Đừng liên tục tra hỏi chồng bằng những câu hỏi xem họ đang đi đâu, làm gì, với ai; cũng đừng cố vào xem lén điện thoại hay đọc trộm email của họ. Sự nghi ngờ vô căn cứ có thể khiến chồng bạn cảm thấy mệt mỏi và khiến mối quan hệ của hai bạn rơi vào ngõ cụt trong một ngày nào đó.
Khi có sự mâu thuẫn xảy ra, chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho người bạn đời mà ít khi nào nhìn ra lỗi của mình. Tuy nhiên, một mối quan hệ lâu dài luôn cần được xây dựng dựa trên sự vun đắp của cả hai, việc khăng khăng giành phần thắng về mình không có lợi chút nào cho mối quan hệ của vợ chồng bạn.
Nếu bạn có 7 thói quen sau đây, hãy xem ngay để có hướng điều chỉnh vì theo Brightside, có thể chính bạn đang là người đẩy chồng mình ra xa.
Nghiện điện thoại thông minh
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Arizona (Mỹ), nếu phần lớn thời gian của bạn đều dành cho những việc như chơi game, lướt điện thoại ..., đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã nghiện điện thoại thông minh. Và điều đó là hoàn toàn không tốt cho mối quan hệ vợ chồng.
Thay vì suốt ngày chỉ cắm mặt vào chiếc điện thoại, hãy tạo cho mình những thói quen tích cực hơn, chẳng hạn như việc cùng nhau nấu ăn hay đi dạo. Những thay đổi tuy nhỏ này sẽ giúp mối quan hệ của bạn được cải thiện đáng kể.
Không đặt bạn đời lên vị trí ưu tiên
Công việc là quan trọng nhưng đừng để điều đó chiếm hết thời gian của bạn. Hãy sắp xếp thời gian để dành cho người bạn đời của mình những quãng thời gian bên nhau nhất định.
Một phương pháp mang tên 2/2/2 có thể giúp bạn cải thiện mối quan hệ ngay cả trong hoàn cảnh những cặp đôi eo hẹp về thời gian nhất. Đó là hẹn hò với người ấy 2 tuần 1 lần, ra ngoài hít thở không khí trong lành 2 tháng 1 lần và cứ mỗi 2 năm, hai vợ chồng sẽ cùng nhau có một kỳ nghỉ đáng nhớ.
Không thừa nhận sự giúp đỡ của đối phương
Phải chăng hai từ "cảm ơn" đang dần trở nên xa lạ khi chúng ta chính thức về chung một nhà. Rất nhiều chị em cho rằng, việc chồng giúp đỡ mình là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đó không phải là bổn phận và trách nhiệm của họ.
Đàn ông sẵn sàng giải quyết khó khăn giúp bạn bởi họ yêu bạn và cũng mong nhận được sự đánh giá cao từ vợ. Hãy nói lời cảm ơn khi được nhận sự giúp đỡ từ chồng, cho dù là điều đơn giản nhất.
Quá cứng nhắc
Muốn duy trì mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp, hãy biết cách chia sẻ tâm tư tình cảm bằng một thái độ cởi mở và chân thành. Việc chia sẻ cùng bạn đời về những điều xảy ra trong ngày và sẵn sàng lắng nghe người kia tuy đơn giản nhưng lại là điều vô cùng quan trọng trong tình yêu.
Hãy thử những câu hỏi khác thường ngày một chút như: "Hôm nay điều gì khiến em vui nhất?" hay "Có điều khiến em trông tươi tắn vậy? Kể anh nghe với nào".
Nếu có điều gì ở chồng khiến bạn phiền muộn, đừng tỏ thái độ khó chịu rồi nói kiểu "Sao anh dám nói thế", hãy xử lý một cách khéo léo bằng cách nói "Câu đó của anh làm em thấy buồn đấy".
Cáu kỉnh vì những chuyện vặt vãnh
Đừng cố để thay đổi con người của chồng bạn. Hãy nhớ lại xem, không phải con người chân thật của anh ấy là điều đã từng khiến bạn phải đổ gục đó sao.
Thay vì càu nhàu, hãy để chồng thấy được những hậu quả từ chính hành động của họ. Nếu anh ấy có thói quen quẳng bít tất hay khăn tắm lung tung trong nhà, hãy nói với anh ấy rằng bạn chỉ giặt những thứ được để đúng nơi quy định. Sau vài lần không thể có tất và khăn tắm sạch, anh ấy sẽ tự khắc nhớ thôi.
Không thể thoả hiệp cùng nhau
Hãy tập trung cùng nhau giải quyết các vấn đề, cố gắng thảo luận trước khi mọi chuyện bị đẩy đi quá xa. Trước khi định trao đổi hay tranh luận về một vấn đề, hãy nắm lấy tay của đối phương vì hành động này có thể giúp hai bạn cảm thấy bình tĩnh và thoải mái hơn. Luôn luôn nhớ một một nguyên tắc rằng: Người này nói, người kia nghe.
Khi mọi chuyện trở nên căng thẳng, hãy đi đâu đó dù chỉ trong nửa phút. Khi cả hai cùng bình tĩnh trở lại, việc trò chuyện sẽ trở nên hiệu quả hơn nhiều.
Không có sự tin tưởng
Nếu bạn muốn có một mối quan hệ hạnh phúc và lâu dài, hãy học cách tin tưởng vào đối phương. Đừng liên tục tra hỏi chồng bằng những câu hỏi xem họ đang đi đâu, làm gì, với ai; cũng đừng cố vào xem lén điện thoại hay đọc trộm email của họ.
Sự nghi ngờ vô căn cứ có thể khiến chồng bạn cảm thấy mệt mỏi và khiến mối quan hệ của hai bạn rơi vào ngõ cụt trong một ngày nào đó.