Mẹ gầy gò, nhỏ con mà rất khỏe, bao nhiêu việc nặng nhẹ trong nhà, việc đồng áng, chăn nuôi, việc bán buôn đều một tay mẹ lo hết.
Tôi yêu người phụ nữ ấy, người gánh trên đôi vai gầy bao gian nan vất vả của cuộc đời: Tôi yêu mà như kẻ vụng trộm, chưa một lần nói được thành lời.
Trong tâm trí tôi, mẹ là người chịu mọi thiệt thòi, cực khổ để chúng tôi được hưởng niềm vui và hạnh phúc. Cuộc đời mẹ như một cuốn tiểu thuyết mà tôi luôn muốn viết ra xong lại chưa đủ sức:
Lên ba tuổi, mẹ tôi mồ côi cha. Lên năm tuổi thì mẹ cũng bỏ đi lấy chồng, mẹ tôi phải sống với chú thím trong cảnh bơ vơ không cha mẹ. Cuộc sống nghèo khổ những năm bốn mươi của thế kỉ trước khiến mẹ tôi mới lên sáu lên bảy đã phải đi mò cua, bắt ốc ngoài đồng. Dù rất cố gắng để bắt được nhiều cua nhiều ốc nhưng mẹ tôi vẫn không tránh được những trận đòn roi tơi tả mỗi lần giỏ cua không được đầy. Cuộc sống cơ cực khiến một đứa bé như mẹ tôi khi ấy luôn nhớ và muốn tìm đến người mẹ ruột, những buổi bắt cua đày nắng ngoài đồng, mẹ tôi (đứa bé lên sáu, lên bảy) đã băng qua đồng làng sang làng bên để kiếm tìm chút yêu thương ấm áp của mẹ ruột. Nhưng không hiểu sao, thứ mẹ tôi thèm khát và tìm kiếm lại khó đến thế. hụt hẫng, đứa bé ấy lại lủi thủi ra về, để đến khi nào nhớ mẹ quá lại tìm đường ghé lại. Cứ thế, tuổi thơ của mẹ tôi gắn bó với hết cánh đồng này tới cánh đồng kia trong những buổi chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc...
Mười ba tuổi, mẹ tôi phải đi làm thuê, ở đợ cho nhà giàu ở tỉnh khác. Tuy ở đợ rất nhiều việc, nhưng với mẹ nói, với mẹ cuộc sống vậy là nhàn vì đã quen cuộc sống cơ hàn, cực khổ từ nhỏ. Nơi làm thuê làm mướn ấy là một gia đình làm ăn buôn bán nên mẹ vừa làm vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống sau này, từ việc cơm nước, chăm em tới phụ việc buôn bán.
Đối mặt với cuộc sống thực tại, một mình nuôi đàn con trong thời bao cấp, mẹ đã cố gắng hơn mức có thể để nuôi được bốn người con ăn học. (ảnh minh họa)
Mười sáu tuổi mẹ về nhà, được mai mối và đi lấy chồng về tận đồng rừng xa xôi. Cuộc sống làm lụng ở nhà chồng trên đồng rừng rất vất vả mà chẳng đủ ăn, được mấy năm thì mẹ tìm cách thuyết phục bố về quê làm ăn sinh sống. Trở về quê, mẹ chẳng cam chịu chỉ làm ruộng vất vả mà tìm cách buôn bán thêm theo kinh nghiệm học được từ bà chủ nhà ngày trước. Vốn ít, mẹ chỉ buôn trái cây, dành dụm lo cho cuộc sống sau này. Rồi bố đi bộ đội, đi B trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, tin dữ ập đến khi mẹ mới ngoài hai mươi tuổi. Một mình vất vả nuôi con trong thời chiến, mẹ vẫn trông mong có một phép màu và bố sẽ trở về sau ngày hòa bình. Nhưng càng chờ, càng vô vọng, hòa bình một năm, hai năm và năm năm mà bố vẫn không về, mẹ phải tin rằng: “chồng mình đã hi sinh thật rồi”. Hình minh họa: Mẹ vất vả nuôi đàn con một mình.
Đối mặt với cuộc sống thực tại, một mình nuôi đàn con trong thời bao cấp, mẹ đã cố gắng hơn mức có thể để nuôi được bốn người con ăn học. Những nhọc nhằn chai hằn trên đôi vai gầy của mẹ với những gánh lúa oằn lưng, những gánh hàng rong đi khắp tỉnh này tới tỉnh khác: Khi thì gánh đồng nát từ quê đi Hải Phòng, Bắc Giang... lúc lại gánh về cả mấy thúng trái cây nặng trĩu để mang ra chợ quê bán, lấy công làm lãi, mẹ chắt chiu từng đồng để nuôi đàn con ăn học. Hình minh họa: Mẹ làm việc đồng áng cực nhọc.
Mẹ gầy gò, nhỏ con mà rất khỏe, bao nhiêu việc nặng nhẹ trong nhà, việc đồng áng, chăn nuôi, việc bán buôn đều một tay mẹ lo hết. Cả những việc của đàn ông như sửa lại cái chuồng lợn, chuồng gà, bắc cái giàn mướp .v.v. mẹ đều làm được. Mẹ không quản ngại việc gì, cũng chẳng sợ nắng mưa, đêm tối. Những chuyến hàng mẹ phải gánh gồng thâu đêm suốt sáng để sang tỉnh khác cho kịp phiên chợ. Làn da trắng trẻo của mẹ dần thay bằng nước da đen sạm vì sương gió cuộc đời. Mẹ không than thở, không trách móc số phận mà luôn vượt lên hoàn cảnh bằng nghị lực phi thường. Thời bao cấp nuôi bốn đứa con với một gia đình đủ vợ đủ chồng còn khó huống chi mẹ có một thân một mình, không nhờ cậy được ai. Nhưng mẹ đã gồng gánh chúng tôi vượt qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời, những năm cuộc sống chủ yếu nhờ “tem phiếu”.
Rồi chị cả học xong sư phạm, chị phụ mẹ lo cho chúng tôi. Chắc thương mẹ vất vả quá nên dù đã lấy chồng, phải lo cho cuộc sống nhà chồng nhưng chị vẫn luôn phụ mẹ giúp chúng tôi ăn học tới nơi tới chốn. Có những lúc, sinh viên sư phạm nghèo như tôi đạp xe 40km đường đất về nhà vì hết tiền, nhưng lại chẳng dám mở lời xin tiền mẹ, mẹ chưa kịp cho thì chị đã hiểu và dúi cho tôi vài chục ngàn. Khi đó, vài chục ngàn là tôi sống được cả mấy tuần rồi. Mẹ thấy vậy, dù không nói nhưng trong lòng chắc mẹ mừng vui lắm, vì mẹ thấy các con mẹ biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, san sẻ gánh nặng cùng mẹ. Hình minh họa: Các con của mẹ yêu thương đùm bọc lẫn nhau
Những năm tháng khó khăn nhất đã qua, giờ đàn con của mẹ đã trưởng thành và bay tới những phương trời xa xôi với cuộc sống mới. Không còn phải nhọc nhằn với những gánh lúa nặng trĩu, những gánh hàng rong đi suốt đêm ngày, nhưng cũng là lúc mẹ tuổi già, sức yếu. Mẹ đâu chịu nghỉ ngơi, lại rong ruổi hết nhà con lớn đến con bé để bế và chăm đàn cháu nội, cháu ngoại cho các con yên tâm công tác. Cứ thế, cuộc đời mẹ là những chuyến đi không mệt mỏi, hạnh phúc lớn nhất của mẹ là được vui vầy cùng con cháu, mẹ chẳng có chút hạnh phúc riêng nào.
Chúng tôi, đàn con của mẹ luôn biết ơn sự hi sinh thầm lặng đó. Luôn muốn bù đắp những vất vả, thiệt thòi mà một mình mẹ gánh chịu cả cuộc đời: Một mình vất vả nuôi đàn con trong thời kỳ gian khó, một mình ngóng đợi chồng trong vô vọng, nhưng cũng một mình mẹ vượt qua tất cả. Mẹ là một người vợ liệt sỹ tiêu biểu và là tấm gương sáng về nghị lực sống cho chúng tôi noi theo. Trong tôi luôn muốn ôm mẹ để nói một câu mà tôi chưa từng thốt lên lời: Mẹ ơi! Con thương mẹ rất nhiều, rất rất nhiều!