Tiệm mì tồn tại hơn 60 năm vẫn đông khách nườm nượp, bí quyết nhờ 1 món ăn kèm quen thuộc

H.M - Ngày 08/05/2022 10:22 AM (GMT+7)

Suốt hơn 60 năm, tiệm mì của người Hoa vẫn cần mẫn mở cửa và mang đến một món ăn khiến nhiều người phải quay lại để thưởng thức thêm nhiều lần.

Trước đây, trên đường Lacaze trong Chợ Lớn (ngày nay là đường Nguyễn Tri Phương) có một tiệm mì bán suốt 30 năm. Hiện nay, tiệm cũng đã chuyển về đầu con hẻm 311 Minh Phụng (Quận 11, TP.HCM) và đã bán được hơn 30 năm. Trong suốt hành trình dài hơn 60 năm ấy, chứng kiến nhiều sự đổi thay của thành phố, hương vị của tiệm mì vẫn không hề thay đổi. Chính điều này đã giúp tiệm luôn có một lượng khách đông đảo.

Người dân địa phương vẫn quen gọi là "mì cải chua" do ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt. Món ăn được chế biến bởi 1 gia đình người Hoa gốc Triều Châu, nhưng hương vị đã được điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với khẩu vị người Việt. Dù nằm khá xa so với trung tâm nhưng tiệm lúc nào cũng đông khách tìm đến.

Dù là hủ tiếu nhưng người dân vẫn quen gọi đây là mì cải chua

Dù là hủ tiếu nhưng người dân vẫn quen gọi đây là mì cải chua

Cọng mì Tiều chính hiệu vẫn được giữ nguyên, cọng tròn và nhỏ hơn so với cọng mì vàng Phúc Kiến. Còn hủ tiếu là loại cọng lớn tương tự như cọng phở, thường thấy trong món hủ tiếu sa tế. Đến đây, món được nhiều người ưa chuộng và cũng là món thú vị nhất là mì thập cẩm, khô hay nước đều rất ngon. Nếu bạn gọi một suất khô, phần “topping” sẽ bao gồm tôm, mực, thịt heo, phèo, gan, cật... được cho vào một cái chén riêng để giữ được độ nóng. Ngoài ra, phần cải chua ở tiệm này cũng có sự khác biệt. Thông thường các quán sẽ có một nồi nước lèo hầm cải chua để hãm béo theo cách ăn truyền thống của người Tiều, thì ở đây chủ tiệm “cải biên” thành cách ăn khô như kiểu ăn dưa giá thường thấy trong miền Nam.

Một điều hiếm thấy nữa đó là gia đình này vẫn giữ truyền thống làm cọng mì từ hơn nửa thế kỷ trước, dù hiện tại bạn mới ăn thì đó cũng vẫn là những sợi mì giống như cách đây hơn 60 năm. Cọng mì ở đây dai nhưng vẫn giữ được độ giòn, ăn mì nước cho đến gần hết tô mà vẫn không bị bở.

Một suất mì thập cẩm khô sẽ gồm một bát mì, một bát nước dùng cùng đồ ăn kèm và một bát dưa cải giá

Một suất mì thập cẩm khô sẽ gồm một bát mì, một bát nước dùng cùng đồ ăn kèm và một bát dưa cải giá

Mì ở đây được chủ quán gia giảm đậm đà vừa miệng nên hầu như khách không cần phải thêm gia vị gì nữa. Với những người thích ăn cay thì có thể thêm chút ớt sa tế. Tô mì nóng, vị ngọt dịu từ nước lèo hầm xương cùng với rất nhiều tôm, mực, cá viên, lòng heo... khiến tô mì vô cùng hấp dẫn ngay khi vừa được bưng ra. Mùi hương của tô mì cũng đánh thức vị giác của thực khách từ giây phút đầu tiên.

Cải chua chính là thứ khiến hương vị món mì ở đây trở nên xuất sắc hơn

Cải chua chính là thứ khiến hương vị món mì ở đây trở nên xuất sắc hơn

Nếm một gắp mì, ăn kèm miếng cải chua giòn giòn mát mát, thêm một miếng cá viên hay tôm mực, hương vị bỗng tổng hòa lại thành vị ngon khó tả. Ngoài ra ở đây còn có thêm cải xá bấu khô, vị mặn mặn giòn giòn rất ngon.

Quán mở từ 6h30 – 12h nên muốn thưởng thức bạn có thể thong thả đến thưởng thức mà không phải dậy quá sớm. Giá một tô thập cẩm là 70.000 đồng.

Quán cháo tồn tại hơn 80 năm giữa Sài Gòn, lúc nào khách cũng đông nườm nượp
Đã từ rất lâu, quán cháo lòng nằm ngay quận 1 (TP.HCM) này đã chiếm được sự yêu mến của nhiều người nhờ hương vị gia truyền độc đáo.

Du lịch Sài Gòn

H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Du lịch Sài Gòn