"Chị đang làm cả gia đình tôi xấu hổ đấy chị có biết không. Liệu liệu mà bó cái bụng vào, đừng có để nó lộ ra, cưới xin xong rồi muốn làm gì thì làm".
Yêu nhau mới được nửa năm, cũng chưa từng về nhà Phong ra mắt, vậy mà đám cưới vẫn được gấp rút tiến hành vì cái thai trong bụng Mai đã được hơn hai tháng. Mai cũng không ngờ chuyện này lại xảy ra, cả Phong và Mai đều đã rất cẩn thận, nhưng có lẽ số phận đã định như vậy. Nhiều lần Mai được nghe Phong kể về gia đình mình với tất cả sự hồ hởi và tâm đắc rằng gia đình Phong nổi tiếng là có truyền thống gia giáo, sống rất tình cảm nên dù chưa được về nhà Phong ra mắt, Mai cũng vẫn cảm thấy yên tâm và vững tin vào tình yêu này. Vậy nên mới xảy ra câu chuyện đáng nói ngày hôm nay.
Phong đưa Mai về để thưa chuyện cưới xin. Mẹ chồng tương lai của Mai vừa nhìn thấy Mai đã sỗ sàng:
- Chị đang làm cả gia đình tôi xấu hổ đấy chị có biết không. Liệu liệu mà bó cái bụng vào, đừng có để nó lộ ra, cưới xin xong rồi muốn làm gì thì làm.
Lúc bấy giờ, Mai mới hiểu chữ gia giáo mà Phong nói là như thế nào. Trong mấy ngày chuẩn bị cưới xin, Mai thường xuyên đến nhà Phong gọi là để vun đắp tình cảm, để con cái, bố mẹ hiểu nhau hơn. Cũng chính vì chuyện này nên bây giờ Mai mới phải đau đầu suy nghĩ về chuyện tương lai, kết hôn với Phong.
Mai có cảm giác như mẹ chồng đang coi mình là nô tỳ thời phong kiến khi xưa vậy, bà đang dạy bảo một người ở mới về nhà mình chứ không phải là dạy con dâu. (Ảnh minh họa)
Những người mà Phong hết lời ca ngợi lại mang trong mình tư tưởng nặng nề, phong kiến hà khắc, cổ hủ và áp đặt. Mẹ chồng tương lai của Mai bắt Mai học ngay từ cách chào hỏi gia đình nhà chồng bởi cách mà Mai đang chào, bà cho là vô phép tắc. Theo mẹ chồng Mai, chào hỏi có phép tắc là phải cúi gập người xuống, đợi đến khi người lớn đi qua mới được ngẩng lên. Không những thế, mẹ chồng tương lai của Mai còn tuyên bố:
- Phận làm dâu con nhà này là cấm cãi, cấm trì hoãn. Mọi việc trong nhà đều phải một mình làm hết, không được nhờ cậy ai. Nếu để phát hiện nhờ cậy ai hoặc công việc không hoàn thành thì sẽ phải chịu phạt.
Mai có cảm giác như mẹ chồng đang coi mình là nô tỳ thời phong kiến khi xưa vậy, bà đang dạy bảo một người ở mới về nhà mình chứ không phải là dạy con dâu.
Chưa dừng lại ở đó, Mai không được mặc váy. Bố chồng tương lai của Mai chẳng phải đã từng hất tung cả bộ ấm chén khi thấy Mai mặc váy đấy ư. Bố chồng Mai nói:
- Váy vóc chỉ dành cho thứ đàn bà đua đòi, ăn chơi hư hỏng mà thôi.
Nghe bố chồng tương lại nói vậy mà Mai vừa ấm ức vừa tủi thân. Ấm ức vì nhu cầu làm đẹp cho bản thân bị cấm đoán, tủi thân vì có khác nào bố chồng tương lai của Mai đang bóng gió răng Mai hư hỏng đâu. Trong khi công việc của Mai lại yêu cầu ăn mặc, ngoại hình, cứ thế, sau này Mai biết phải làm sao?
Mai chưa về làm dâu mà đã bị cấm đoán đủ thứ. Nào thì không được phép ra ngoài một mình, trừ những lúc đi làm. Tan làm phải về nhà ngay để cơm nước, dọn dẹp. Ban đầu, bố mẹ chồng Mai còn muốn Mai buổi trưa cũng phải rời cơ quan để về nấu nướng cho nhà chồng. Nhưng may có Phong nài nỉ, nói đỡ cho rằng công ty Mai cách nhà quá xa, thời gian nghỉ trưa lại ít nên bố mẹ chồng tương lai của Mai mới tạm thời chấp nhận với thái độ bằng mặt chứ không bằng lòng.
Giờ mỗi ngày đến nhà Phong, với Mai đều như cực hình vậy. Mẹ chồng tương lai của Mai còn bắt Mai mang cả sổ sách ra để ghi chép từng điều bà dặn, thậm chí là phải học thuộc vì bất chợt bà sẽ kiểm tra. Bố chồng tương lai của Mai thì dò xét Mai đủ điều.
Còn một tháng nữa là lễ ăn hỏi và lễ cưới sẽ diễn ra mà thực lòng Mai muốn bỏ cuộc quá. Mai sợ cuộc sống ở nhà chồng như vậy, Mai sẽ không chịu đựng được mất. Nhà chồng Mai có nếp sống y như thời trung cổ vậy mà Mai thì không muốn mình bị lạc trong đó, bởi lạc rồi sẽ không tìm được đường ra. Nhưng còn cái thai này... Mai phải làm gì lúc này đây?