Con gái 2 tuổi, mẹ đã giấu vàng làm hồi môn

Ngày 02/01/2013 00:02 AM (GMT+7)

Thấy hai đứa con trai có phần thừa kế của ông bà nội, riêng con gái út không có gì, chị Nguyệt quyết định không để cô bé phải thiệt thòi.

Hai tuổi đã có của hồi môn

Nhân ngồi “tám” chuyện giá vàng lên xuống với đồng nghiệp, chị Nguyệt, 36 tuổi, tiết lộ, mỗi tháng chị đều bớt xén từ  ngân sách gia đình để mua một chỉ vàng. Hễ có khoản nào “từ trên trời rơi xuống” như tiền thưởng, tiền “moi” được của chồng, tiền mừng tuổi của ba đứa con…, Nguyệt cũng biến nó thành vàng, thỉnh thoảng đem ra ngân hàng gửi. Ý tưởng này mới  thực hiện được  1 năm, chị đã có hơn 2 cây vàng.

“Vàng đấy mình để sau này làm hồi môn cho con gái. Mình tính đến lúc nó lấy chồng, tạm tính là khoảng 25 tuổi, mình có thể cho nó tối thiểu 50 cây vàng”, Nguyệt nói.

Tiết lộ của Nguyệt làm chị em trong công ty sửng sốt, vì bé Bông, con gái út của chị, mới 2 tuổi. Họ chưa bao giờ nghĩ là cần chắt bóp chuẩn bị của hồi môn cho con gái sớm đến như vậy, trong khi nhà Nguyệt kinh tế rất khá. Nguyệt chia sẻ: “Thực ra mình xem bói rồi, số con Bông sau này rất sướng, lấy chồng giàu. Nhưng mà mình vẫn muốn có gì đó cho nó. Bông là con gái nên mình thương và lo cho nó hơn. Giờ nhà mình khá nhưng ai biết sau này có tiền cho con không, nên tốt nhất là cứ chuẩn bị trước theo kiểu nuôi lợn đất. Mà mua vàng thì không sợ mất giá”.

Ý định tích cóp vàng làm hồi môn cho con gái xuất phát từ lần bố chồng Nguyệt họp gia đình. Ông già tuyên bố đang lập di chúc, trong đó không chia tài sản cho các con, mà chia đều cho các cháu trai. Bốn đứa cháu trai của ông (dĩ nhiên chỉ tính cháu nội) sẽ được mỗi đứa một ngôi nhà hoặc mảnh đất, trị giá lúc đó là 5 tỷ đồng. Dĩ nhiên, hai cậu con trai của chị Nguyệt cũng được phần như vậy.

“Không hiểu sao khi nghe bố chồng tuyên bố, mình thay vì mừng cho con trai thì lại thấy chạnh lòng cho con gái, cũng là cháu ông bà mà chẳng được tí gì, coi như loại hẳn ra ngoài. Mình nghĩ, vì ham con gái mà mình cố đẻ đứa thứ ba, không thể để con sau này tủi thân được”, Nguyệt tâm sự.

Hương cho biết, sau này tài sản của vợ chồng chị sẽ chia ba, con gái cũng được phần như hai anh nó. Chỗ vàng kia là để bù cho món thừa kế từ ông bà mà cô bé không được hưởng, nhưng chị không hề nói cho chồng hay bất cứ ai trong nhà chồng biết. .

Không để con phải dựa vào chồng

Chị Thu Lan, 31 tuổi, có hai con, một trai 3 tuổi, một gái 7 tuổi. Chị cho biết, từ khi có đủ hai con, chị nghĩ nhiều hơn về tương lai của chúng vài chục năm nữa và cảm thấy lo cho con gái quá.

Con gái 2 tuổi, mẹ đã giấu vàng làm hồi môn - 1
Chị cho biết, từ khi có đủ hai con, chị nghĩ nhiều hơn về tương lai của chúng vài chục năm nữa và cảm thấy lo cho con gái quá. (ảnh minh họa)

“Con trai mình sau này lấy vợ, sẽ ở ngôi nhà hiện nay. Nếu nó không có khả năng làm ra tiền đổi nhà to hơn thì ở vậy cũng tốt rồi. Còn con gái, bọn mình chắc chắn không có khả năng mua thêm một nhà khác cho nó, dù rất nhỏ. Thời chúng nó, nam nữ bình đẳng, chắc không còn cái tư tưởng chỉ con trai mới phải lo mua nhà để kết hôn nữa, mà phải hai bên cùng đóng góp. Nếu con gái mình tay trắng thì thật tội cho nó. Nếu nó theo xu thế độc thân hay muộn chồng thì chẳng lẽ không có nhà mà ở hay sao?”, Thu Lan chia sẻ.

Nhiều khi chị cũng nghĩ, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, thanh niên thế hệ sau dù là phụ nữ cũng có tính tự lập cao, sẽ tự kiếm tiền lo cuộc sống cho mình. Tuy nhiên, nếu được bố mẹ hỗ trợ thì con đường của bọn trẻ sẽ bớt gập ghềnh hơn nhiều. Con gái dù sao cũng yếu đuối hơn con trai, vậy có lý gì con trai được bố mẹ “lót ổ” cho mà con gái lại phải tự bươn chải? Càng nghĩ, Thu Lan càng xót con. Chị quyết định từ nay sẽ tiết kiệm chi tiêu để dành ra một khoản sau này cho riêng con gái, không để nó phải phụ thuộc vào chồng.

“Nhà mình chẳng khấm khá gì, thôi cứ xác định chẳng có nhiều thì được chừng nào hay chừng đấy, là tấm lòng của mẹ”, Thu Lan nói.

Để có tiền “bỏ lợn” cho con gái sau này, chị thường khai khống lên một chút về các khoản chi tiêu khi công khai tài chính với chồng. Trong nhà, Lan là tay hòm chìa khóa, chồng làm được bao nhiêu đều đưa hết cho vợ, và cũng không mấy khi căn vặn, hỏi han. Cứ 3 – 4 tháng, chị chủ động tổng kết sơ bộ về tình hình tài chính một lần. Chị nói sao anh nghe vậy, vả lại Lan cũng không “ăn bớt” nhiều nên tình hình bổ sung “quỹ đen” nói chung là thuận lợi.

“Em sẽ cố dành được 5 chỉ vàng”

Không chỉ các bà mẹ ở thành phố mới tính chuyện dành tiền cho riêng con gái từ khi bé còn nhỏ. Thấu hiểu hơn ai hết những thiệt thòi, khó nhọc của phận đàn bà, những người mẹ nông thôn rất thương xót và lo cho tương lai của con gái. Nhưng tiền là thứ bao giờ họ cũng thiếu, nên khi nghĩ đến chuyện cất giấu để sau này “dúi” riêng cho con, mục tiêu mà họ đặt ra cũng vô cùng khiêm tốn, nhỏ nhoi.

“Em chỉ ước ao khi con gái lấy chồng, em có 5 chỉ vàng bí mật cho thêm nó, không thì 3 chỉ cũng được”, Mai Hồng, 25 tuổi, sống ở Thái Bình, tâm sự.  Con gái cô năm nay 6 tuổi, mới đi học lớp một mà đã giúp mẹ nấu cơm, trông em. Nhìn con nước da đen nhẻm, gương mặt không thừa hưởng được những nét dễ coi của mẹ mà mang vẻ thô thô, nặng nề của bố, Hồng thường xuyên thở dài. Đã nghèo lại còn kém nhan sắc, không biết đời nó có sướng nổi không.

Hồng nhớ có lần cô nói đùa với chồng về chuyện con gái xấu xí, sau này bố phải các thêm tiền mới có rể, anh nhăn mặt: “Vớ vẩn, thóc đâu mà đãi gà rừng. Nhà mình còn hai thằng con trai, lo cho chúng nó đã đủ chết rồi. Mai sau cưới con bé này, mình phải mất không  cả đống tiền là đã đủ vỡ mặt, nói gì chuyện cho thêm. Không có đâu!”.  Hồng rất buồn. Cô vẫn nghĩ dù nghèo thì khi con gái đi lấy chồng cũng phải có chút vàng hồi môn đeo cho nó trước sự chứng kiến của hai họ, của láng giềng cho con đỡ tủi, cha mẹ cũng mát mặt. Nhưng ông chồng nghèo khó cực khổ của chị chỉ đủ sức nghĩ đến hai đứa con trai.

Hồng nghĩ đến ngày cô đi lấy chồng, mẹ gọi cô vào buồng, dúi cho chiếc nhẫn một chỉ, bảo cái này mẹ dành dụm cho riêng con, đừng nói với bố và các em. Hồng không biết bằng cách nào mà mẹ để dành nổi chừng ấy, nhưng cô tự nhủ mình sẽ bắt chước. Cô tìm cách bớt xén khoản nọ khoản kia giấu đi. Nhưng ở nông thôn chả mấy khi tiêu tiền, nên thỉnh thoảng cô mới bớt được lúc 1.000 đồng, khi 2.000 đồng, “xôm” lắm thì 5.000 đồng.

Sợ chồng phát hiện, Hồng phải lao tâm khổ tứ tìm chỗ giấu. Cô không dám “cho hết trứng vào một rọ”, mà nhét chỗ nọ vài tờ, chỗ kia vài tờ, từ kẽ tường, chân giường, chạn bếp  đến vỏ gối… Cô thậm chí còn cho tiền vào ống bơ, bọc túi nylon bên ngoài rồi chôn trong vườn, thỉnh thoảng lại moi lên xem có bị ẩm mốc không. Lâu lâu, Hồng lại đổi chỗ giấu tiền một lần khi nghĩ là có nguy cơ bị phát hiện. Lo nơm nớp, cô phải nghĩ ra những lời nói dối nếu chẳng may sự việc vỡ lở.

“Hiện giờ em mới để dành được 278.000 đồng thôi”, Mai Hồng buồn rầu cho biết. Cô sợ rằng với “tiến độ” này, mục tiêu 5 chỉ vàng cho con gái sẽ khó thành hiện thực.

Theo Khả Khanh (Xzone/TTTĐ)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình