Ngã vào bếp lửa đang cháy lúc còn nhỏ, chàng trai với những vết sẹo chi chít trên gương mặt đã mạnh mẽ vượt qua mặc cảm, dùng chính bếp lửa ấy để mang đến sự ấm áp và ngọt ngào cho đời.
Chuyến phiêu lưu ngọt ngào cùng “Hải sẹo”
Một tay cầm máy đánh kem, tay kia xoay đều chiếc thau inox, anh Ngô Quý Hải (30 tuổi, quê Kon Tum, biệt danh là Hải “sẹo”) đang chuẩn bị cho những mẻ bánh đầu tiên trong tuần. Mỗi ngày, anh đều thêm vào công thức một nguyên liệu đặc biệt: Sự kiên trì và nghị lực sống phi thường.
Anh Hải vốn sinh ra với cơ thể lành lặn, trong gia đình có 5 người: ba, mẹ, anh trai, em gái và anh Hải.
Khi chỉ mới 6 tháng tuổi, từ trên chiếc xe nôi tập đi anh Hải không may ngã vào bếp củi đang cháy khiến cho toàn bộ gương mặt và một phần cơ thể bị bỏng nặng, biến dạng hoàn toàn. Cú ngã định mệnh vô hình khiến anh rơi vào vực sâu của mặc cảm ngoại hình.
Sờ vào những vết lồi lõm trên mặt, anh Hải bùi ngùi nhớ lại: “7 tuổi đi học nhưng bị bạn bè trêu chọc và kỳ thị nhiều quá nên mình không dám đến trường, chỉ quanh quẩn trong nhà. Năm 10 tuổi, mình lên thị trấn và ghé vào một tiệm bánh ngọt cùng người bạn câm điếc bẩm sinh để mua bánh sinh nhật cho cậu ấy. Nhìn thấy 2 đứa trẻ khiếm khuyết, người chủ vội vàng đuổi chúng mình ra khỏi cửa hàng”.
Từ khoảnh khắc đó, chàng trai nhỏ ấp ủ về một tiệm bánh cho riêng mình, nơi sẵn sàng phục vụ cho mọi vị khách dù họ có ngoại hình hay hoàn cảnh như thế nào. Anh Hải khẳng định, sẽ không có đứa trẻ nào phải rơi nước mắt trong ngày sinh nhật của mình hay trước một tiệm bánh nào nữa.
Hành trình trở thành đầu bếp làm bánh kem của anh Hải không hề dễ dàng...
Để có thể sinh hoạt thuận tiện như bây giờ, anh Hải đã trải qua ít nhất 15 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ khác nhau. Chỉ tay vào phần cổ, anh Hải cho biết trước đây phần da từ cằm đến ngực của anh bị dính liền nên phải nhờ các y bác sĩ bên Đức tách ra. Cuộc đại phẫu thuật năm 2016 tài trợ bởi một tổ chức từ thiện gần như đưa cuộc đời anh sang trang mới.
Trở về Việt Nam, anh Hải dành 2 năm tiếp theo học nghề bếp và pha chế tại Trường nghề KOTO ở Hà Nội, giúp anh làm quen với chiếc bếp lò và cân đường, hộp sữa. Năm ngoái, anh lại trải qua cuộc điều trị kéo dài 7 tháng ở BV Bỏng Quốc gia để tái tạo da mặt hoàn chỉnh.
Từ một cậu nhóc lẩn tránh ánh mắt của người đời, Hải “sẹo” giờ trở thành một thanh niên tự lập: “Gương mặt trơn láng hơn, khác hẳn vết sẹo chằng chịt lúc trước giúp mình tự tin hơn rất nhiều”.
Dù có những lúc anh tuyệt vọng và oán hận người thân vì giây phút bất cẩn năm xưa, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của cộng đồng, anh Hải đã thay đổi tích cực hơn để chạm tay đến ước mơ của cuộc đời mình.
Mở tiệm bánh để trả ơn đời
Xế chiều, căn bếp nhỏ tại số 134/22 Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7 (TP. HCM) lấp lánh những tia nắng vàng rực trên tấm biển nhỏ: Tiệm bánh Hướng Dương. Đằng sau cánh cửa tiệm là không gian đầy ắp sự ngọt ngào của nguyên liệu và đồ trang trí bánh.
Nói về tên tiệm bánh, đôi mắt anh ánh lên niềm hy vọng: “Mình muốn tiến về phía trước một cách lạc quan giống như bông hoa luôn hướng về phía mặt trời đón nhận sự ấm áp, một cách mạnh mẽ, tỏa hương thơm ngát và ngọt ngào”.
Anh Hải “sẹo” tâm sự, đây là lần thứ hai anh mở tiệm bánh sau lần thất bại tại quê nhà Kon Tum: “Năm 2021 chân ướt chân ráo khởi nghiệp quán cà phê và bánh, mình đặt tên quán là Sunhouse Coffee với ý nghĩa ngôi nhà mặt trời luôn chào đón mọi người, mình dùng nhiều tâm huyết đi tìm mặt bằng, tự sửa sang lại rồi thiết kế menu. Tuy nhiên, cửa hàng đầu tiên của anh cũng chịu chung số phận phải đóng cửa trước cơn bão dịch COVID-19...".
Thất bại năm 27 tuổi vẫn chưa khiến chàng trai trẻ khuất phục, anh nhìn nhận bản thân còn nhiều thiếu sót trong việc kinh doanh và chuyên môn làm bánh. Ngay sau đó, anh Hải tham gia khóa học nâng cao tay nghề và gặp được thầy dạy bánh Nguyễn Văn Nam (SN 1995) - người cùng mở Tiệm bánh Hướng Dương với anh sau này.
Trung bình một tuần Tiệm bánh Hướng Dương nhận khoảng 3-4 đơn hàng và bận rộn hơn vào các dịp như Lễ Tình nhân 14/2, Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tết Trung thu… Khi khách đặt bánh, tiệm lên danh sách các nguyên liệu cần mua rồi phân chia công việc để buổi tối cùng làm. Những lúc không có đơn, anh Nam tiếp tục đi dạy nghề bánh còn anh Hải làm thêm công việc pha chế tại một quán cà phê để xoay xở tiền thuê mặt bằng.
Anh Nam (bên trái khung hình) sẽ đảm đương toàn bộ tiệm bánh vào những lúc anh Hải đi điều trị ở Hà Nội.
Chủ yếu bán online nên chủ tiệm rất chăm chút cho trang Facebook “Tiệm bánh Hướng Dương”, anh thường xuyên sáng tạo nhiều mẫu bánh và đăng lên mạng cho khách tham khảo. Thậm chí anh còn đầu tư hẳn một góc “sống ảo” để giới thiệu những chiếc bánh bắt trend vui nhộn như “lần đầu tiên trái thanh long có trong bánh kem”, “mừng sinh nhật bà zà” hay “cũng bày đặt sinh nhật”...
Được nhiều người biết đến câu chuyện cảm động của mình, bên cạnh những lời động viên song anh Hải cũng nhận về những bình luận như “dị nhân làm bánh”, anh cho hay: “Ai cũng mong mình lành lặn và hoàn thiện hơn mỗi ngày, mình cũng chỉ là một người bình thường có số phận khác biệt so với mọi người mà thôi”.
Trong tương lai gần, anh Hải mong tiệm bánh sẽ phát triển với căn bếp lớn hơn, có lượng khách ổn định, không chỉ bán hàng qua mạng mà còn có thể ra mặt tiền. Đồng thời, bản thân anh cũng sẽ học hỏi thêm về tiệc catering và teabreak (cung cấp dịch vụ ăn uống) cho sự kiện doanh nghiệp, xã hội…
Có lẽ chính từ những nỗi đau, sự ám ảnh từ chiếc bếp lò định mệnh đã trở thành sức mạnh khiến anh Hải ngày một cố gắng, tìm kiếm cho mình nguồn năng lượng tích cực nhất về cuộc sống. Anh tâm niệm, nếu có điều kiện anh sẽ tuyển dụng những nhân viên có hoàn cảnh giống bản thân để trả ơn cuộc đời, mang đến cơ hội cho đối tượng yếu thế được sinh sống và làm việc một cách công bằng và không bị phân biệt đối xử.