Có lẽ sự cô đơn hiu quạnh chốn hoàng cung đã khiến bậc mẫu nghi thiên hạ như Trần Hậu nảy sinh tình cảm với chính Sở Phục. Nhiều sách sử xưa chép rằng, Trần Hậu thậm chí còn cho Sở Phục mặc quần áo của nam giới. Hai người họ ngày ngày gần gũi bên nhau, sống chẳng khác nào vợ chồng chốn hậu cung.
Bà Hoàng xuất thân cao quý phò tá chồng lên ngôi
Trần Kiều Hoàng hậu (hay còn được biết dưới với cái tên Trần Hoàng hậu) vốn là con gái duy nhất của Quán Đào công chúa Lưu Phiếu với chồng là Đường Ấp hầu Trần Ngọ. Bà được xem là vị Hoàng hậu có xuất thân cao quý nhất trong lịch sử Trung Quốc khi có ông ngoại là Hoàng đế, cậu là Hoàng đế và phu quân cũng là Hoàng đế.
Từ nhỏ, Trần Kiều đã được ngoại tổ mẫu là Đậu thái hậu và cậu là Hán Cảnh Đế hết mực thương yêu. Những tưởng cuộc đời nhung lụa của người phụ nữ này sẽ trôi qua trong êm đềm khi bà đã có công lớn phò tá giúp chồng làm nên nghiệp lớn, vậy nhưng kết cục cuối đời lại quá đỗi xót xa.
Trần Kiều có thể nói là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của Hán Vũ Đế. Mối lương duyên của họ bắt đầu từ khi Hán Vũ Đế Lưu Triệt thủa còn nhỏ thường hay ghé cung mẹ nuôi của mình là công chúa Quán Đào chơi.
Nhà sử gia Ban Cố trong Hán thư có ghi, Hán Vũ đế Lưu Triệt năm lên ba tuổi đã được phong là Giao Đông vương. Một hôm, khi được công chúa Quán Đào hỏi: “Con có muốn lấy vợ không?”, Lưu Triệt đã đáp rằng có. Giữa đám đông hơn trăm người cạnh đó, Lưu Triệt đều lắc đầu nguầy nguậy, chỉ nhoẻn miệng đồng ý khi Quán Đào công chúa chỉ về phía Trần Kiều.
“Được ạ! Nếu lấy được A Kiều làm vợ, con sẽ cho đúc nhà vàng để nàng ở”. Chính câu nói của Hán Vũ Đế thuở bé đã trở thành một trong những điển cố nổi tiếng của Trung Quốc với cái tên “Kim ốc tàng Kiều” (nhà vàng cất người đẹp).
Đúng như lời hứa năm xưa, Hán Vũ Đế phong Trần Kiều làm Hoàng hậu và xây tòa nhà bằng vàng cho bà. (Ảnh minh họa)
Câu nói này đã khiến Trần Kiều và Hán Vũ Đế sau đó kết duyên cùng nhau. Mẹ của Trần Kiều - tức Quán Đào công chúa đã ra sức dùng uy quyền của mình để tác động giúp con rể mau chóng có thể lên ngôi vương.
Năm 151 TCN, Hán Cảnh Đế phế Lưu Vinh, phong Lưu Triệt làm thái tử, Trần Kiều theo đó trở thành thái tử phi. Năm 140 TCN, khi Hán Cảnh Đế qua đời, Lưu Triệt lên ngôi lấy hiệu là Hán Vũ Đế. Đúng như lời hứa năm xưa, Hán Vũ Đế phong Trần Kiều làm Hoàng hậu và xây tòa nhà bằng vàng cho bà.
Những năm tháng vợ chồng sau khi lên ngôi, Trần Hoàng hậu được vua yêu chiều sủng ái hết mực. Có công phò tá chồng nên bà cũng rất có sức ảnh hưởng, về quyền lực có thể nói dưới 1 người mà trên vạn người.
Theo ghi chép của sách sử, những buổi sơ khai, mỗi buổi tan triều Hán Vũ Đế đều lui tới cung của A Kiều quấn quýt yêu thương mặn nồng. Song theo thời gian, tình cảm của Hán Vũ Đế với Hoàng hậu dần phai nhạt phần vì sau nhiều năm bà vẫn không thể sinh cho ông được một mụn con, phần vì trong cung các mỹ nữ không đếm xuể.
Sự xuất hiện của người thứ ba và mối tình đồng tính oan nghiệt
Biết sự tình Trần Hoàng hậu không sinh được con trai, mẹ bà đã lạy lục tứ phương, tìm danh y chữa trị cho con gái, thậm chí tiêu tốn tới hơn 9 ngàn vạn lượng nhưng tất cả chỉ là công dã tràng.
Cuộc đời Trần Kiều bắt đầu trở nên sóng gió sau một lần Hán Vũ Đế đến phủ Bình Dương công chúa ngao du thì gặp một ca kỹ xinh đẹp có tên Vệ Tử Phu. Vẻ đẹp cũng như khả năng múa hát của Vệ Tử Phu khiến Hán Vũ Đế vô cùng xao động. Khi hồi cung, ông đã mang theo Vệ Tử Phu vào cung để sủng ái.
Vệ Tử Phu lần lượt sinh cho Hoàng đế liên tiếp 3 người con khiến Trần Hoàng hậu ngày càng bị thất sủng. (Ảnh minh họa)
Thời gian qua đi khiến nhan sắc Trần Hoàng hậu ngày càng không còn như xưa. Vệ Tử Phu lại lần lượt sinh cho Hoàng đế liên tiếp 3 người con trong đó có con trai. Chính điều này đã khiến Trần Hoàng hậu ngày càng bị thất sủng.
Ghen ghét đố kỵ với người đàn bà họ Vệ kia, Trần Hoàng hậu tìm mọi cách để vu khống hãm hại nàng. Hán Vũ Đế tuy có biết chuyện song vì tình xưa nghĩa cũ, bà lại là người có công phò tá giúp chồng lên ngôi nên không làm to chuyện mà chỉ dần xa lánh bà.
Câu chuyện lên đến đỉnh điểm đẩy họ vào vòng xoáy oan nghiệt khi Trần Hoàng hậu tìm cách dùng thuật vu cổ, yểm bùa Vệ Tử Phu. Sở Phục đã lấy danh là nữ phù thủy tới diện kiến A Kiều và nói rằng bà ta có phép thuật có thể khiến Hán Vũ Đế hồi tâm chuyển ý, sủng ái Trần Hoàng hậu như xưa.
Để thực hiện được phép thuật, họ ngày đêm làm lễ tế đồng thời kết hợp với dùng thuốc. Không chỉ muốn chồng hồi tâm chuyển ý, Trần Hoàng hậu còn muốn Sở Phục dùng bùa chú để nguyền rủa Vệ Tử Phu và các phi tần khác.
Có lẽ sự cô đơn hiu quạnh chốn hoàng cung đã khiến bậc mẫu nghi thiên hạ như Trần Hậu nảy sinh tình cảm với chính Sở Phục. Nhiều sách sử xưa chép rằng, Trần Hậu thậm chí còn cho Sở Phục mặc quần áo của nam giới. Hai người họ ngày ngày gần gũi bên nhau, sống chẳng khác nào vợ chồng chốn hậu cung.
Hai người họ ngày ngày gần gũi bên nhau, sống chẳng khác nào vợ chồng chốn hậu cung. (Ảnh minh họa)
Tới năm 130 TCN thì mối tình đồng tính oan nghiệt giữa Trần Hoàng hậu và Sở Phục bị lộ. Hán Vũ Đế lần này đã không còn nể nang, sai người điều tra xét xử về nghi án dùng bùa chú hãm hại mọi người. Cuối cùng Trần Hoàng hậu bị phế, giam vào cung Trường Môn, Sở Phục bị xử tử hình.
Danh là tội dùng yêu thuật hãm hại Hoàng đế và phi tần, song nguyên nhân lớn được cho là do Trần Hoàng hậu dám cả gan “dâm loạn với phụ nữ như đàn ông”. Điều này khiến người đứng đầu thiên hạ như Hán Vũ Đế tỏ ra hết sức mất mặt.
Sau khi Trần Hoàng hậu bị phế giam vào cung Trường Môn, Vệ Tử Phu lên ngôi Hoàng hậu. Mối tình đồng tính tới bị truất ngôi mẫu nghi thiên hạ của Trần Kiều có thể coi là giai thoại độc nhất chốn hậu cung vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay.