Trăng máu thế kỷ, mưa sao băng, sao hỏa cùng hội tụ trên bầu trời đêm nay

Ngày 27/07/2018 20:19 PM (GMT+7)

Mãn nhãn với nguyệt thực rực đỏ màu máu, mê mẩn với màn trình diễn mưa sao băng lấp lánh, và say mê với vẻ đẹp huyền bí của Sao Hỏa. Cả ba sự kiện thiên văn này sẽ cùng xuất hiện trong một đêm duy nhất vào cuối tháng này, tối 27/07 đến rạng sáng 28/07.

Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21

Nguyệt thực toàn phần là hiện tượng khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và bề mặt của nó chuyển thành màu đỏ cam trên bầu trời đêm. Hiện tượng này xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, và cả ba cùng nằm thẳng hàng nhau.

Trăng máu thế kỷ, mưa sao băng, sao hỏa cùng hội tụ trên bầu trời đêm nay - 1

Mặt Trăng chuyển thành màu đỏ cam trên bầu trời khi Nguyệt thực toàn phần diễn ra. Hình ảnh: Alphonse Sterling.

Mặt Trăng không tự phát ra ánh sáng mà nhận được ánh sáng từ Mặt Trời để phản chiếu xuống mắt người nhìn ở Trái Đất, nhưng khi nguyệt thực xảy ra, Trái Đất sẽ che đi ánh sáng từ Mặt Trời chiếu lên Mặt Trăng khiến nó thay đổi màu sắc.

Ánh sáng của Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng là ánh sáng trắng, nên nó có bảy màu cơ bản được tạo thành. Khi Trái Đất che khuất ánh sáng này, chỉ có ánh sáng màu đỏ và màu cam với bước sóng dài đi qua được lớp khí quyển của Trái Đất, khiến Mặt Trăng nhuộm một màu đỏ cam.

Trăng máu thế kỷ, mưa sao băng, sao hỏa cùng hội tụ trên bầu trời đêm nay - 2

Trái Đất nằm giữa che đi ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng, chỉ ánh sáng đỏ cam với bước sóng dài mới có thể chiếu xuyên qua lớp khí quyển của Trái Đất, khiến bề mặt Mặt Trăng có màu đỏ cam. Đồ họa: NASA.

Rạng sáng Thứ bảy, 28/07 sắp tới đây, người dân Việt Nam sẽ được quan sát hiện tượng này. Để quan sát, hãy ra khỏi nhà và ngước nhìn lên Mặt Trăng từ sau nửa đêm. Lúc này Mặt Trăng đã nằm cao trên đỉnh đầu và sẽ lặn thấp dần ở bầu trời hướng tây trong suốt quá trình diễn ra. Thời gian cụ thể như sau:

• 00:14, Bắt đầu pha nửa tối.Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất, bề mặt của nó sẽ bị giảm độ sáng.• 01:24, Bắt đầu pha một phần.Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, bắt đầu chuyển sang màu đỏ cam.

• 02:30, Bắt đầu pha toàn phần.Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt có màu đỏ cam.• 03:21, Cực đại nguyệt thực.Mặt Trăng nằm sâu nhất trong vùng bối tối của Trái Đất.• 04:13, Kết thúc pha toàn phần.Mặt Trăng bắt đầu rời vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt dần nhả màu.

• 05:19, Kết thúc pha một phần.Mặt Trăng rời vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt dần bị giảm độ sáng.• 06:28, Kết thúc pha nửa tối.Mặt Trăng rời vùng nửa tối của Trái Đất, bề mặt dần trở lại như bình thường.

Trăng máu thế kỷ, mưa sao băng, sao hỏa cùng hội tụ trên bầu trời đêm nay - 3

Mô phỏng đường đi của Mặt Trăng khi tiến vào vùng bóng tối của Trái Đất vào lần nguyệt thực toàn phần này và thời gian diễn ra các pha.

Chúng ta có thể quan sát được nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường mà không sợ bị hư hỏng mắt như quan sát nhật thực, vì quan sát nguyệt thực cũng như chúng ta ngắm Trăng rằm vào mỗi tháng, ánh sáng Mặt Trăng rất dịu nhẹ nên không làm hại cho mắt. Tuy nhiên, bạn cũng có thể quan sát qua ống nhòm hoặc kính thiên văn để nhìn thấy rõ bề mặt Mặt Trăng hơn.

Để quan sát nguyệt thực thuận lợi, hãy chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết từ trước. Nếu bầu trời nhiều mây và không thấy Mặt Trăng, cơ hội quan sát được nguyệt thực là rất thấp. Ngoài ra, cũng cần rời xa trung tâm thành phố vì nhà cao tầng và ánh đèn đô thị có thể gây ảnh hưởng ít nhiều cho buổi quan sát.

Mưa sao băng Delta Aquarid

Không chỉ được quan sát nguyệt thực, người dân Việt Nam còn được quan sát Mưa sao băng Delta Aquarid vào cùng lúc nguyệt thực diễn ra. Đây là một cơn mưa sao băng trung bình với khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm, được tạo nên từ những hạt bụi còn sót lại của sao chổi 96P/Machholz khi nó đi ngang Trái Đất và làm rơi rớt lại.

Trăng máu thế kỷ, mưa sao băng, sao hỏa cùng hội tụ trên bầu trời đêm nay - 4

Thời điểm tốt để quan sát mưa sao băng này là từ tối 27/07 cho đến rạng sáng 28/07. Năm nay với sự xuất hiện của Trăng tròn (và cũng là nguyệt thực toàn phần) nên Mặt Trăng sẽ là sự trở ngại rất lớn khi ánh sáng chói của nó có thể làm giảm bớt lượng sao băng quan sát được.

Hãy quan sát mưa sao băng Delta Aquarid từ tối ngày 27/07 ở bầu trời hướng đông tại khu vực chòm sao Aquarius (Bảo Bình), chòm sao này đã mọc lên bầu trời từ sau 9 giờ tối. Tuy nhiên, không cần phải tìm ra tâm điểm của mưa sao băng vì các vệt sao băng sẽ tỏa ra từ bầu trời hướng đông và xuất hiện trên cả bầu trời.

Để quan sát được mưa sao băng, bạn phải quan sát ở những nơi tối, không có ánh sáng đô thị, không có mây mù hay mưa dông. Để mắt bạn trong bóng tối suốt hơn 15 phút và tránh nhìn vào các nguồn sáng, như vậy mắt bạn sẽ làm quen với bóng tối và quan sát được dễ dàng hơn. Lưu ý, tuyệt đối không nhìn vào các thiết bị di động khi đang quan sát, nó có thể ảnh hưởng xấu tới mắt bạn và tới kết quả của buổi quan sát.

Quan sát Sao Hỏa tốt nhất từ năm 2003

Cứ 778 ngày hay 2 năm 1 tháng mỗi lần, Sao Hỏa sẽ lại đến gần với Trái Đất. Thời gian của Sao Hỏa khi chuyển động quanh Mặt Trời bằng gấp đôi so với Trái Đất, nên sau hai năm chúng ta lại được quan sát tốt Sao Hỏa trên bầu trời.

Vào tối 27/07 và rạng sáng 28/07, Sao Hỏa sẽ đạt vị trí trực đối so với Trái Đất, tức là hành tinh đỏ sẽ nằm đối diện với Mặt Trời và Trái Đất. Nó sẽ được chiếu sáng đầy đủ bởi Mặt Trời và được quan sát rõ ràng nhất từ Trái Đất.

Không chỉ nằm gần với Trái Đất, mà Sao Hỏa còn nằm gần chúng ta nhất nếu tính từ năm 2003 đến nay. Điều này có nghĩa là, Sao Hỏa sẽ sáng nhất và lớn nhất trên bầu trời từ năm 2003 đến nay. Năm 2003, Sao Hỏa đã đến gần Trái Đất nhất trong vòng 60.000 năm trước đó.

Tối hôm nay, Sao Hỏa sẽ nằm cách Trái Đất 70,8 triệu km. Với khoảng cách này, Sao Hỏa sẽ có độ sáng biểu kiến là -2,57 và đường kính góc là 24,3” trên bầu trời. Chúng ta có thể quan sát Sao Hỏa bằng mắt thường, nhưng để nhìn thấy rõ bề mặt của hành tinh này cùng núi băng ở cực của nó, ta hãy sử dụng kính thiên văn để quan sát rõ hơn.

Để tìm ra Sao Hỏa trên bầu trời, hãy nhìn về bầu trời hướng đông từ khi màn đêm vừa buông xuống. Vì Sao Hỏa là hành tinh nằm gần với Trái Đất, nên ánh sáng của nó không nhấp nháy như những ngôi sao khác. Hãy tìm ra một chấm sáng rất sáng, không nhấp nháy và có màu đỏ cam, đó chính là Sao Hỏa.

Chúng ta sẽ quan sát Sao Hỏa lý tưởng nhất từ 21/07 đến 03/08. Sau ngày này, Sao Hỏa sẽ vẫn còn xuất hiện trên bầu trời nhưng ít sáng hơn qua mỗi ngày, nó sẽ lên cao hơn trên bầu trời và cuối cùng là chỉ xuất hiện ở bầu trời sáng sớm rồi biến mất khỏi bầu trời.

Chỉ trong một đêm mà chúng ta có thể cùng lúc quan sát được 3 sự kiện thiên văn. Đừng bỏ lỡ đêm không ngủ này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa.

150 năm có 1 lần: Siêu Trăng, Trăng máu, Trăng xanh cùng hội tụ vào đêm nay
Siêu Mặt Trăng, Trăng xanh và Nguyệt thực toàn phần (Trăng máu) diễn ra trong cùng một đêm. Sự kiện quá đặc biệt và vô cùng hiếm gặp, được NASA gọi là...
Quang Niên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú