Nhà văn Ma Văn Kháng đã có những chia sẻ về nghề trong chương trình giao lưu vừa diễn ra cách đây không lâu.
Cuối tuần qua, nhà văn Ma Văn Kháng đã có một cuộc gặp gỡ thân mật với những người bạn văn chương và độc giả yêu thích của mình trong chương trình giao lưu Ma Văn Kháng - Năm tháng nhọc nhằn, Năm tháng nhớ thương.
Chương trình có sự tham dự của những nhà văn thuộc thế hệ vàng của văn học Việt Nam như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Bắc Sơn, giáo sư Phong Lê, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đăng Suyền cùng sự dẫn dắt câu chuyện của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Cuộc trò chuyện không chỉ xoay quanh những tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng mới được giới thiệu lại với độc giả như: Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Đồng bạc trắng hoa xòe, Một mình một ngựa..., mà đây còn là một dịp để những người yêu văn học cùng nhìn lại cả một chặng đường sáng tác của một trong những nhà văn có bút lực mạnh mẽ nhất trong dòng văn xuôi Việt Nam trong hơn 50 năm qua.
Trong những năm tháng làm việc của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã may mắn có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống ở cả thành thị và miền núi. Bởi vậy, những tác phẩm nổi bật nhất của nhà văn đều là những sáng tác xuất phát từ hai đề tài này.
Bằng ánh mắt tinh nhạy của một nhà văn, vốn sống dồi dào và ngòi bút sắc sảo, Ma Văn Kháng đã gói trọn những vấn đề thời sự của đất nước thời kỳ đổi mới, những câu chuyện có tính nhân văn sâu sắc vào từng trang văn. Cái tên Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của sự kiện cũng là một lời nhắn nhủ để bạn đọc cùng nhớ lại quãng thời gian đầy khắc khổ những cũng rất đỗi hào hùng ấy.
Tuy nhiên, với nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, sự kiện hẳn nên mang một tiêu đề khác. Ông chia sẻ: “Với tất cả những gì nhà văn Ma Văn Kháng đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam và cả nền giáo dục nước nhà, tôi xin được phép đề nghị sửa tên chương trình thành Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng quang vinh."
Với khối lượng tác phẩm đồ sộ hơn 22 tiểu thuyết đã được xuất bản và hơn 200 truyện ngắn trong cả sự nghiệp sáng tác của mình, quả không sai khi nhắc đến quãng thời gian văn chương của nhà văn Ma Văn Kháng là “năm tháng quang vinh”.
Vậy điều gì đã khiến nhà văn có một niềm say mê dường như là bất tận với nghiệp viết với những con chữ và câu chuyện kể lại đến vậy? Chia sẻ về cảm hứng viết văn đối với một bạn đọc trẻ, nhà văn ở tuổi 82 đã nói: “Nghề văn cũng như bất cứ nghề nào khác, điều quan trọng nhất là ta được làm một việc mà ta yêu thích”.
Cũng nói về niềm yêu thích với văn chương cảm hứng viết văn, nhà văn chia sẻ thêm: “Tôi là một người dễ dãi. Tôi đọc rất nhiều nhưng không có một niềm yêu thích đặc biệt với một nhà văn nào hay tác phẩm nào.
Đối với tôi, phải đọc rất nhiều, đọc vô tư, đọc hồn nhiên giống như việc sống vậy, cũng phải hồn nhiên; để nó ngấm vào mình ở thể vô ngôn và đến một lúc nào đó nó sẽ tỏa ra giống như ong hút mật cần cù, rồi lại tự mình làm ra mật.
Về việc viết văn, tôi viết rất vô tổ chức, viết bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, cũng không đòi hỏi gì về môi trường phải yên tĩnh hay cảnh vật phải nên thơ,... Tôi chỉ viết khi mình cảm thấy thích, cảm thấy muốn viết.”
"Hãy đọc thật nhiều để những gì mình đọc ngấm vào chính mình và trở thành “vốn liếng” của bản thân; hãy làm những gì mình yêu thích và làm đam mê" - đó là những lời sau cùng mà nhà văn Ma Văn Kháng muốn nhắn nhủ đến bạn đọc nói riêng và những bạn trẻ đam mê nghiệp viết nói chung.