Đặc sản An Giang thì có nhiều, món nào cũng ngon cũng thơm. Nhưng có một vài món ăn độc đáo và có phần kỳ dị mà bạn nhất định phải nếm thử khi đặt chân tới vùng đất này!
"Vũ nữ chân dài"
Món "Vũ nữ chân dài" hay có cái tên dân dã hơn là "khô nhái" - một món nhậu có sức hấp dẫn lạ kỳ, sẵn sàng “hạ gục” bất cứ ai từng có cơ hội thưởng thức.
Muốn cho khô nhái đạt chất lượng cao, người chế biến sẽ ướp nhái với tiêu, ớt, muối cho thấm đều rồi mới đem phơi. Thông thường, ướp khô nhái với nhiều gia vị phải để 2 lần nắng, mỗi lần kéo dài từ 1,5 - 2 tiếng. Công đoạn tiếp theo là xếp nhái thẳng hàng trên giàn phơi.
Khô nhái rất ngon, vừa thơm vừa giòn, có thể coi là món nhậu hấp dẫn ít món khô nào qua mặt được. Khô nhái ngon nhất là chiên. Sau khi nhái được tẩm gia vị và lớp da trở nên bóng giòn quyến rũ, đầu bếp thả nguyên con vào chảo dầu sôi già.
Cuối cùng, phi tỏi thơm, thêm chút đường, nước mắm nhĩ, rồi bỏ khô nhái đã chiên vào xóc đều, kết hợp cùng vài đầu hành trần, ít củ hành. Chỉ đơn giản như thế, một thức quà dân dã “danh bất hư truyền” đã được hoàn thành.
Khi thưởng thức nhái khô chiên giòn, thực khách có thể nhai cả xương và thịt. Hương vị món ăn này rất thơm ngon, có sự hòa quyện của vị ngọt dịu xen lẫn vị cay cay, mằn mặn, béo, giòn rất đặc trưng.
Bò cạp Bảy Núi
Bò cạp Bảy Núi (người địa phương thường gọi là bù kẹp), cò màu đen nhánh, hai càng to, kích thước bọ cạp to cỡ bằng con dế cơm. Thoạt nhìn, bò cạp có nét giống con gián nhưng quan sát kỹ sẽ thấy nhiều nét khác biệt. Đối với người dân vùng Bảy Núi, bò cạp là động vật vừa có thể làm thuốc trị bệnh vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng.
Từ nguyên liệu là bò cạp, người ta có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon. Cách làm đơn giản và phổ biến của người dân vùng Bảy Núi là sử dụng bò cạp để chiên giòn. Bò cạp bắt về được cho vào thau vài ngày cho “sạch bụng”.
Sau đó, người dân chỉ việc để nguyên con và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bò cạp chín sẽ bốc mùi thơm lạ lùng. Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh.
Cắn một miếng bò cạp, nghe nổ giòn và beo béo trong răng. Ngoài vị nhăn nhẳn của cỏ cây thuốc còn đọng lại trong bao tử chúng, còn có vị béo bùi đặc trưng mà côn trùng khác không có.
Ngoài bò cạp chiên giòn để thay đổi và làm tăng thêm khẩu vị, người ta còn sáng tạo món thêm nhiều món từ bò cạp Bảy Núi như bò cạp rang muối, bò cạp xiên que nướng, bò cạp xào sả ớt, bò cạp sữa chiên, mỳ xào bò cạp, bò cạp chiên bơ, v.v…
Theo chân người An Giang đi săn bọ cạp nhé!
Bọ rầy chiên giòn
Thêm một món ăn “kinh dị” nữa chính là bọ rầy vùng Bảy Núi. Bọ rầy ở đây phát triển nhanh vào mùa mưa, con nào con nấy béo múp.
Bọ rầy có kích cỡ to hơn ngón tay cái với hình dáng đặc trưng của loài bọ nên trông có vẻ “khó nuốt”. Tuy nhiên, khi đã qua bàn tay của những bà nội trợ vùng núi, chúng như lột xác hoàn toàn. Trước đây, bọ rầy được coi là món ăn của người nghèo. Nhưng ngày nay, loài côn trùng này đã là đặc sản, trở thành món khoái khẩu không thể bỏ qua trong nhà hàng, quán nhậu.
Cũng như cách chế biến dế cơm, nhộng ve hoặc bò cạp, bọ rầy chỉ cần làm sạch bằng cách ngắt bỏ cánh, chân và rút ruột, sau đó rửa lại bằng nước ấm pha muối. Sau đó, người làm đem bọ ướp với đường, bột ngọt, tiêu, tỏi cho thấm đều độ 20 phút rồi bắc chảo lên chiên cho thật giòn.
Người kĩ tính và cầu kỳ hơn có thể nhét vào bụng mỗi con bọ rầy một hạt lạc rang trước khi cho vào chảo dầu đang sôi. Chỉ chớp mắt, chú bọ rầy sẽ căng lên, no tròn, vàng ruộm, mùi bốc lên thơm phức...
Món bọ rầy chiên giòn có thể ăn kèm với rau sống, cà chua, dưa leo và chấm muối tiêu chanh. Cũng như ăn bò cạp chiên, người mới ăn bọ rầy lần đầu thường cảm thấy rờn rợn vì con vật xấu xí và màu sắc cũng không tươi tắn, hấp dẫn.
Nhưng sau khi thưởng thức, người ta mới thấy hết cái ngon độc đáo của nó nhờ mùi vị vừa thơm ngon vừa béo và bùi. Người ăn chỉ cần đưa vào miệng cắn nhẹ, mùi vị sẽ ngay lập tức lan tỏa, chất béo của thịt thấm vào từng chân răng, không lẫn lộn với bất cứ một hương vị nào khác.