Một mình đối mặt với cả họ nhà chồng, tôi không hề nao núng. Ai đến tôi cũng chào hỏi lễ phép rồi đon đả pha trà rót nước mời.
Lấy chồng, tôi không chỉ phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu mà còn phải chịu cảnh chị chồng em dâu nữa. Lúc mới về ra mắt, thấy bố mẹ chồng niềm nở tiếp đón, chị chồng thì ngang ngửa tuổi tôi, hai chị em chỉ chênh nhau có một tuổi nên tôi nghĩ cuộc sống làm dâu của mình không quá khó khăn. Chị chồng em dâu chắc sẽ tíu tít cả ngày vì chị vẫn chưa đi lấy chồng và vẫn sống chung với bố mẹ mà.
Nhưng không, lấy chồng rồi, về sống chung với nhà chồng tôi mới biết mình đã sai. Chị chồng tôi đúng với câu nói “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” luôn, chị đối xử với em dâu như thể kẻ thù tiền kiếp vậy.
Chị soi mói tôi còn kinh hơn cả mẹ chồng, lúc nào cũng sai em dâu làm cái này cái kia, bắt bẻ đủ đường. Còn mẹ chồng tuy miệng nói coi con dâu như con gái, nhưng chung quy máu mủ ruột rà vẫn hơn, nói chỉ để đấy thôi chứ hành động hoàn toàn khác xa. Lúc nào mẹ cũng bênh chị chồng mặc kệ đúng sai.
Tôi bực lắm chứ, nhưng chồng đi làm xa, không muốn anh phải lo lắng, nhà cửa lúc nào cũng ầm ĩ nên đành nhịn. Tôi tự nhủ cố gắng chịu đựng, sớm muộn gì “giặc bên Ngô” kia chẳng phải đi lấy chồng. Đến lúc đó không còn con gái ngày ngày bên cạnh, rồi mẹ chồng sẽ thay đổi thái độ với tôi thôi.
Chị đối xử với em dâu như thể kẻ thù tiền kiếp vậy. (Ảnh minh họa)
Nhưng, tôi càng nhún nhường thì chị chồng càng được thể lấn tới. Con giun xéo mãi cũng quằn, cuối cùng tôi đã không thể nhịn được tới ngày chị chồng gả đi mà vùng lên, cho chị ta một bài học nhớ đời.
Chuyện là tôi có một cái xe máy điện, vì ít đi nên luôn để ở góc nhà chứ nó cũng chẳng hỏng hóc gì. Hôm qua, chị chồng bỗng gọi người vào mua chiếc xe máy điện đó mà không hề nói với tôi tiếng nào, trong khi giấy tờ xe tôi cầm.
Bức xúc, tôi hỏi chị tại sao bán xe của mình thì chị ta vênh váo trả lời:
- Tôi bán xe của em trai tôi, có phải của cô đâu.
Bực lắm nhưng tôi vẫn cố gắng nín nhịn, ôn tồn giải thích rằng chiếc xe này tôi mua từ trước cưới, giấy tờ xe đứng tên mình chứ không phải của chồng, chị không có quyền bán. Thế nhưng, chị chồng vẫn giãy nảy lên, mắng tôi không tiếc lời rồi lao vào đánh tôi.
Như giọt nước tràn ly, tôi lao vào đánh trả chị chồng. Đánh không lại tôi, chị chồng lại gào lên khóc lóc ăn vạ, bảo em dâu hỗn láo. Chuyện như vậy mà mẹ chồng vẫn bênh con gái chằm chặp, rồi hai mẹ con họ gọi điện cho anh em họ hàng tới nhà để bàn việc trả con dâu về nơi sản xuất.
Đánh không lại em dâu, chị chồng gọi cả họ tới họp gia đình. (Ảnh minh họa)
Cả hai bên nội ngoại nhà chồng đến đông lắm, chật kín cả nhà. Một mình đối mặt với cả họ nhà chồng, tôi không hề nao núng. Ai đến tôi cũng chào hỏi lễ phép rồi đon đả pha trà rót nước mời. Sau đó, tôi bình tĩnh bật tivi lên cho cả họ cùng xem chuyện gì đã xảy ra.
Có lẽ vì cả giận mất khôn nên lúc gọi điện cho họ hàng tới nhà, mẹ chồng và chị chồng đã quên mất phòng khách nhà tôi có lắp camera. Âm thanh, hình ảnh rõ nét, ai đúng ai sai hiện rõ ràng. Đến lúc này, mẹ chồng và chị chồng không dám nói thêm câu nào nữa. Cả họ nhà chồng ai cũng lắc đầu, chắc có lẽ họ cũng xấu hổ lắm vì có cháu gái “vừa ăn cắp vừa la làng” như chị chồng tôi.
Trầm ngâm một lát, chú chồng (tức em trai của bố chồng tôi) lên tiếng:
- Em biết anh chị thương con gái nhưng thương phải thương cho đúng chứ? Không phải cái gì con gái mình cũng đúng như thế được. Chuyện này con anh chị sai rành rành như thế, không xin lỗi em dâu thì thôi còn đánh nó. Không đánh lại thì thêu dệt chuyện, đổ hết lỗi cho em dâu. Vậy mà anh chị còn bênh con gái được thì em cũng chịu. Anh chị làm như này bọn em xấu hổ lắm.
Chú nói xong thì cả họ đi về. Chú chồng và cả họ nói đến thế rồi mà mẹ chồng vẫn bênh con gái các chị ạ. Chồng tôi đi làm xa, cuối tuần mới về nhà. Hôm qua tôi gọi điện bảo anh về nhà ngay nhưng anh không chịu về, còn bảo cuối tuần này tăng ca vì cuối năm nhiều việc. Rõ ràng anh đang trốn tránh, không muốn dây vào chuyện này. Tôi bực quá, theo các chị em tôi nên làm gì bây giờ?