Có lẽ cái chuyện lười yêu ít ai có thể biết được khi người ta mới ở độ tuổi đôi mươi. Khi đôi mươi, cô ấy có rất nhiều lí do để từ chối chuyện yêu đương với một chàng trai nào đó.
Người ta có thể mắc nhiều bệnh lười như: lười học, lười ăn, lười làm, lười làm đẹp, lười giao lưu, lười học hỏi… Con người ta mà hễ lười là bị tụt hậu, là bị bỏ lại phía sau, là bị gọi là thành phần chậm tiến, thiếu phấn đấu, biếng nhác, trì trệ… Nói chung là đã lười là dễ bị đào thải ra khỏi cái vòng xoáy, quy luật phát triển của cuộc sống đời thường. Ấy vậy mà cô bạn tôi lại mắc một thứ lười vô cùng nguy hiểm. Bởi vì nó có ảnh hưởng vô cùng lớn tới những người thân thiết xung quanh và đặc biệt là chính bản thân cô ấy. Đó là cô ấy lười… yêu! Hình như chuyện yêu đương với cô ấy không phải là một thứ gì nhẹ nhàng và dễ dàng thì phải. Nó là cả một quá trình hết sức phức tạp và may rủi. Thậm chí, rủi nhiều hơn may rất nhiều. Cho nên, lâu dần cô ấy đã bình thản, vui vẻ mà sống cuộc sống độc thân nhưng bình yên ấy!
Có lẽ cái chuyện lười yêu ít ai có thể biết được khi người ta mới ở độ tuổi đôi mươi. Khi đôi mươi, cô ấy có rất nhiều lí do để từ chối chuyện yêu đương với một chàng trai nào đó. Tôi biết có nhiều người theo đuổi cô ấy vì cô ấy cũng cáo ráo và rất xinh xắn. Ấy vậy mà, khi nào cô ấy cũng bảo: Đang học không yêu đương gì hết.
Ngày còn là sinh viên, cô ấy chăm chỉ đi học tới mức ốm xanh mặt mà vẫn cố gắng vác xác lên giảng đường. Những hôm mưa rét tôi lười biếng kêu muốn nghỉ ở nhà thì cô ấy lôi tôi dậy và bảo:
Thầy cô còn phải đi sớm hơn cả sinh viên thì không có lí do gì sinh viên lại nằm ngủ ở nhà!
Ôi, lí do thế thì làm sao mà còn gan lì, mặt trơ trán bóng mà nằm dài ra ngủ. Khi nghĩ tới cảnh Giáo sư của mình già yếu trùm áo, trùm khăn tới lớp dạy mình. Cho nên một người có lương tâm như tôi cũng không dám tiếp tục lười biếng. Trong chuyện học hành, bất cứ thứ gì cô ấy cũng không ngại ngần, cũng chịu khó như thế đấy. Để nói về cái sự chăm chỉ của cô ấy, tôi còn nhớ sau này khi chúng tôi đi làm, cuối năm 2008 khi Hà Nội bị ngập trận lớn nhất ấy. Cả cơ quan của cô ấy nghỉ, chỉ duy nhất cô ấy mò mẫm, đi xe lội nước tới cơ quan. Không có ai nên lại lội nước về. Kết quả là chết máy giữa đường và khi về nhà thì ướt như con trâu đầm. Cô ấy là một con người chăm chỉ và cần mẫn trong cuộc sống và công việc tới mức như vậy đấy!
Cô ấy là một con người chăm chỉ và cần mẫn trong cuộc sống và công việc tới mức như vậy đấy! (ảnh minh họa)
Nhiều khi tôi trêu đùa cô ấy :
Giá như cậu chăm chỉ yêu đương như chăm chỉ học hành, như chăm chỉ phấn đấu, làm việc… thì đời sẽ thú vị hơn nhiều đấy!
Cô ấy cười:
Con người có từng giai đoạn một. Tốt nhất là không nên ôm đồm. Rồi sẽ không có cái gì ra hồn cả. Nên tập trung vào một thứ thôi. Mà tớ cũng không có đủ thông minh để làm nhiều thứ cùng một lúc.
Tôi cãi:
Yêu thì cần gì tới trí thông minh chứ?
Cô ấy nhìn tôi lườm:
Thì chính thế nên cậu mới suốt ngày thất tình!
Đấy, khi nào cũng như một bà cụ non ngay cả khi mới có hai mươi tuổi. Khi nào cũng như một nhà triết lí củ chuối mà tôi há miệng mắc quai không cãi lí nổi. Tôi chỉ còn biết cười: Giá như cô ấy bớt thông minh đi chút nữa thì tốt biết bao! Vì thật sự yêu ở cái tuổi ấy có cần cân đo đong đếm kỹ tới chuyện thiệt hơn hay không? Người ta nói trẻ xông pha, già mới không hối tiếc. Nhưng ngay khi trẻ mà cô ấy cũng chả dám xông pha rồi, mà hình như khi “sắp già” cô ấy cũng chả hối tiếc cái chuyện lười yêu của mình thì phải? Hay là người ngoài cười nụ người trong khóc thầm thì tôi cũng không đủ tinh tế mà nhận ra nổi nữa!!
***
Nhưng rồi quay đi quay lại, cái hai mươi tuổi nó chạy nhanh lắm. Nhanh tới mức mình cứ tưởng mình vẫn còn hai mươi nhưng thực ra người ta đã tính cho mình tới xấp xỉ ba mươi rồi cơ. Ba mười tuổi, thấy cô ấy vẫn lẻ bóng một mình, người ta mới bảo cô ấy mắc bệnh lười yêu. Lười tới mức ế mất rồi! Vì quay đi quay lại, đám bạn trai theo đuổi cô ấy cũng không đuổi tới cùng mà tìm một đối tượng khác chăm yêu hơ, dễ yêu hơn cô ấy. Tôi thì sốt ruột, còn cô ấy thì cứ bình thản như thế thôi. Hình như con người ta ở lâu trong cái lười nên không còn biết là mình đang lười nữa thì phải? Nhiều khi tôi còn cố gắng tưởng tượng xem bạn mình khi yêu thì sẽ như thế nào nữa? Không biết có khi nào cô ấy có thể cuồng nhiệt vì yêu không?
Lâu dần, tôi không còn nghĩ là cô ấy lười nữa, mà là cô ấy đã chuyển từ bệnh lười sang một trạng thái khác là nghi ngờ và sợ hãi đàn ông! Một căn bệnh cao cấp hơn bệnh lười nữa kia! Cô ấy kể với tôi rằng: Nhiều hôm nghỉ trưa một mình không ngủ, đứng ngắm cái công viên ở phía sau cơ quan. Nhìn đâu cũng thấy giai. Nhưng thà không thấy còn hơn. Một thằng cưỡi con SH màu trắng rõ cao to đẹp trai, sáng láng không cần bàn, dừng lại bên trong công viên, rút kim tiêm ra, trích xong, hết cơn phê rồi nhảy lên xe đi tiếp!... Và còn rất nhiều, rất nhiều những hình ảnh từ cái công viên phía sau cơ quan cô ấy vào những buổi trưa nhàn rỗi khiến cô ấy tự hỏi mình rằng: rút cuộc, thì cái mặt của đàn ông như thế nào thì mới đảm bảo rằng anh ta là một thằng đàn ông đàng hoàng, tử tế?...
Hình như, đàn ông tử tế trong mắt cô ấy tuyệt chủng hết cả rồi! Và thực tế thì thật trần trụi, đáng sợ! Đến nỗi chồng tôi còn bảo: Em đừng có than vãn hay kể xấu anh với cô ấy không thì cô ấy lại sợ lấy chồng tới già mất đấy! Thế là tôi cũng rút kinh nghiệm với những tâm sự của mình luôn: Là chỉ ca ngợi, không phê phán. Thế nhưng cô ấy lại bảo rằng: Ở trước mặt tớ còn cả đống lia liếp to đùng ra ấy. Việc gì mà phải giấu. Thế là cô ấy lại tuôn ra một tràng dài nào là:
Như thế là lười chuyển thành sợ mất rồi! vô phương cứu chữa! Tôi cũng không phải là nhà tâm lí tài ba nên chẳng biết khuyên bạn mình sao nữa. (ảnh minh họa)
Con bạn mà ngày xưa chúng mình tới nhà nó chơi một lần ấy, nhớ không? Giờ một nách ba đứa con rồi. Nheo nhóc suốt ngày. Chồng làm ở trên Hà Nội giờ lại chỉ thích gái xinh gái đẹp thôi, về nhà chỉ chê vợ xấu, vợ già. Ngày trước còn hay về, giờ thì đi biệt tăm. Tiền kiếm được chỉ có sắm đồ đạc, quần áo đẹp … Còn có đi gái không thì chưa bắt tận tay day tận mặt nên không dám nói trước. Nhưng chỉ có thế cũng đủ ngán tới cổ rồi. Thế mà ngày xưa yêu thì thề sống thề chết! Cậu cũng biết còn gì? Thậm chí còn quỳ xuống nữa chứ? Danh dự và lòng tự trọng của đàn ông rút cuộc cũng chỉ có cao tới cái thắt lưng của đàn bà mà thôi! Nghe cô ấy nói mà đau hết cả tim. Nhưng thế còn chưa hết đâu.
Rồi còn con bé cùng làng, cùng tuổi, cùng lớp, lấy chồng theo vào Nam làm việc. Nó thì lăn lưng ra làm còn chồng thì chỉ biết lấy tiền của vợ ăn với chơi bời. Ấy vậy mà mẹ chồng ở nhà thì suốt ngày đi kể xấu con dâu. Làm như thể lấy được con trai bà là cái phúc của cả đời nó vậy. Đến lúc nó không chịu được nữa đòi bỏ chồng thì ngã chồng dọa: bỏ nó là nó tự tử. Mà đúng là treo cổ một lần rồi nhưng không chết! Lần này nó bảo tớ nó bỏ thật, treo cổ thì chết luôn đi cho đỡ mệt… Đấy, toàn bọn cùng tuổi tớ đấy. Muốn nghe nữa không?
Tôi chỉ còn biết thở dài:
Thôi thôi, không nghe nữa. Nhưng đấy chỉ là một số ít thôi. Có phải ai cũng thế đâu?
Cô ấy còn thở dài hơn:
Thế nhỡ đâu lấy phải cái số ít ấy thì sao?
Như thế là lười chuyển thành sợ mất rồi! vô phương cứu chữa! Tôi cũng không phải là nhà tâm lí tài ba nên chẳng biết khuyên bạn mình sao nữa.
Chính vì thế cô ấy chọn cuộc sống tự do tự tại. Thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, thích ăn gì thì ăn, thích ngủ tới khi nào thì ngủ… Nhiều khi có buồn một chút nhưng như thế còn hơn. Thậm chí bây giờ nghĩ tới chuyện yêu đương, hẹn hò, nói những lời đường mật… Cô ấy còn nghĩ rằng nó thật “củ chuối”. Ví như trời lạnh như thế này mà phải đày nhau đi hẹn hò thì thà nằm trong chăn ấm mà ngủ còn sướng hơn. Tôi buồn bã bảo: Cậu cái gì cũng chăm, tại sao lại không chăm nốt cái này nữa cho trọn vẹn thì có phải tốt biết mấy? Lười gì không lười, tại sao lại lười yêu hả trời?? Cứ nằm đó mà trùm chăn, rồi tình yêu sẽ lù lù vác xác tới chắc? Mà làm gì còn có tình yêu nào tự nguyện vác xác tới cho một cô gái ba mươi cơ chứ? Có lẽ, chắc chỉ có duyên trời!