Chị nuốt nước mắt và cố lý giải rằng vì anh là người quá yêu con, nhìn thấy con bị như vậy nên anh xót.
Nhưng cả khi nhìn thấy chị gục xuống bên giường con khóc nức nở vì thương con và tự trách mình, anh vẫn lạnh lùng, chị thấy nỗi đau nhân lên hàng nghìn lần.
Ngồi đối diện với nhà tư vấn tâm lý đã hơn 15 phút nhưng chị vẫn chưa bắt đầu câu chuyện của mình được. Cứ cất lời chị lại khóc. Đôi mắt trũng sâu, thâm quầng vì thiếu ngủ lại hằn lên trong đó sự quằn quại, đau đớn. Nhà tư vấn vẫn kiên nhẫn chờ đợi và động viên chị cố gắng bình tĩnh trở lại.
Và câu chuyện cũng được chắp nối từ những đoạn kể nghẹn ngào đứt quãng:
Chị sinh ra ở Thái Bình, lấy chồng ở Hà Nội. Từ Thái Bình về Hà Nội không xa nhưng cũng khá lâu rồi chị không về quê thăm bố mẹ vì bận công việc. Có một lý do mà chị rất ngại nói ra đó là mỗi lần chị về bố mẹ chồng đều không vui. Một buổi tối, chị nhận được điện thoại của mẹ chị dưới quê gọi lên:
- Sức khỏe của bố con dạo này yếu lắm. Con tranh thủ về thăm bố, cho cả thằng cu Tũn về nữa. Bố con cứ nhắc nó suốt. Mẹ cũng nhớ cháu muốn lên chơi nhưng ngặt nỗi bố như vậy nên không nỡ để bố ở nhà một mình.
Là con gái khi nghe những lời đó chị ứa nước mắt phần vì thương bố mẹ phần vì thấy mình có lỗi. Vậy nên đến ngày cuối tuần, chị sắp xếp công việc về quê. Chồng chị cũng sốt sắng, lo lắng cho bố chị những vướng họp hành không về được. Giữ ý tứ chị đã trình bày lý do và xin phép bố mẹ chồng cho cu Tũn con chị về cùng chơi với ông bà ngoại.
"Ở một ngày rồi cho nó lên. Dưới quê mùa này muỗi nhiều lắm đấy. Đừng để như lần trước về quê có hai ngày lên mà chân tay đầy nốt muỗi cắn"- bà nội ngọt nhạt. Chị hiểu hàm ý chứa trong câu nói đó, cũng thấy chạnh lòng nhưng rồi lại gạt đi: Bà thương cháu nên mới vậy.
Về đến nhà nhìn thấy bố gầy quắt, xanh xao lòng chị như muối xát. Sẵn có thức ăn mang từ thành phố về chị vào bếp nấu nướng tẩm bổ cho bố. Biết tính thằng cu Tũn hiếu động, chạy nhảy luôn chân nên chị không quên để mắt đến nó rồi còn dặn mẹ chị canh chừng cháu những khi chị đang mải việc trong bếp. Chị cũng định sẽ lên thành phố nhưng thằng cu Tun cứ năn nỉ mẹ cho ở lại để chơi với các anh chị ở quê. Với lại chị cũng muốn có thêm chút thời gian để chăm sóc bố. Chị gọi điện về "bẩm báo" với bố mẹ chồng. Qua điện thoại chị biết mẹ chồng chị dù không cấm cản nhưng không hài lòng.
Con chị vẫn đang nằm viện, chị nát lòng vì thương xót và lo lắng cho con. Thế mà mẹ chồng chị vẫn còn chì chiết. (ảnh minh họa)
Sáng sớm, nhà chị có khách. Là một người đồng đội cũ của bố chị nghe tin bạn ốm nên đến thăm. Mẹ chị đon đả đi pha trà mời khách, thuận tay đặt chiếc phích nước trên cái ghế gần lối đi. Thắng cu Tủn chạy từ ngoài sân vào đâm sầm vào chiếc ghế. Phích nước sôi vừa đun xong đổ ụp xuống. Nghe tiếng con khóc váng lên, chị cuống cuồng chạy vào thì thấy tay chân đỏ tẩy, giãy giụa vì đau. Chị hoảng hốt bế con lên trạm y tế xã. Sau khi sơ cứu, nhân viên y tế cho rằng vết bỏng quá nặng khuyên chị phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Trong hoảng loạn chị đành phải gọi điện báo cho chồng. Chồng chị gầm lên trong điện thoại.
Con chị vẫn đang nằm viện, chị nát lòng vì thương xót và lo lắng cho con. Thế mà mẹ chồng chị vẫn còn chì chiết:
- Nó ở trên này cả năm cả tháng có sao đâu. Về dưới đấy vài ngày thành ra tai họa.
Nhiều nữa, những lời nhiếc móc, đay nghiến như những nhát dao cứa vào tim chị đau đớn. Thậm chí có khi chị đang bón sữa cho con, mẹ chồng chị giành lại và đẩy chị ra: Mẹ gì thứ cô mà mẹ.
Mẹ chị ở dưới quê phần vì thương cháu, phần lại lo cho con và tự trách mình nên đã gọi điện cho bà thông gia để nhận lỗi về mình và hỏi thăm tình hình sức khỏe cháu. Trước mặt chị, mẹ chồng chị không một chút nể nang mà buông những lời cục cằn xúc phạm. Chị thấy sống mũi cay xè những đành nén lòng lại. Với chị lúc này, tính mạng của con chị là điều quan trọng nhất nên chị không có lấy nửa lời đôi co. Cũng giống như lâu nay chị đã quen chịu đựng sự khắt khe và lạnh lùng của mẹ chồng.
Nhưng điều khiến chị buồn là thái độ của chồng chị. Có thể lúc nhìn thấy con bỏng nặng anh nóng giận quát mắng chị thậm chí cho chị vài cái bạt tai chị cũng cam lòng rồi sau đó thì thôi. Đằng này anh cũng vào hùa với mẹ, bất cứ lúc nào có thể là giáng cho chị những lời thật cay đắng. Chị nuốt nước mắt và cố lý giải rằng vì anh là người quá yêu con, nhìn thấy con bị như vậy nên anh xót nhưng ngay cả khi nhìn thấy chị gục xuống bên giường con khóc nức nở vì thương con và tự trách mình, anh vẫn lạnh lùng. Chị thấy nỗi đau đang nhân lên hàng nghìn lần trong lòng mình.
- Nếu như con em không bình phục được chắc em cũng sẽ không sống nổi ở trong cái nhà đó nữa đó đâu chị ạ?
Chị lại gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Nhà tư vấn mắt đỏ hoe, cũng là một người mẹ, người vợ dường như câu chuyện của chị khiến nhà tư vấn cũng không cầm được lòng mình. Và rồi nhà tư vấn tâm lý nắm lấy đôi bàn tay gầy khô của chị như muốn truyền vào đó những thứ mà chị đang cần lúc này.
- Càng những lúc như thế này em càng cần phải mạnh mẽ, nhiều khi cũng phải bơ đi những thứ khiến mình phiền lòng. Như thế mình mới toàn tâm, toàn ý để lo cho con được. Cũng có thể khi sóng gió qua đi, mọi người trong gia đình sẽ có thời gian nhìn lại những việc mình làm và sẽ thay đổi cách cư xử với nhau.
Nước mắt đã khô trên bờ mi. Chị rời khỏi phòng tư vấn với một ít niềm tin vừa có được. Nhưng nhà tư vấn vẫn muốn câu chuyện này được đưa lên mặt báo với hy vọng biết đâu chồng, gia đình chồng chị và nhiều người khác nữa sẽ đọc được và hiểu nỗi đau đang dày vò tâm can chị. Vì chính trong lúc hoạn nạn thứ mà con người ta cần nhất đó là sự sẻ chia.