Tâm lý học cho rằng có một số bí mật bạn không nên nói ra. Việc duy trì một số ranh giới nhất định sẽ bảo vệ các mối quan hệ, lòng tự trọng và thậm chí cả sức khỏe cảm xúc của bạn.
1. Mục tiêu cuộc sống cá nhân
Mỗi chúng ta đều có ước mơ lớn của riêng mình và tốt hơn là hãy giữ kín những khát vọng lớn lao đó. Khi bạn chia sẻ mục tiêu cuộc sống cá nhân với người khác, bạn có thể vô tình khiến mình bị ảnh hưởng bởi sự suy đoán cũng như sự bất an của họ. Mọi người có thể nói với bạn rằng điều đó không thực tế, cố ý hoặc vô tình làm bạn nản lòng.
Bạn cũng có thể gặp phải rủi ro khác là cảm giác thành tựu quá sớm. Các nghiên cứu cho thấy việc chia sẻ mục tiêu có thể đánh lừa tâm trí bạn rằng bạn đã đạt được mục tiêu đó. Điều này làm giảm đi động lực làm việc chăm chỉ.
Và cuối cùng, điều này liên quan đến việc bảo vệ ý định của bạn và duy trì tầm nhìn rõ ràng, không mơ hồ về những gì bạn muốn đạt được.
2. Việc làm tốt của bạn
Làm những điều tốt đẹp cho người khác có thể là một điều tuyệt vời, khiến bạn cảm thấy vui và tác động tích cực đến người nhận. Tuy nhiên, khi chúng ta chia sẻ về những việc làm tốt của mình với người khác, đôi khi điều đó có thể làm giảm đi sự đơn giản của hành động.
Sự tập trung sẽ chuyển từ hành động đó sang sự công nhận mà chúng ta nhận được. Thậm chí, điều này cũng có thể vô tình khiến người khác cảm thấy áp lực phải làm theo hoặc cảm thấy tội lỗi nếu họ không làm được như vậy.
Hơn nữa, chia sẻ này thường có thể dẫn đến những hiểu lầm, khiến đối phương nghi ngờ về ý định của bạn. Mọi người có thể thắc mắc rằng liệu bạn có đang cố gắng tỏ ra tốt đẹp hơn không.
3. Những oán giận trong quá khứ
Cuộc sống này luôn đầy những quãng thăng và trầm. Tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm khiến mình cảm thấy cay đắng hoặc oán giận. Tuy nhiên, việc chia sẻ về những cảm xúc này với người khác có thể gây ra cho bạn những hậu quả không mong muốn.
Khi chúng ta liên tục nói về những oán giận trong quá khứ, não chúng ta có xu hướng sống lại những trải nghiệm tiêu cực đó. Điều này có thể dẫn đến việc gia tăng mức độ căng thẳng và gây ra cảm xúc tiêu cực như tức giận và buồn bã.
Hơn nữa, nó có thể tạo ra luồng khí tiêu cực xung quanh bạn. Mọi người có thể coi bạn là người hay oán giận, tiêu cực và trở nên cảnh giác với bạn. Sẽ tốt hơn khi bạn tự mình giải quyết vấn đề hoặc nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia.
4. Vấn đề gia đình
Gia đình là một phần cốt lõi trong cuộc sống của chúng ta và khi có chuyện không diễn ra suôn sẻ, mọi thứ có thể trở nên khó khăn. Khi bạn chia sẻ các vấn đề gia đình, điều đó có thể khiến bạn phải nhận những lời khuyên hoặc sự phán xét không mong muốn. Điều này thường gây hại nhiều hơn lợi, xâm phạm đến quyền riêng tư của các thành viên khác trong gia đình có liên quan.
Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ nhưng hãy sáng suốt lựa chọn người để tâm sự. Một người bạn đáng tin cậy hoặc cố vấn chuyên nghiệp có thể lắng nghe và đưa ra những lời khuyên mà không truyền bá bất kỳ tin tức nào.
5. Chi tiết tình hình tài chính
Tiền bạc là một chủ đề khó nói. Và dù bạn có nhiều tiền hay đang chật vật với việc chi tiêu, chia sẻ tình hình tài chính cá nhân có thể dẫn bạn đến một số tình huống khó khăn. Chủ đề này dễ tạo ra sự mất cân bằng trong các mối quan hệ, dẫn đến cảm giác đố kỵ hoặc thương hại. Và dù là gì, cả hai đều không phải là nền tảng lành mạnh cho các mối quan hệ.
Cho dù bạn vừa tìm được một công việc lương cao hay đang phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn, tốt hơn hãy giữ kín thông tin về tình hình tài chính cá nhân của mình. Mỗi người đều có hành trình tiền bạc riêng và bạn có thể giữ bí mật về hành trình đó.
6. Những khoảnh khắc xấu hổ trong quá khứ
Chúng ta đều có những khoảnh khắc khiến mình xấu hổ khi nghĩ lại. Người ta thường nói chia sẻ là cách chữa lành, nhưng với những khoảnh khắc xấu hổ trong quá khứ, điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Việc nhắc lại những khoảnh khắc này có thể khơi dậy cảm giác xấu hổ và khó chịu. Thậm chí, nó có thể thay đổi nhận thức của người khác về bạn.
Thay vì chia sẻ những sai lầm trong quá khứ, hãy coi chúng như kinh nghiệm giúp bạn trưởng thành hơn. Chúng là một phần trong hành trình của bạn, định hình con người bạn như ngày hôm nay. Vì vậy, hãy thoải mái hơn. Nhớ rằng, bạn là con người và những điều này đều có thể xảy ra với bất kỳ ai.
7. Hận thù cá nhân
Chúng ta đều có lúc cảm thấy tức giận dữ với ai nhưng liên tục nói về điều này với người khác sẽ không có lợi cho bạn. Khi bạn chia sẻ với người khác về mối hận thù, họ sẽ có nhiều quyền lực hơn đối với bạn. Nó thậm chí còn có thể khiến bạn trở nên nhỏ nhen hoặc là người không thể buông bỏ mọi chuyện.
Thay vào đó, hãy tập trung vào việc giải quyết hoặc vượt qua. Cuộc sống này quá ngắn để dành thời gian nuôi dưỡng sự oán giận. Hãy dành năng lượng đó vào điều gì tích cực và hiệu quả hơn.
8. Tự phê bình
Tất cả chúng ta đều có những lúc tự nghi ngờ và chỉ trích bản thân. Tuy nhiên, việc truyền tải những suy nghĩ tiêu cực về bản thân với người khác có thể gây hại cho bạn nhiều hơn lợi.
Khi bạn công khai chỉ trích bản thân, điều đó có thể củng cố hình ảnh bản thân tiêu cực và thậm chí thuyết phục người khác cũng nhìn nhận bạn theo cách tương tự. Điều này giống như đưa cho người khác một chiếc kính lúp để phóng to những khuyết điểm mà bạn đã chia sẻ.
Hãy rèn luyện tính tự chấp nhận và tình yêu dành cho bản thân. Nhớ rằng, không ai là hoàn hảo cả. Bạn có nhiều giá trị hơn những khiếm khuyết của mình. Vì vậy, đừng để chúng định nghĩa con người bạn hay cách người khác nhìn nhận bạn.