Tạm gác lại những bận lòng toan tính, rời xa âm thanh náo nhiệt chốn thị thành, dịp cận Tết, những người yêu hoa lại tìm về làng dược liệu Nghĩa Trai. Ngôi làng thuộc xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, vốn có truyền thống trồng và chế biến dược liệu lâu đời.
“Ai về thăm cảnh Nghĩa Trai
Ghé qua Miếu Thượng quê tôi làng nghề
Lưu truyền tiên tổ xa xưa
Dạy dân làm thuốc trải bao nhiêu đời”
Tạm gác lại những bận lòng toan tính, rời xa âm thanh náo nhiệt chốn thị thành, dịp cận Tết, những người yêu hoa lại tìm về làng dược liệu Nghĩa Trai. Ngôi làng thuộc xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, vốn có truyền thống trồng và chế biến dược liệu lâu đời.
Làng Nghĩa Trai trồng rất nhiều loại cây cỏ thảo dược như tía tô, kinh giới, cốt khí, hoắc hương, cổ sâm, mần trầu… Trong số đó, 70% diện tích dược liệu dành để trồng hoa cúc chi, loài cây dược liệu quý giá nhất ở làng Nghĩa Trai.
Thăm cánh đồng Nghĩa Trai vào sáng sớm, được ngắm những bông cúc chi còn đẫm sương mai. Sương tan, nắng lên dần đổ xuống cánh đồng hoa cũng là lúc các mẹ, các chị, các em ra đồng. Đối với người dân làng Nghĩa Trai, nghề trồng dược liệu gắn bó bao đời, nên người ta xem đây như cái duyên để chữa bệnh cứu người. Bởi vậy mà thời gian ở nhà thì ít ra đồng chăm hoa thì nhiều.
Hoa cúc chi còn có tên gọi khác là kim cúc hay cúc tiến vua. Từ xa xưa, cúc chi đã là hàng thượng phẩm được dùng để dâng lên các bậc vua chúa làm vị thuốc cung đình. Ngày nay, những bông hoa cúc chi tới chính vụ thu hoạch vẫn được dùng để làm dược liệu hay thức trà quý.
Hoa cúc chi không chỉ được trồng ở làng Nghĩa Trai, nhưng cúc chi hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở mảnh đất này từ lâu nên rất phát triển. Theo dân làng, hoa cúc chi đương thì nở rộ sẽ có chất lượng làm thuốc tốt nhất. Hoa có vị đắng, hơi ngọt, có thể dùng tươi hoặc sấy khô, kết hợp với các vị thuốc khác sẽ có tác dụng chữa mất ngủ, mát gan, giải độc, thanh nhiệt, đau đầu, chóng mặt…
Cúc chi thường được trồng vào tháng 7 âm lịch và khoảng 4 – 5 tháng sau là tới mùa thu hoạch. Công đoạn thu hái được làm thủ công, người dân sẽ khéo léo, tỉ mẩn ngắt từng bông cúc chi sao cho không làm nát, rụng cánh hoa. Ở dạng sấy khô sạch, hoa cúc chi có giá 500.000 đồng/kg, sấy bằng chất diêm sinh giá khoảng 200.000 đồng/kg. Hoa bán tươi sẽ có giá 35.000 đồng/kg.
Theo ước tính, mỗi năm làng Nghĩa Trai chế biến và xuất bán ra thị trường hàng nghìn tấn dược liệu. Không chỉ là địa chỉ uy tín của các phòng khám y học cổ truyền, công ty dược nội địa, dược liệu làng Nghĩa Trai còn được xuất bán sang Trung Quốc, tạo ra nguồn thu nhập, nâng cao cuộc sống cho người dân.
Mỗi dịp giáp Tết, cánh đồng hoa cúc chi làng Nghĩa Trai trở thành điểm đến thú vị với người yêu hoa, cho nam thanh nữ tú tới chụp ảnh. Hoa cúc chi không mang vẻ mỹ miều, kiêu sa, hoa mộc mạc, bình dị nhưng vẫn tô sắc thêm cho cuộc sống con người nơi đây.
Mùi hương đặc trưng hoa cúc chi làm lòng người xao xuyến. Khung cảnh ngày mùa trên cánh đồng bình dị mà an yên. Dân làng Nghĩa Trai thân thiện, dễ mến, chẳng ngại với những vị khách thị thành, cứ thế mà xởi lởi, chuyện trò thân tình. Tới mùa cúc chi nở, nụ cười người dân nơi đây dường như tươi tắn hơn, không khí rộn ràng, trong lành lan cả cánh đồng hoa.