Có lẽ nhiều người cho rằng tuyết chỉ có màu trắng nhưng bạn sẽ bất ngờ khi biết được thực tế tuyết có nhiều màu hơn bạn nghĩ đấy!
1. Tuyết đỏ
Hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này thường thấy trong những tháng mùa hè ở Sierra Nevada bang California, Mỹ – nơi nhiệt độ đủ thấp để tuyết từ những cơn bão mùa đông không bị tan hết trong các tháng mùa hè.
Ở các khu vực núi cao, ở độ cao từ 3.000 đến 3.600m, tuyết màu đỏ khiến quang cảnh trở nên ấn tượng một cách rùng rợn. Khi người đi ủng dẫm lên mặt tuyết sẽ để lại những dấu chân có màu đỏ, như vừa được rưới nước dưa hấu lên bên trên, thậm chí tuyết còn có mùi dưa hấu tươi nên được gọi là “tuyết dưa hấu” (watermelon snow).
Trước đây, một số người suy đoán rằng màu đỏ của tuyết là do yếu tố địa chất từ các mỏ khoáng sản trên tuyết hoặc hóa chất rửa trôi từ các loại đá. Thực chất, màu đỏ của tuyết ở đây do một loại tảo tuyết có tên khoa học là Chlamydomonas nivalis gây ra.
Tuy tảo tuyết thực sự có màu xanh nhưng đồng thời có chứa sắc tố carotenoid đỏ tươi, có tác dụng bảo vệ các loài tảo khỏi bức xạ tia cực tím của Mặt trời. Màu đỏ còn giúp hấp thụ nhiệt, cung cấp nước cho tảo khi tuyết xung quanh tan chảy. Không giống các loài tảo khác, loài tảo này phát triển rất tốt trong tuyết lạnh. Vào những tháng mùa đông, khi tuyết bao phủ, tảo gần như không “hoạt động”.
Đến mùa xuân và mùa hè, khi nhiệt độ tăng, tuyết tan, các chất dinh dưỡng thúc đẩy quá trình nảy mầm của các loại tảo tuyết. Sau khi chúng nảy mầm, tảo mọc trên các bề mặt của tuyết và làm xuất hiện những mảng màu hồng.
2. Tuyết vàng
Không giống tuyết đỏ, tuyết vàng hình thành chủ yếu là do ô nhiễm không khí. Người dân tại đảo Sakhalin (Nga) từng chứng kiến một trận tuyết có màu vàng kì ảo rơi xuống. Ngoài ra, một số khu vực thuộc Tân Cương, Trung quốc cũng bị "tuyết vàng" bao phủ. Đây là hiện tượng hiếm gặp và được các cơ quan khí tượng giải thích là do sự kết hợp giữa thời tiết lạnh giá với bão cát.
Theo các chuyên gia, hiện tượng "tuyết vàng" hiếm gặp xảy ra khi gió mạnh đưa một lượng lớn cát bụi từ mặt đất lên cao. Chúng được giữ lại trong các đám mây và sau đó rơi xuống cùng với tuyết. Tuy nhiên, do cát bụi nhẹ hơn nên rơi chậm hơn, bao phủ lên phía trên bề mặt của tuyết trắng.
Bão cát thường xuyên xảy ra ở khu vực phía tây bắc của Trung Quốc vào mùa khô, mang theo lượng cát bụi lớn màu vàng bao phủ trong các thành phố. Tuy loại tuyết vàng này thì không độc, nhưng cũng có thể gây kích ứng cho cơ thể với những ai có làn da nhạy cảm.
Nguyên nhân thứ 2 hình thành tuyết vàng là do chất thải do các nhà máy lọc dầu và khí đốt đã bám vào mây, rồi theo tuyết rơi xuống. Do đó, tuyết vàng này được đánh giá là cực độc.
3. Tuyết cam
Cư dân thành phố Saratov, cách thủ đô Matxcơva khoảng 858km, đã bị sốc khi thức giấc và nhìn thấy mọi vật xung quanh bị vùi dưới lớp tuyết màu cam. Không chỉ riêng ở thành phố Saratov, người ta còn thấy tuyết màu cam xuất hiện tại ba vùng miền khác nhau ở Siberia. Tuyết màu cam tuy đẹp và lung linh hơn bất kỳ loại tuyết nào khác nhưng những bông tuyết này có mùi rất khó chịu và cực kỳ trơn, gây nguy hiểm cho người đi lại. Sự ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nơi đây có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng lạ này.
Dẫn theo hãng tin Reuters, vào những ngày đầu tháng 2, người dân ở một số vùng thuộc nước Nga đã vô cùng bất ngờ được chứng kiến tuyết cam xuất hiện gần như mọi nơi trong thành phố. Màu sắc của nó thay đổi từ vàng nhạt đến cam đậm.
Tuyết có màu sắc bất thường khiến nhiều người lo ngại. Trên mạng xã hội, một số người bày tỏ sự lo lắng của họ về việc trong tuyết có thể có phóng xạ hoặc các hóa chất độc hại.
Theo kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm của trung tâm vệ sinh và dịch tễ Omk, loại tuyết màu cam rơi tại một số khu vực của Siberia (Nga) tuy không độc hại, không có dấu hiệu bị nhiễm phóng xạ hay nhiễm dầu nhưng lại chứa lượng sắt nhiều gấp bốn lần bình thường. Ngoài có mùi khó chịu và nhờn như dầu gây nguy hiểm cho người đi lại, nếu người ta hít phải một lượng nhỏ tuyết màu cam, một lượng sắt sẽ theo đường khí quản vào phổi, gây hậu quả viêm phổi cấp. Chính quyền Omk đã kêu gọi người dân không sử dụng tuyết màu cam và nên hạn chế đi lại trong tuyết hay để chân tiếp xúc với tuyết.
4. Tuyết xanh
Mới đây thôi, hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở thành phố St Petersburg khi người dân phát hiện lớp tuyết màu xanh dày khoảng 1cm phủ đầy mặt đất. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng kỳ lạ này.
Các chuyên gia cho rằng trong tuyết có thể chứa cobal, một nguyên tố kim loại hoặc xanh methylene, chất được sử dụng trong y tế. Nhiều người cho rằng, hiện tượng tuyết xanh là hậu quả của việc chính quyền thành phố cho phá dỡ viện nghiên cứu dược phẩm hóa học. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn được các nhà khoa học nghiên cứu.
5. Tuyết đen
Một hiện tượng vô cùng hiếm gặp đã bất ngờ xảy ra tại vùng Kemerovo, thuộc một địa điểm có tên Kuznetsk Basin với hoạt động khai thác than lớn nhất thế giới và nằm ở phía Tây Nam của Siberia, khiến nhiều người không tin vào mắt mình là có thật.
Cụ thể, tuyết ở nơi đây bỗng chuyển sang màu đen thay vì màu trắng như bình thường, rơi với mật độ khá dày và tạo nên cảnh tượng chưa từng thấy bao giờ.
Nhận trách nhiệm và giải thích trên kênh TV Vesti-Kuzbass, tổng giám đốc nhà máy Prokopyevskaya, ông Anatoly Volkov đã cho biết một tấm khiên lọc khí đã ngừng hoạt động, khiến bụi than thoát ra ngoài và gây ra hiện tượng lạ kỳ trên. Một số nguyên nhân khác được đưa ra gồm khí thải xe hơi, lò than và sự hoạt động của các nhà máy khác.