Chỉ khi giảm và kiểm soát được xích mích trong các mối quan hệ thân tình, mọi người biết yêu thương và trách nhiệm hơn, bao dung và thấu hiểu hơn thì chúng ta mới có thể có một gia đình ổn định và hòa thuận, ngày càng phát triển tốt.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Nhiều người nghĩ rằng điều xô đẩy hoàn cảnh của một người hay một gia đình suy cho cùng cũng là vì nghèo khó. Họ có xu hướng tập trung vào những gì người khác đã có, về chiếc xe hàng xóm mới mua, căn nhà đồng nghiệp mới tậu hay tủ đựng túi hàng hiệu của cô bạn học cùng cấp 3.
Đúng là của cải vật chất có thể đem lại hạnh phúc cho con người và đỡ đi nhiều phiền phức cho gia đình. Nhưng sự dư dả về vật chất không đồng nghĩa với hạnh phúc. Chỉ cần nhìn ra xung quanh, bạn sẽ thấy rõ điều này khi có những gia đình không giàu có nhưng vẫn rất hạnh phúc, có cuộc sống đáng ngưỡng mộ; trong khi gia đình khác giàu có nhưng bất hòa, thậm chí anh chị em không nhìn mặt nhau.
Tiền bạc không bao giờ là tiêu chí duy nhất để đo lường hạnh phúc. Không phải nghèo đói mà chính xích mích mới thực sự là điều kéo một gia đình đi xuống. Muốn thay đổi tình trạng xích mích nội bộ và khiến gia đình ngày một phát triển hơn, trước hết bạn phải hiểu những xích mích nào trong nội bộ gia đình cần tránh và cách tránh:
Vợ chồng bất hòa
Mâu thuẫn nội tại lớn nhất của một gia đình là vợ chồng bất hòa, chê bai lẫn nhau, sống cùng trong một mái nhà nhưng không thể cảm nhận được sự yêu thương, ấm áp. Tình cảm vợ chồng là nền tảng của một gia đình, chỉ khi vợ chồng hòa thuận, có nền tảng vững chắc thì cả gia đình mới ngày càng tốt đẹp.
Trong bộ phim truyền hình nọ, gia đình nhân vật chính vốn được rất nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chỉ những người trong cuộc mới biết đằng sau vẻ ngoài hạnh phúc đó là gì. Người vợ thường xuyên chỉ trích chồng vì không kiếm đủ tiền để chi tiêu, con cái không được thỏa đam mê nghệ thuật. Người chồng lại không thấy được sự đóng góp của vợ dành cho gia đình, thấy rất chướng tai trước sự ầm ĩ của vợ. Mỗi lần xảy ra mâu thuẫn là hai vợ chồng lại cãi nhau đến khuya, bất chấp việc cậu con trai đang ở ngay phòng bên cạnh.
Sống trong hoàn cảnh gia đình như vậy, người con trai dần thu mình hơn và rồi một ngày cậu đã chọn cái chết để có thể nhận được sự quan tâm hơn của cha mẹ. Quá đau lòng, người vợ càng trở nên cuồng loạn và gây sự với chồng, người chồng chỉ mong có thể sớm thoát khỏi mối quan hệ ấy.
Không kiểm soát được cảm xúc, lựa chọn cãi vã để giải quyết vấn đề sẽ chỉ đẩy hai người ngày càng xa nhau hơn, làm cho mối quan hệ trở nên xấu đi. Đừng chỉ trích hay chê bai bạn đời của mình, thiếu tôn trọng sự đóng góp, nỗ lực của mỗi bên. Chỉ khi vợ chồng biết khoan dung với nhau, biết đặt mình vào vị trí của người kia mà suy nghĩ, tình cảm mới ngày càng bền chặt, gia đình ngày càng đi lên.
Cha mẹ không biết khen ngợi, chỉ chê bai trách móc con cái
Một độc giả từng tâm sự rằng, bố mẹ anh rất tin tưởng vào 3 chữ "con nhà nòi". Họ tin rằng với nền móng gia đình như vậy, con mình phải thật xuất sắc. Không cần biết con có lý do gì, miễn không đứng nhất lớp hoặc đạt kết quả như kỳ vọng, họ sẽ mắng mỏ rất lạnh lùng.
Khi còn nhỏ, trước những cơn giận dữ của cha mẹ, anh đều rất run sợ, không bao giờ dám phản hồi, luôn trong tình trạng sợ mình sẽ làm sai. Một thời gian, điểm số của anh tụt dốc thảm hại, bố mẹ không ngừng sỉ vả suốt một thời gian dài, cho rằng anh là nỗi nhục nhã của gia đình. Sau này lớn lên và đi làm, anh mỗi lần Tết đến đều chọn ở lại một mình trong căn nhà thuê, dù bố mẹ có gọi điện, mắng mỏ bao nhiêu cũng không màng.
Anh nói rằng mình không biết cách hòa thuận với cha mẹ và anh cảm thấy sợ khi nghĩ đến việc đối mặt họ. Nhìn lại những gì đã qua, anh nhận ra rằng kỷ luật của cha mẹ anh không phải là tình yêu đối với anh mà là để thể hiện cảm xúc của họ.
Thực tế có khá nhiều gia đình như vậy, cha mẹ không biết cách giáo dục con cái, cho rằng cần phải có kỷ luật để con cái trưởng thành, lớn lên hiếu thảo giỏi giang nhưng lại không biết kỷ luật chính mình. Họ áp đặt một cách mù quáng những áp lực và cảm xúc tiêu cực lên con cái, họ biết đến hai chữ tôn trọng con.
Khi cha mẹ luôn trút những bực dọc lên con cái, lũ trẻ sẽ không thể cảm nhận được tình yêu thương. Cha mẹ không biết dành cho con lời khen ngợi, động viên, đứa trẻ khó có thể phát huy tốt khả năng của mình và tự tin bước ra đời. Đừng coi con cái là nơi để xả cơn giận của mình, càng đừng bắt chúng phải sống theo những gì bạn muốn. Thay vào đó, hãy tôn trọng trẻ và tạo điều kiện, cùng đồng hành để trẻ phát triển tốt nhất.
Xích mích giữa anh chị em ruột thịt
Những cuộc đấu đá nội bộ giữa anh em ruột thịt cũng là yếu tố chính khiến gia đình rơi vào xích mích nội bộ. Một trong những nguyên nhân sâu xa của sự mất đoàn kết giữa anh chị em là xuất phát từ cha mẹ họ. Có những đứa trẻ làm anh, làm chị khi còn quá nhỏ, luôn cảm thấy thiếu sự quan tâm của cha mẹ và làm gì cũng phải nhớ 2 chữ "nhường em". Chẳng biết từ bao giờ, chúng dần sinh sự ghen tỵ với em vì sự thiên vị đó.
Cách đối xử khác biệt của cha mẹ khiến con cái trong gia đình có thể đổ lỗi, oán trách nhau và xích mích nội bộ kiểu này có thể khiến cả gia đình ngày càng đi xuống. Sự thiếu đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến vận khí gia đình.
Hãy nhớ rằng không phải nghèo khó thực sự làm suy sụp một gia đình, mà chính là "xích mích nội bộ". Mỗi người đều sẽ có những mạng lưới riêng trong cuộc sống của mình và kết nối lớn nhất, quan trọng nhất chính là giữa chúng ta và những người thân yêu. Chỉ khi giảm và kiểm soát được xích mích trong các mối quan hệ thân tình, mọi người biết yêu thương và trách nhiệm hơn, bao dung và thấu hiểu hơn thì chúng ta mới có thể có một gia đình ổn định và hòa thuận, ngày càng phát triển tốt.