Mặt dù xuất hiện không nhiều trong bộ phim Vợ ơi em ở đâu? song Thủy Tiên vẫn để lại ấn tượng bởi cách diễn xuất “tưng tửng” khác lạ.
Vợ ơi em ở đâu? là bộ phim kể về hành trình đi tìm "chân ái" của Nam (Bình Minh) cùng hội bạn thân Lều, Lủng, Lọt. Trước hôn lễ, do quá hoang mang về tình yêu dành cho vị hôn thê, anh chàng đã quyết định cùng “đồng bọn” bỏ trốn khỏi đám cưới của mình. Từ đó, bộ tứ đã phải trải qua rất nhiều tình huống dở khóc dở cười mà vẫn không tài nào thu được kết quả như ý. Để rồi chính thời điểm Nam mỏi gối chùn chân sau bao nhiêu thất bại, anh chàng lại nhận ra: tình yêu – thứ mà mình đang tìm kiếm vẫn luôn hiện hữu rất gần bên cạnh – “xa tận chân trời, gần ngay trước mắt”.
Điểm cộng đầu tiên của Vợ ơi em ở đâu?, không thể không nhắc đến Hội 3 Lờ với Lều – Lủng – Lọt do Thành Lộc – Huy Khánh – Mạc Văn Khoa thủ vai. Thành Lộc vào vai Lều cực ngọt với tính cách cuồng phong thủy một cách quái chiêu, chính vì thế dù đã quá tuổi tứ tuần nhưng chàng vẫn chưa có nổi một mối tình vắt vai. Với tài năng và kinh nghiệm nhiều năm của mình, NSƯT Thành Lộc đủ khả năng dẫn dắt, hòa hợp một cách khéo léo với các bạn diễn tạo nên những pha hài nhẹ nhàng, thú vị.
“Hội 3 Lờ” nhưng khán giả sẽ không thể lờ
Huy Khánh lần này sẽ khiến khán giả cười ngất với màn lột xác từ nam thần màn ảnh đến hình tượng “mê tráng sĩ”, thích trai sáu múi. Ở Huy Khánh, khán giả sẽ thấy được cái hài rất ấn tượng. Hành động, cử chỉ của anh khi thì rất menly trước những người phụ nữ xinh đẹp, khi thì rất “bánh bèo” có duyên khi gặp những chàng trai sáu múi. Đây có thể gọi là nhân vật tỉnh táo nhất trong Hội khi luôn có kiểu nhận xét, phán đoán gà mờ nhưng lại giải vây cho đồng đội bao lần.
Khán giả sẽ được tiếp xúc với toàn các thánh, từ "thánh cuồng", "thánh bựa" rồi đến "thánh nhây". Á quân Cười xuyên Việt 2015 Mạc Văn Khoa với vốn duyên lạ lùng và những biểu cảm độc nhất vô nhị đã đưa chàng Lọt vào top nhân vật “bao nhây” với những phát ngôn “đỡ không nổi”. Sự kết hợp lần đầu tiên giữa ba gương mặt tài năng gồm Thành Lộc, Huy Khánh cùng Mạc Văn Khoa mang đến cho khán giả những trận cười tưng bừng không thể ngừng.
Ba anh đi tới đâu, khán giả cười nghiêng ngả tới đó
Về phía Thủy Tiên, cô được biết đến nhiều với vai trò nhà sản xuất của phim Vợ ơi em ở đâu? nhưng khán giả chắc chắn không thể ngờ nữ ca sĩ thanh lịch ngày nào có thể hi sinh hình tượng của mình, hóa thân vào một Kiều Nguyệt Nga điệu đà đến "khó đỡ". Từ cách ăn nói, đi đứng đến sở thích của nhân vật cũng được Thủy Tiên thể hiện bật lên, khiến Kiều Nguyệt Nga như trở thành một điểm nhấn đặc biệt làm cho khán giả không thể nào quên. Bên cạnh cách diễn xuất “tưng tửng” khác lạ, Thủy Tiên còn đầu tư trang phục phù hợp với tính cách nhân vật đến từng centimet.
Thủy Tiên không ngần ngại diện cả “bình bông di động” được thiết kế riêng cho Kiều Nguyệt Nga.
Điểm cộng tiếp theo không thể không dành cho yếu tố tình cảm của bộ phim. Bên cạnh những pha hài hước, phim không thiếu những phân đoạn sâu lắng, chân thành về tình yêu, gia đình, bạn bè... Nếu như Kiều Nguyệt Nga để lại ấn tượng cho khán giả là một cô nàng “tánh kỳ” thì nhân vật nữ chính Mai (Trương Tri Trúc Diễm) lại cho khán giả những ấn tượng sâu sắc về sự hiền lành, thục đức và đồng cảm về một tình yêu thủy chung, chân thành của một người phụ nữ Việt.
Mỗi nhân vật, mỗi tính cách, mỗi câu chuyện, nhưng được ghép lại hài hòa với nhau một cách thần kỳ mà không hề bị phân mảnh. Nhưng bên cạnh đó, Vợ ơi em ở đâu? vẫn không thể thoát khỏi những hạt sạn mà hầu như tất cả những phim điện ảnh hiện nay mắc phải. Đầu tiên là “khả năng tiết chế” ở một số phân đoạn. Có những đoạn vẫn còn khá dài dòng và tình huống diễn ra cực kỳ dễ đoán.
Phong cách hài hước của phim đôi khi vẫn rơi vào tình trạng “hài nhảm” và nhiều tuyến nhân vật xuất hiện quá chớp nhoáng, không tận dụng được khả năng diễn xuất cho đất diễn còn quá ít khiến khán giả dễ bị lãng quên. Tuy vậy, Vợ ơi em ở đâu? vẫn đáp ứng đủ đầy những gia vị giải trí của một bộ phim Việt thời hiện đại mà khán giả không nên bỏ qua.
Phim khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 25.03.2016.