Suốt 4 năm nay, có một bà cụ tóc đã bạc phơ cùng chồng lặn lội từ Cần Thơ lên Sài Gòn nấu hàng trăm suất cơm để tặng người khó khăn. Dùng hết số tiền tiết kiệm "dưỡng già", bà cụ lại xin con cái. Thấy vậy, không ít mạnh thường quân đã góp sức để bếp cơm của bà được đỏ lửa mỗi ngày.
Đó là bếp chay 0 đồng của bà Nguyễn Thị My (73 tuổi) và ông Trần Văn Hồng (88 tuổi) tại số 207 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh). Những hộp cơm rau củ do chính tay ông bà nấu không chỉ giúp người khó khăn được no bụng mà còn lan toả thông điệp sống tích cực đến mọi người.
Ngoại My rút hết 80 triệu tiền "dưỡng già" để nấu cơm 0 đồng
Đúng 5h sáng, căn bếp nhỏ của ngoại My bắt đầu đỏ lửa, vang lên tiếng leng keng quen thuộc của chiếc vá xào rau củ. Đều đặn từ thứ Hai đến thứ Bảy, đây là cách mà hai tấm lưng còng, 2 mái đầu bạc của ông bà lão U80 cùng các tình nguyện viên chọn để bắt đầu một ngày mới.
"Ông ơi, ông ra mở cửa bỏ bàn đi, để bà con đợi", tay đảo nhanh chảo cà tím, ngoại My nói vọng ra ngoài cửa. Ông Hồng có vẻ gật gù, lọm khọm chuẩn bị bàn ghế, sửa ngay ngắn từng hộp cơm chay.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu mở bếp, ngoại My cho biết khi lên Sài Gòn trị bệnh vào năm 2019, để tiện việc thăm khám, bà thuê căn nhà nhỏ để ở. Dịch Covid-19 bùng phát, nhìn thấy nhiều người khó khăn, thiếu thốn, ngoại My thương quá bèn rút hết tiền tiết kiệm để nấu cơm từ thiện.
"Ngoại rút hết 80 triệu đồng, nào hết tiền thì mình về quê", ngoại My cười tít mắt nhớ lại quyết định "liều lĩnh" của mình. Vì thương vợ nên ông Hồng cũng xiêu lòng trước sự quyết tâm của ngoại My, thoắt một cái đã 4 năm, ông bà gắn bó với mảnh đất duyên nợ này.
Vừa đưa ra khỏi lò, ông Hồng cẩn thận xới những khay cơm bốc khói nghi ngút: “Mỗi ngày ông bà phát từ 200 đến 250 phần cơm miễn phí. Có người tới mà đã hết cơm rồi thì ông vào nhà lấy phần cơm mà bà chừa sẵn cho luôn”, ông tâm sự.
Để nấu hàng trăm suất cơm mỗi ngày, ngoài vợ chồng ngoại My, nhiều cô chú tình nguyện viên cũng tìm đến hỗ trợ. Mỗi người một việc, người múc cơm, người chia đồ ăn, người đóng hộp di chuyển ra bàn phía trước... tạo nên dây chuyền phối hợp vô cùng ăn ý. Chẳng mấy chốc, chiếc bàn inox trước cửa đã chất cao cả trăm phần cơm một cách ngay ngắn.
Mong giữ lại bếp chay càng lâu càng tốt
Tuy là cơm 0 đồng nhưng các món rau củ được ngoại My chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ban đầu chỉ có 2 vợ chồng làm âm thầm nên khá vất vả, cũng không thể nấu được nhiều suất cơm giúp đỡ bà con nghèo. Nhờ có sự chia sẻ của mạng xã hội, mọi người truyền tai nhau nên tình nguyện viên đến bếp hỗ trợ ông bà ngày một đông, từ đó giúp cho việc phân chia và sắp xếp công việc cũng hiệu quả hơn.
Mặc dù đứng bếp khá vất vả, lại phải thức khuya dậy sớm, lọ mọ chuẩn bị từng thứ nhưng ngoại My không hề thấy mệt mỏi. Trái lại, ngày nào cơm hết sớm, ngoại càng mừng vì mình làm thêm được một việc ý nghĩa.
Chậm rãi xếp từng hộp cơm vào giỏ, ông Phan Nguyên Đại (88 tuổi, ngụ Phú Nhuận, tình nguyện viên) hào hứng nói: “Cứ rảnh là ông qua đây làm, sau đó ông sẽ mang đi khoảng 20 phần cho các bệnh nhân ở BV Ung bướu, số lượng tất nhiên không đủ nhưng mình vẫn cố gắng được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ông lớn tuổi rồi nên ở nhà buồn lắm”.
Hầu hết các tình nguyện viên ở đây đều là các cô chú lớn tuổi và đã nghỉ hưu. Gắn bó với ngoại My từ những ngày đầu tiên, cô Đặng Thị Minh Hòa (60 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết: “Cô làm suốt ở đây và được con cái ủng hộ làm từ thiện những gì vừa sức. Các cô đến đây góp công là chủ yếu, còn đồ ăn đều có các mạnh thường quân mang đến mỗi ngày”.
Những cô chú tình nguyện viên ở bếp cơm chay 0 đồng của ngoại My, ai cũng vui vẻ vì đã góp một phần nhỏ san sẻ yêu thương đến người nghèo
Theo cô Hòa, rau củ quả tươi mới được chở từ chợ đầu mối, những vật dụng khác như gia vị, hộp nhựa,... đều có các bên khác nhau tài trợ. Thậm chí, rau củ quả được cho dư quá nhiều thì bếp sẽ cử người tải sang các viện dưỡng lão, nhà tình thương.
Để kịp nổi lửa vào sáng sớm, nhiều loại rau củ đã được sơ chế từ chiều hôm trước. Vào mùng 1 và 15 âm lịch (rằm), bếp ăn thậm chí phải hoạt động xuyên đêm để làm thêm hàng chục phần đồ chay bán cho khách. Bằng việc bán bánh mì bì chay, bún chay và mắm thái (làm từ đu đủ) đồng giá 15.000 đồng/phần, ngoại My cùng với các tình nguyện viên cố gắng kiếm thêm chút tiền để tự túc một số chi phí.
Làm bảo vệ của một siêu thị gần đó, chú Nguyễn Văn Thạo (50 tuổi) băng qua đường để nhận cơm ở bếp ăn ngoại My. "Nhờ biết đến bà cụ mà hơn 2 tháng nay, chú tiết kiệm được tiền ăn sáng, ăn trưa và để dành tiền lương lo cho gia đình”, chú Thạo xúc động nói.
Dắt chiếc xe ba gác gọn vào lề đường, ông Lê Văn Cam (70 tuổi) ra dấu một ngón tay thể hiện xin một phần cơm: “Ông được nhận cơm chay khoảng một năm rưỡi nay, già cả rồi nên chỉ nhận một phần là ăn cả ngày”. Vừa nhận được hộp cơm, ông Cam chầm chậm cúi đầu và cười mỉm thay cho lời tri ân. Hầu hết, những người đến nhận cơm là người dân lao động trên đường phố và tuổi tác đã cao, ai cũng bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng của ngoại My và mọi người khi đã duy trì bếp cơm suốt 4 năm qua.
Ngoại My chia sẻ nhiều lúc làm việc mệt mỏi và muốn đóng cửa bếp từ thiện, nhưng khi nhìn thấy từng suất cơm được trao tận tay người nghèo, bà lại được tiếp thêm động lực để làm tiếp công việc ý nghĩa này.
Từ tấm bảng nhỏ “Cho cơm từ thiện - Cơm rau quả 0 đồng”, giờ đây quán cơm chay của ngoại My đã nâng cấp thành “Bếp 0 đồng - Nghĩa tình mặt trận” do Ủy ban MTTQVN quận Bình Thạnh chứng nhận. Không chỉ riêng các cô chú tình nguyện viên, người dân xung quanh bếp từ thiện ai cũng mong vợ chồng ngoại My luôn mạnh giỏi, để tiếp tục nấu cơm và san sẻ gánh nặng mưu sinh cho thật nhiều bà con hơn.
Cảm ơn vợ chồng ngoại My, cảm ơn các mạnh thường quân và tình nguyện viên đã giúp bếp cơm được đỏ lửa suốt 4 năm qua, cùng nhau viết tiếp những điều nho nhỏ, dễ thương về một Sài Gòn đầy tử tế và bao dung.