Anh đi làm về, quăng cặp lên chiếc ghế sofa, giọng bực bội: “Không chấp nhận được người đàn ông đánh vợ! Hỏng”.
Chị đang nấu ăn trong bếp, nghe thấy chỉ ậm ừ. Bảy năm vợ chồng, chị đã quá quen với những câu nói đầy phán xét ấy của anh.
Anh hành nghề luật, thường “cãi” trong nhiều vụ ly hôn mà thân chủ là những phụ nữ đáng thương, bị chồng đánh đập, nhẹ thì tím mặt sưng mắt, nặng phải nhập viện. Anh khoe với chị, các vụ như vậy thường anh “cãi” thắng. Tòa phải chấp thuận yêu cầu xin ly hôn của vợ chứ sống sao được với người chồng thích giở thói vũ phu, nhất là thói tật ấy còn ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của con cái trong nhà. Hôm nay cũng vậy, anh kể một phụ nữ đã tìm đến văn phòng anh với cánh tay bó bột, nhờ lấy lại công bằng, hỏi thủ tục ly hôn để giải thoát khỏi người chồng quen nói chuyện bằng nắm đấm.
Có lần trong bữa cơm, anh quy kết phận đàn bà, trăm ngàn sướng khổ, tự hào hay tủi hổ gì cũng đều do người chồng mà ra. Anh đơn cử, một quý bà thành đạt, đẹp đến đâu mà vớ phải ông chồng hứng lên là đánh đập thì tươi tắn mấy cũng phải héo tàn. Chị nghe mà mắt cứ xa xăm buồn. Trong giọng nói của anh, chị nhận ra niềm tự hào của người đàn ông hết mực yêu chiều vợ.
Không riêng anh, bản thân chị cũng thương lắm phận đàn bà bị chồng đánh đập. Nhất là sau lần chị đến một nhà tạm lánh dành cho các nạn nhân bị bạo hành. Ở đó, chị đứt ruột nghe chuyện của các chị, các mẹ chung phận chồng vũ phu, đến đây chảy nước mắt nắm tay nhau vỗ về. Mà có xa xôi gì, sếp nữ của chị bao phen đi làm với cánh tay bầm tím, đôi mắt sưng húp giấu sau cặp kính râm. Cô bạn của chị, mỗi lần say là chồng kiếm cớ bắt quỳ gối hàng giờ… Bởi ám ảnh điều đó mà chị chọn anh, người đàn ông học thức, nhẹ nhàng trong cư xử. Anh chẳng phụ lòng chị. Từ ngày nên duyên chồng vợ, chưa một lần anh ném cái ly hay cuốn tập trước mặt vợ, nói gì đến vung nắm đấm.
Không riêng anh, bản thân chị cũng thương lắm phận đàn bà bị chồng đánh đập.
(ảnh minh họa)
Vậy mà, ngày tháng nối tiếp đi qua, sao lòng chị cứ khắc khoải một nỗi buồn, khó có thể sẻ chia. Nhiều khi chị nghĩ quẫn, so sánh thà vợ chồng cứ gây nhau cho đã, rồi anh… tát vợ một cái không biết có nhẹ lòng hơn chăng. Chỉ mới hôm qua, vợ chồng chị quyết định thay mới cái bàn học cho con. Đến cửa hàng nội thất, anh nói chọn cái bàn cao một chút để “trừ hao” thêm cho con vài năm tuổi. Chị không chịu, nói bàn học phải vừa tầm, để con ngồi không bị mỏi. Chị kêu người ta tính tiền cái bàn theo ý mình thích. Giữa đám đông nhiều khách ra vô, gương mặt anh bỗng dưng đăm lại, câu nói ở đâu chực sẵn trên môi, nhảy bổ: “Cô ăn bao nhiêu dành nuôi cái ngu hết!”. Chị sững người, thấy cổ họng đắng nghét, phải quay đi.
Cách đây mấy tháng, nhân dịp sếp lên chức mở tiệc ăn mừng, tửu lượng kém, chị say ngất sau một ly nhấp môi vui vẻ với mọi người. Tối đó về muộn, lại chẳng may vướng cơn mưa nên chị đổ bệnh mấy ngày sau đó. Anh chăm sóc nhưng nặng lời chì chiết: “Thứ đàn bà ăn nhậu, đổ bệnh về báo chồng báo con”, “Vài ngày nữa không khỏe thì đi khám, xem thử bệnh do “lây” từ ai hay tự phát sinh”. Đợi anh đi, chị úp mặt vào gối tức tưởi khóc. Mà đâu đã yên thân, hễ có dịp chị nói sẽ tham dự tiệc tùng, thể nào anh cũng lôi chuyện cũ ra, cao giọng nhắc nhở: “Ăn nhậu ở đâu, có bệnh thì đổ ở đó khi nào hết hãy về”…
Cũng không dưng, chị nhắc lại cái cảm giác đau lòng, nghẹt thở vì thương tổn của ngày hôm qua mà bao năm chị chịu đựng. (ảnh minh họa)
Chị thường chọn cách im lặng, cam chịu vì cái tính không quen bộc lộ cảm nghĩ lẫn cảm xúc của mình. Chị tự nhủ, thôi thì cố đi nhẹ nói khẽ, chiều lòng chồng để gìn giữ hòa bình, tránh xung đột. Cứ thế, những câu nói vô tình đầy mỉa mai, lên án, phán xét đã thành thói quen của anh như chiếc dao cắm sẵn trong lòng chị, ngọ nguậy khiến tim nhói buốt, tổn thương.
Sau bữa cơm, con trai ngồi vào bàn học. Còn lại hai vợ chồng, chị mang câu chuyện của anh về người phụ nữ tay bó bột ra bàn, rồi ý tứ hỏi, hồi nào giờ tòa có xử ly hôn những vụ mà người vợ không đau đớn thể xác nhưng lại rất khổ tâm? Chị cho biết xem trên các diễn đàn, thấy nhiều bà vợ bị chồng xúc phạm, hay chì chiết, đay nghiến mà không màng đến cảm nhận người nghe… dẫn đến tình vợ chồng hư hao, không muốn sống chung nữa. Anh à lên một tiếng, bảo cái đó gọi là bạo hành tinh thần. Các phiên xử kiểu này rất hiếm bởi “chuyện nhỏ vậy đâu ai ly hôn”. Không dưng chị chảy nước mắt, nói: “Thật ra, điều quan trọng là sự tôn trọng, cố gắng đừng xúc phạm, đừng làm tổn thương để chung sống hạnh phúc chứ bỏ nhau có khó khăn gì đâu anh”.
Cũng không dưng, chị nhắc lại cái cảm giác đau lòng, nghẹt thở vì thương tổn của ngày hôm qua mà bao năm chị chịu đựng. Với chị, mỗi lần trải qua cảm giác ấy, thấy như “chết trong lòng một ít” - cái “chết” giống vòng quay chiếc bánh xe đang từng ngày từng khắc lăn đến bờ vực thẳm. Chị dịu dàng thổ lộ, chồng đừng vắt kiệt tình yêu, sự kính trọng bấy lâu dành cho anh bằng lời nói xát muối, bởi sức công phá của nó, có khi còn nặng nề, bức bối gấp trăm ngàn lần thói vũ phu.