những nghiên cứu về đầu đạn hạt nhân của ông ta. Để đạt được mục đích, Solo tiếp cận con gái vị giáo sư này – hiện đang là thợ cơ khí tại Đông Đức. Rắc rối bắt đầu khi Solo nhận ra chính phủ anh phục vụ không phải những kẻ duy nhất nhắm đến cô gái ấy.
Đối đầu, và đồng hành cùng tay điệp viên xuất thân từ nghề trộm cắp, miệng lưỡi dẻo quẹo, hào hoa phong nhã sát gái đa tình Napoleon Solo là Illya từ tổ chức tình báo của Liên bang Xô Viết. Illya là hình ảnh hoàn toàn trái ngược của Solo, để mô tả anh, người ta chỉ cần nhìn bản mô tả Solo và lập một danh sách khác, với những tính từ trái nghĩa (họ chung nhau một điểm, đó là vẻ bề ngoài quyến rũ chết người).
Đứng cách xa khỏi nhau, Solo và Illya là đại diện cho hai mẫu đàn ông: một người tình lý tưởng của chị em phụ nữ, và người chắc chắn họ muốn lấy làm chồng; nhưng đứng chung trên một con thuyền, họ là hai gã đàn ông không có quá nhiều vấn đề, luôn cạnh tranh vì lòng tự tôn, không ngừng công kích đối phương nhưng luôn là những gã không nỡ quay lưng khi đồng sự của mình gặp rắc rối (tất nhiên là sau khi đã nhìn ngắm chán chê cảnh cộng sự của mình, nói theo cách thời thượng, “ăn hành ngập họng”).
Hai phiên bản “nhân hóa” của Mỹ và Liên Xô.
Hai chàng điệp viên làm xao xuyến trái tim chị em phụ nữ này chính là một phiên-bản-nhân-hóa-kiểu-buồn-cười của hai cường quốc lừng lẫy với đủ thứ tật xấu trải đều từ dễ thương cho tới không thể chấp nhận được. Solo tuy là một gã phóng khoáng, sống bằng những lời dối trá nhưng vẫn giàu niềm tin vào tình bạn, chàng Illya cương trực thẳng thắn thì rất khó kiểm soát tính tự ái và xu hướng bạo lực của mình… Họ đều có những ưu điểm, những mảng tối tăm không muốn bị đưa ra ánh sáng, nhưng họ xuất hiện bên nhau đầy thuyết phục. Vô số các màn “tán tỉnh” nhau, công kích nhau bằng cả ngôn từ và hành động, đầy hài hước mà không phô trương hay sa đà khiến khán giả hiểu lầm, Illya và Solo đã nhấn chìm người xem trong một "giấc mộng" vintage màu hồng không máu và nước mắt.
Đảm nhận vai chính trong bộ phim này là Henry Carvill và Armie Hammer – một là người đàn ông thép Superman, một là chàng hoàng tử Alcott lãng mạn trong Mirror Mirror – hai nam diễn viên xuất hiện trong The Man From U.N.C.L.E. có phần... lộng lẫy quá mức cần thiết. Solo và Illya gợi nhớ tới hình ảnh quý ông đặc vụ sang trọng tinh tế - kiểu kị sĩ bàn tròn cổ điển trong Kingsman hay kiểu James Bond hào hoa bóng bẩy của thời Pierce Brosnan. Nhưng có một sự thật khó chối cãi trong bộ phim này, đó là thế giới điệp viên cũng như cuộc chiến chống lại cái ác chỉ là phông nền (tương tự nữ chính) để trên đó các chàng trai “tán tỉnh” nhau và lấy lòng các khán giả nữ ngồi bên dưới.
Hãy tìm mối liên hệ giữa chàng hoàng tử đeo tai thỏ này với Illya. Bạn sẽ không thấy đâu bởi anh đã thoát kiếp “bình hoa di động”.
Nói như vậy không có nghĩa là phần kịch bản của bộ phim này được làm không kĩ hay nhà sản xuất chỉ cốt lấy lòng chị em. Sự thực là câu chuyện của The Man From U.N.C.L.E được xây dựng dày dặn, nhóm các tình tiết được úp mở, che giấu công phu nhằm phục vụ mục đích làm khán giả bất ngờ vào phút cuối. Những chi tiết bông đùa hài hước được phân bổ xen kẽ phù hợp, tạo ra tiết tấu khá cân bằng. Người ta sẽ không bị cơn bão “bromance” cuốn đi quá xa, nhưng cũng không quá căng thẳng bởi chủ đề điệp viên và những âm mưu thay đổi trật tự thế giới. Cũng khó tìm được dịp nào mà kẻ phản diện nguy hiểm nhất phim lại là một phụ nữ, và trận đánh quan trọng nhất phim là một cuộc đấu trí cân não, nhưng tôi thích gọi nó là một cuộc cãi nhau tay đôi hơn, giữa hai thế lực chưa bao giờ “đánh nhau kiểu như thế” trên màn ảnh.
Một cảnh “đối đầu” giữa kẻ phản diện và Napoleon Solo.
Đạo diễn của The Man From U.N.C.L.E là Guy Ritchie, người không ít thì nhiều đã được khán giả Việt Nam biết đến với vai trò đạo diễn của Sherlock Holmes (2009) và Sherlock Holmes: A Game of Shadows (2011). Hai bộ phim này, và The Man From U.N.C.L.E tuy khác biệt từ nhân vật cho tới cốt truyện, nhưng đều chung nhau một thứ “tinh thần Guy Ritchie” rõ rệt. Có hai thứ làm nên tinh thần ấy: sự mô phỏng hoàn hảo thời điểm lịch sử mà câu chuyện diễn ra và “bromance” giữa hai nhân vật chính.
Henry Carvil như thể đã trở thành một phần của những năm tháng xa xôi kia.
Những khán giả đã từng xem bộ phim đôi lúc phải nghi ngờ liệu mình có phải đang được xem một bộ phim từ những năm 60 của thập niên trước hay không. Từng chi tiết nhỏ trong The Man From U.N.C.L.E đều được mô phỏng, bố trí và sắp đặt một cách vô cùng công phu, từ đại cảnh quán cà phê bên hồ cho tới chiếc điện thoại trong phòng khách sạn… tạo ra một bối cảnh đậm đặc cảm giác vintage của 50 năm về trước.
Bên cạnh bối cảnh, trang phục và màu phim cũng được sử dụng tối đa trong việc tạo ra nơi khán giả cái ảo giác nửa hư nửa thực này. Những bộ máy áo rực rỡ cho tới các món trang sức to bản, kiểu khăn quấn hay cách thức trang điểm… đó đều là thứ gì đó người ta từng thấy trên bìa những cuốn tạp chí của những năm tháng xa xưa. Tất cả được phục hiện một cách nguyên vẹn, không hề có những sửa đổi dù nhỏ nhất để hợp với xu hướng hiện đại.
Bộ phim cũng giống như một bảo tàng thời trang thu nhỏ.
Góc quay và màu phim là hai yếu tố cuối cùng hoàn thành xuất sắc trò “lừa đảo” về cảm giác này. Màu phim bàng bạc với sắc xanh – cam chủ đạo, những cảnh quay rộng, đôi cú máy chuyển từ toàn sang cận bằng cách zoom tay (thậm chí khán giả còn thấy cả khung hình chao đảo trong những cảnh ấy) gợi nhớ cho người xem những gì họ đã thấy trong những bộ phim James Bond thời đầu, Vertigo hay bất kì một phim nào của những năm tháng xa xôi ấy.
Solo và Illya phiên bản truyền hình thập niên 60.
Hollywood đang trong giai đoạn trầm tư hoài cổ. Vài người bi quan lo ngại đó là điểm tận cùng của những ý tưởng mới, nhưng vẫn có những người khác lạc quan tận hưởng cái thứ cảm giác “cổ điển” vừa đúng vừa sai ấy, đầy háo hức và bất ngờ vì những điều cũ xưa trong quá khứ tưởng đã bị quên đi bỗng chốc trở thành nguồn chất liệu mới mẻ và lạ lẫm cho sáng tạo.