Tối nay xuất hiện ảo ảnh kỳ thú khiến Mặt Trăng lớn khổng lồ

Ngày 27/06/2024 16:51 PM (GMT+7)

Tối nay (27/6), Mặt Trăng đạt vị trí cận địa, một ảo ảnh quang học phổ biến khiến chúng ta cảm giác vệ tinh này lớn hơn rất nhiều so với thực tế khi ở gần đường chân trời.

Theo Hội Thiên văn học Hà Nội (HAS), tối nay (27/6), Mặt Trăng đạt vị trí cận địa. Cụ thể, Mặt Trăng sẽ đi qua điểm gần Trái Đất nhất trong chu kỳ quỹ đạo này của nó vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 27/6 ở khoảng cách 369.286 km.

Trên thực tế, so với thời điểm đi qua vị trí viễn địa, kích thước góc của Mặt Trăng chỉ thay đổi đôi chút, tuy nhiên, một ảo ảnh quang học phổ biến khiến chúng ta cảm giác vệ tinh này lớn hơn rất nhiều so với thực tế khi ở gần đường chân trời. Đây được gọi là ảo ảnh Mặt Trăng. Bất kỳ bức ảnh nào cũng tiết lộ cho ta thấy, Mặt Trăng có cùng kích thước bất kể nó xuất hiện ở vị trí nào. Lý do tại sao chúng ta cảm nhận được ảo ảnh quang học này đang được tranh luận sôi nổi.

Ảo ảnh Mặt Trăng khi ở gần chân trời rất đẹp và kỳ thú.

Ảo ảnh Mặt Trăng khi ở gần chân trời rất đẹp và kỳ thú.

Ngày mai (28/6) sẽ diễn ra sự kiện Mặt Trăng ghé thăm Sao Thổ Vào sáng sớm ngày 28 tháng 06, Trăng khuyết sẽ xuất hiện gần Sao Thổ. Nếu bạn ở khu vực phía đông Australia, đông bắc New Zealand, Fiji và New Caledonia, một cảnh tượng ngoạn mục sẽ diễn ra khi Mặt Trăng đi qua phía trước và che khuất Sao Thổ. Sự kiện này bắt đầu từ tối ngày 27 tháng 06 và kết thúc vào rạng sáng ngày 28 tháng 06. Thật không may, lần che khuất này sẽ không thể quan sát được tại Việt Nam.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), bất cứ ai từng quan sát Mặt Trăng khi nó bắt đầu mọc hoặc sắp lặn ở gần chân trời, nhất là khi Trăng tròn, đều nhận thấy một điểm chung là khi ở gần chân trời Mặt Trăng dường như lớn hơn khi ở trên cao.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết kích thước biểu kiến của một vật thể phụ thuộc vào 2 yếu tố là kích thước thật của vật thể và độ lớn của góc bạn nhìn nó. Khi xét các vật thể có kích thước thật bằng nhau hoặc cùng một vật thể ở vị trí khác nhau thì yếu tố quyết định là độ lớn của góc.

Theo đó, độ lớn này có thể phụ thuộc vào khoảng cách hoặc hiệu ứng quang học. Sự thay đổi độ lớn biểu kiến (độ lớn được xác định do mắt nhìn, góc nhìn người quan sát, không đúng như thực tế đo được) do khoảng cách là điều ai cũng biết: ngôi nhà ở gần bạn sẽ thấy lớn hơn khi nó ở xa bởi góc nhìn lớn hơn.

"Thông thường không ai thấy mâu thuẫn về việc này bởi mắt của chúng ta cho phép cảm nhận được không gian 3 chiều, cộng với kinh nghiệm quan sát nên chúng ta đều có khả năng nhận thức được khoảng cách", nhà nghiên cứu nói.

Thêm nữa, một hiệu ứng quang học phổ biến dẫn đến sự khác biệt về kích thước biểu kiến của vật thể là sự khúc xạ ánh sáng. Khúc xạ ánh sáng làm cho vật thể được quan sát qua các thấu kính và dụng cụ quang học có kích thước khác so với quan sát trực tiếp.

Mặt Tăng cách chúng ta khoảng cách trung bình là 384.000 km. Mặc dù con số này có dao động do quỹ đạo của Mặt Trăng quanh trái đất có dạng elip chứ không phải tròn, nhưng dao động đó khá nhỏ nên thực tế bằng mắt gần như không phân biệt được sự khác biệt về kích thước của mặt trăng do khác khoảng cách.

Tuy nhiên, Mặt Trăng khác với một ngôi nhà, một thân cây hay thậm chí một dãy núi ở chỗ nó lớn hơn và xa hơn rất nhiều, nên khi quan sát mắt của chúng ta không thể ước đoán được khoảng cách của nó. Việc này xảy ra với tất cả các thiên thể gồm cả Mặt Trời và các sao, thậm chí ngay cả một chiếc máy bay hay một con chim khi bay trên cao cũng rất khó ước đoán vì không có điểm mốc nào để so sánh.

"Chính điểm này gây ra ảo giác khoảng cách. Thông thường, khi nhìn về phía chân trời bất kỳ, nhất là khi ở đất liền không phải chân trời lý tưởng như ở biển, bạn sẽ thấy những núi đồi hay những tòa nhà rất xa. Những thứ đó rất nhỏ vì chúng ở khá xa tầm mắt của bạn. Do đó mắt của bạn hình thành cảm giác mặc định rằng những gì ở phía chân trời là rất xa và để nhìn được chúng bạn cần điều chỉnh mắt mình một chút để thấy chúng rõ và lớn hơn", ông Sơn nêu ví dụ cụ thể.

Tương tự, khi Mặt Trăng mới mọc hay sắp lặn, bạn thấy nó ở gần chân trời, thậm chí có thể đã khuất một chút phía sau những núi đồi và nhà cửa, nên mắt bạn có phản xạ tương tự. Ngược lại, khi mặt trăng lên cao, bạn không có phản xạ điều tiết mắt như vậy ngay cả khi bạn đã biết chắc là nó cách bạn tới gần 400.000 km. Đó là loại ảo giác thứ nhất gây ra sự lớn hơn của mặt trăng khi ở gần chân trời.

Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết ảo giác sai lệch về kích thước xuất hiện khi mắt của chúng ta có phản ứng so sánh một vật thể mình quan sát được với một hay nhiều vật thể ở gần đó. Khi một vật thể đặt gần những vật lớn hơn, bạn thấy nó dường như nhỏ hơn và ngược lại.

Khi Mặt Trăng ở trên cao, nó bị bao quanh bởi khoảng trống rất rộng xung quanh. Nó chỉ là một hình tròn nhỏ lọt giữa khoảng không đó, do đó nhìn bằng mắt thường, nó là một vật thể nhỏ. Ngược lại, khi nằm gần chân trời, nó sẽ được so sánh với những nhà cửa, cây cối.. "Hiệu ứng so sánh kích thước ở đây làm bạn có cảm giác rằng mặt trăng lúc này có kích thước rất lớn", ông Sơn cho biết và cho biết việc này cũng lý giải tại sao đôi khi bạn thấy những hình ảnh chụp mặt trăng với kích thước rất lớn.

48 giờ khám phá Hà Nội, ăn gì chơi gì? Dưới đây là những gợi ý tuyệt vời dành cho bạn!
Với lịch trình 2 ngày 1 đêm tại Hà Nội, bạn thừa sức nếm thử những món ăn ngon, khám phá địa danh nổi tiếng trong lòng Thủ đô.

Du lịch Hà Nội

Theo Tô Hội
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú