Không phải ngẫu nhiên mà Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu lại là một trong những cuốn sách xuất sắc nhất 2016. Có thể nói, tác phẩm này là người bạn đồng hành tin cậy cùng lứa tuổi đôi mươi vượt qua những chông chênh và thử thách đầu đời.
Rosie Nguyễn chọn một cái tên khá đặc biệt cho cuốn sách định hướng tuổi trẻ của mình: “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” Một câu hỏi tu từ khiến không chỉ lớp trẻ mà cả những người từng trải phải tự vấn lại lòng mình. Ai cũng đồng ý rằng thanh xuân là năm tháng đẹp nhất của đời người, có sức khỏe, có nhiệt huyết, có thời gian và cả can đảm lựa chọn thử thách. Nhưng liệu có phải ai cũng có thể sống trọn vẹn với tuổi trẻ của mình hay đã phí hoài tuổi thanh xuân vào những mộng tưởng trong giấc ngủ dài mỗi ngày. Ta sẽ phải làm gì để tuổi trẻ trở thành vô giá?
Ở độ tuổi đôi mươi, Rosie Nguyễn cũng giống như những bạn trẻ khác phải lựa chọn giữa ước mơ hay nghe theo định hướng của gia đình và nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng dám lựa chọn theo đuổi đam mê của mình. Đặc biệt là khi nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề đó là rất nhỏ thì áp lực từ xã hội và gia đình lên tâm lý của người trẻ càng lớn hơn. Cha mẹ nào cũng hi vọng con mình sẽ có một tương lai tươi sáng, thoải mái nên luôn định hướng cho con cái con đường có vẻ an toàn và ít chông gai nhất.
Cha mẹ vì yêu thương nên muốn bao bọc cho con cái nhưng điều đó lại vô tình nhốt những trái tim đang hừng hực lửa cháy vào một cái lồng băng chật chội. Những đứa trẻ an phận thì cố gắng sống tốt cuộc đời bình lặng. Những đứa trẻ không tắt được đam mê nhưng lại không dám phá lồng chui ra thì luôn quẩn quanh bức bối giữa thực tế ổn định và hoài bão chưa thành. Chỉ có số ít đứa trẻ dũng cảm tung cánh bay xa dù đã bỏ lỡ những năm tháng thanh xuân tươi đẹp sống cuộc đời của kẻ khác.
Rosie Nguyễn yêu thích việc viết lách và đọc sách. Nhưng chị lại lựa chọn học Ngoại thương để rồi phải trải qua những cuộc khủng hoảng tuổi đôi mươi, sống nhàn nhạt, không có mục tiêu. Mỗi khi cầm trên tay một cuốn sách mới thì chị lại cảm thấy nuối tiếc: nếu theo đuổi đam mê liệu có phải chị cũng đã có cuốn sách của riêng mình? Lựa chọn giữa con đường mà mọi người cho rằng là an toàn và mình cũng đã cố gắng một thời gian dài với một con đường mới đầy chông gai luôn là một việc vô cùng khó khăn.
Theo đuổi đam mê hay đi theo một con đường mòn có sẵn là vấn đề mà bất cứ người trẻ nào cũng phải trải qua. Rosie Nguyễn đã chia sẻ với bạn đọc con đường gập ghềnh mà chị đã phải trải qua để biến ước mơ thành hiện thực. Chị đã dùng chính con đường tự lập thân lập nghiệp để truyền cảm hứng xây dựng tuổi trẻ vô giá cho độc giả của mình.
Trong cuốn sách, Rosie Nguyễn chia sẻ nhiều cho bạn đọc về việc tự học, giá trị của việc đọc sách, cách để nuôi dưỡng đam mê và theo đuổi ước mơ. George R.R Martin từng nói: “Người đọc sách sống một nghìn cuộc sống trước khi chết, còn người không đọc chỉ sống một cuộc đời.” Mỗi cuốn sách cho người đọc được sống và trải nghiệm cuộc đời của từng nhân vật, từ đó lượm lặt những kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân mà không cần phải tự mình vượt qua trong đời sống thực.
Sách là nơi lưu giữ tri thức của toàn nhân loại, là nơi chứa đựng những câu chuyện làm tan chảy trái tim đã chai sần vì sự khắc nghiệt của cuộc sống. Rosie Nguyễn đã gieo mầm sự yêu thích đọc sách vào trái tim của độc giả. Cách trích dẫn những câu nói, câu chuyện hay một cách hợp lý và hài hòa làm bạn đọc cảm thấy khâm phục sự hiểu biết sâu rộng của tác giả. Từ đó, độc giả cũng hiểu sâu sắc rằng chỉ có đọc nhiều mới có thể đưa đến cho con người tầm nhìn và kiến thức sâu rộng như vậy.
Rosie Nguyễn cũng cổ vũ bạn đọc của mình hãy dám đi để học hỏi và không ngừng tự học dù đang ngồi hay đã rời khỏi ghế nhà trường. Kiến thức của nhân loại tăng lên từng giây phút, nếu bạn tự thỏa mãn với thành quả mình đạt được thì bản thân sẽ tự thụt lùi. Tự học chính là chủ động tiếp thu và học hỏi kiến thức để mình không ngừng phát triển, để việc học không bị bó buộc chỉ ở trong trường học. Không chỉ chỉ ra tầm quan trọng của việc đọc sách, tự học và xê dịch mà Rosie Nguyễn còn hướng dẫn tận tình cách thực hiện chúng một cách hiệu quả.
Thay vì đứng ở vị trí của kẻ đi trước thành công để lên giọng dạy bảo rằng lớp trẻ phải làm thế này thế kia, Rosie Nguyễn chọn cách đứng ở vị trí một người bạn lớn từng trải để khuyên nhủ đứa em nhỏ non nớt, sắp bị xô vào vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc sống. Những kiến thức bổ ích và lí thú trong “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” không phải là lý luận mông lung, xa vời thực tế. Nó là những bài học kinh nghiệm mà tác giả đã phải tự mình trải nghiệm, tự mình vượt qua và tự mình rút ra bài học. Vì vậy, những kiến thức này rất gần gũi và độc giả có thể dễ dàng thực hành nó trong cuộc sống của mình.
“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” không chỉ là cuốn sách của những bạn trẻ tuổi đôi mươi đang chông chênh, lo lắng vì một tương lai dài không biết mình muốn gì, mình cần gì và mình nên làm gì. Nó còn là cuốn sách dành tặng cho những người đã đi qua tuổi trẻ muốn chiêm nghiệm lại thanh xuân muôn màu của mình. Những bậc phụ huynh mong muốn được hiểu con và trở thành bạn của con trên con đường gập ghềnh của tuổi trẻ cũng có thể tìm được câu trả lời cho mình trong cuốn sách này.