"Hiện tại có hai con nhỏ, gia đình mình chi tiêu không dưới 15 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể những khoản nhỏ, lặt vặt, có khi còn chi tiêu nhiều hơn cả mức dự phòng".
“Hiện tại có hai con nhỏ, gia đình mình chi tiêu không dưới 15 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể những khoản nhỏ, lặt vặt, có khi còn chi tiêu nhiều hơn cả mức dự phòng”- đó là chia sẻ của chị Lê Thị Vui (Phú Đô, Hà Nội).
Trong thời đại bão giá, mọi thứ dường như trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết, do đó việc chi tiêu trong một gia đình càng trở nên cấp thiết. Như bao gia đình khác, gia đình chị Lê Thị Vui (Phú Đô, Hà Nội) cũng đau đầu về việc chi tiêu. Theo vợ chồng chị, dù có công ty kinh doanh nội thất riêng, nhưng thu nhập chưa khá khẩm mấy nên nhiều khi cũng trở nên “bí bách”.
Mới đầu anh Xuân Hưởng chồng chị Vui chưa nắm rõ nên thi thoảng cũng thắc mắc với vợ rằng “Người ta mỗi tháng chi tiêu có trên dưới 10 triệu, sao nhà mình lại nhiều thế. Theo anh vợ nên xem lại kế hoạch chi tiêu”. Nhưng rồi khi hai vợ chồng bình tĩnh hạch toán lại các khoản chi trong tháng thì anh Hưởng mới hiểu ra rằng vợ mình đã rất khéo léo trong chi tiêu.
Chị Lê Vui hạnh phúc bên con gái đầu lòng.
Chị Vui chia sẻ: “Khi mình trao đổi với chị em, bạn bè mới hay không chỉ riêng nhà mình mà các gia đình khác cũng thế. Trăm cái khổ để chị em suy nghĩ. Chi tiêu thế nào cho hợp lý đúng là bài toán. Nhà mình có hai đứa con, mỗi đứa có một khoản chi tiêu riêng, lại thêm cả hai vợ chồng nữa, cùng công việc kinh doanh nữa. Nói thật phải lâu lắm rồi vợ chồng mình chưa dám mua sắm cái gì lớn lao cả”.
Kế hoạch chi tiêu của gia đình chị Vui, theo thống kê hàng tháng.
Tiền học phí, tiền ăn trên lớp cho con: 2 triệu/tháng
Tiền bỉm+ sữa cho con: 1 triệu/tháng
Tiền nhà+điện+nước: 4 triệu/tháng
Tiền ăn cả gia đình: 3 triệu/tháng
Tiền mạng+tiền vệ sinh+tiền cáp: 600 nghìn/tháng
Tiền phát sinh (cưới hỏi, ma chay, sinh nhật): 2 triệu
Tiền xăng xe, ăn sáng của hai vợ chồng: 2 triệu/tháng.
Tiền mua sắm, cho bé đi chơi: 1 triệu/tháng
Tính tổng: 15.600.000 nghìn đồng.
Cũng theo chị Vui, đây mới chỉ là những khoản sơ sơ nhìn thấy, còn có những khoản “bỗng dưng xuất hiện” thì chị chưa tính.
“Cái khoản chưa nhắc đến vẫn còn nhiều lắm. Đôi khi đó là những vấn đề phát sinh, mình sẵn tiền rồi lại chi tiêu, chứ nó không nằm trong tính toán. Quả thật chi tiêu là bài toán đau đầu nhất, mình cũng nghĩ nhiều, đôi khi sợ ốm ra, nên thôi cứ đến đâu tính đến đó vậy”- chi Vui lắc đầu.
Với chị Vui, mọi khó khăn về chi tiêu hoàn toàn có thể khắc phục được, chỉ cần các con chị được vui và hạnh phúc.
Đôi khi stress vì vấn đề chi tiêu
Theo chị, mỗi tháng anh chị còn đón anh em nội ngoại ra thăm, chẳng nhẽ lại không có gì để thiết đãi. Thêm vào đó, thi thoảng anh chị lại đưa các cháu đi chơi, mua sắm và các khoản liên quan đến ốm đau, tiê phòng.
“Nhà mình chủ yếu cho bé đi tiêm dịch vụ, nói thật cũng mất thêm một khoản nữa. Nhưng vì yêu con, vì con là tất cả, nên bao nhiêu với mình cũng chấp nhận hết. Vợ chồng lại cùng nhau cày cuốc tiếp”- chị Vui chia sẻ.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tin tưởng vợ mình nên anh Hưởng khá yên tâm. Anh cũng chia sẻ, anh chỉ việc đi làm kiếm tiền còn vấn đề chi tiêu, anh giao cho vợ anh lo hết.
Không chỉ là người phụ nữ yêu chồng, thương con, chị Vui còn khá năng động. Ngoài việc chăm con, chị còn kinh doanh quần áo qua mạng, hỗ trợ chồng. Cũng theo anh chị, những khó khăn ban đầu hoàn toàn có thể khắc phục được, chỉ cần "thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn".
Chia tay gia đình anh Hưởng chị Vui, tôi nghĩ với bất kỳ cặp vợ chồng nào ra thành phố lập nghiệp cũng gặp những khó khăn tương tự. Điều quan trọng là họ cùng nhau vượt qua như thế nào, có cách chi tiêu hợp lý hay không. Và đây cũng chính là chìa khóa để “giải mã” hạnh phúc trong mỗi gia đình. Đôi khi, một cặp đôi tan vỡ, hôn nhân đi tới đường cùng cũng vì tiền bạc, vì mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình.