Ngôn ngữ thường là lời tiên tri của cuộc sống và khi bạn nói những lời giới hạn bản thân, bạn chính là đang đưa mình vào 4 bức tường chật hẹp.
Nhà đầu tư, tác giả nổi tiếng Robert Kiyosaki khi còn trẻ đã có cơ hội gặp một doanh nhân thành đạt ở địa phương mình khi đó. Ông nhận thấy trong cuộc hội thoại, chủ đề được vị doanh nhân kia nói đến nhiều nhất là đầu tư, tinh thần kinh doanh, tài chính và các chủ đề khác cũng liên quan đến kiếm tiền.
Kiyosaki tò mò tại sao cha ông không thể thành công và giàu có như vậy. Doanh nhân nọ không trả lời, nhưng nói Kiyosaki hãy chú ý hơn đến ngôn ngữ hàng ngày của cha mình.
Khi Kiyosaki trở về nhà, ông nhanh chóng phát hiện ra rằng những lời nói của cha mình trái ngược hoàn toàn với doanh nhân kia khi đề cập đến tiền bạc:
"Con nghĩ rằng tiền mọc trên cây sao?"
"Ta có in ra được tiền không?"
"Thà hạnh phúc còn hơn giàu có."
Những lời nói ấy như ngầm khẳng định rằng, bây giờ tôi không có tiền và cũng sẽ không bao giờ có tiền trong tương lai. Khi Kiyosaki viết cuốn sách "Cha giàu, cha nghèo", ông không khỏi cảm thán: "Hầu hết những người nói về việc "không có tiền" đều có kế hoạch trở nên nghèo khó".
Nhà tâm lý học Richard Wiseman đã mời 2 nhóm đối tượng tham gia thử nghiệm. Những người tham gia vào 2 nhóm này có cùng độ tuổi và tương đồng về địa vị xã hội, điểm khác biệt duy nhất là: Nhóm người thứ nhất thường cười nói với mọi người rằng: “Vận may của tôi rất tốt”; trong khi đó, nhóm thứ hai thường trực câu nói "Tôi thật xui xẻo" trên môi.
Richard đã cố tình đánh rơi những đồng xu trên đường họ đi làm về. Đa phần những người luôn nói rằng mình may mắn đều nhặt được tiền xu. Nhóm còn lại vì luôn phàn nàn về cuộc sống, họ chẳng màng đến những gì gặp trên đường. Cuối cùng, khi được thông báo rằng có những đồng xu rời trên đường, họ lại một lần nữa thở dài: "Đấy! Nhìn xem! Số tôi thật đen đủi mà."
Ngôn ngữ thường là lời tiên tri của cuộc sống.
Có những người luôn thường trực năng lượng tiêu cực trên môi, dường như mỗi ngày đều tìm cách xác minh sự bất hạnh tưởng tượng của mình. Ngay cả khi cơ hội đang đến gần, họ vẫn nhắm mắt làm ngơ và ngày càng chìm sâu trong vũng lầy cuộc đời.
Chàng trai trẻ nọ sau khi cha mẹ đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, cậu phải bỏ học để làm việc nuôi em trai mình. Một người chủ ở gần đó thương cảm cho hoàn cảnh của cậu nên đã nhận vào làm ở nhà hàng của mình, không chỉ trả mức lương cao mà còn có ý định đào tạo cậu thành quản lý.
Tuy nhiên, gặp ai cậu thanh niên cũng kể về quá khứ bi thảm của mình, thở dài và thể hiện sự cay đắng của cuộc đời khi tiếp khách. Sau một thời gian dài, tinh thần của nhân viên trong nhà hàng xuống dốc rõ rệt, họ không còn động lực để làm việc như trước. Những người khách quen cũng cảm thấy bầu không khí trong nhà hàng buồn tẻ nên tìm đến những nhà hàng khác để dùng bữa.
Thấy rằng công việc kinh doanh ngày càng đi xuống, người chủ không còn cách nào khác ngoài việc sa thải cậu ta. Chàng trai trẻ lúc này càng than thở về sự bất hạnh của mình, cuộc sống vốn đã đen đủi lại càng trở nên vô vọng từ đây.
Có câu nói rằng: "Cuộc sống của bạn luôn bị giới hạn bởi những gì bạn nói". Lời nói giống như câu thần chú và khi bạn nói những lời giới hạn bản thân, bạn chính là đang đưa mình vào 4 bức tường chật hẹp.
Trong tâm lý học, "Mô hình hành vi Fogg" đề cập đến 3 yếu tố thúc đẩy hành vi của chúng ta là: động lực, khả năng và sự thúc đẩy. Ngay cả khi một người có động lực để làm và khả năng hoàn thành điều gì đó, họ vẫn cần một tín hiệu nhắc nhở để thúc đẩy bản thân thực hiện những hành động tích cực. Tín hiệu nhắc nhở này có liên quan mật thiết với những gì người đó nói.
Mỗi lời bạn nói ra sẽ lặng lẽ nhập vào ý thức của bạn, hình thành một loại gợi ý nào đó và hướng dẫn bạn hành động theo. Những hành động này cuối cùng sẽ định hình toàn bộ cuộc đời bạn. Chúng ta được dẫn dắt bởi sự tự ý thức trong cuộc sống nhưng nhiều người luôn cho rằng đó là định mệnh. Trong nhiều trường hợp, lời nói không chỉ là nói với người khác mà còn là nói với chính mình.
Trường đại học nọ đã tổ chức một lớp học tâm lý mở. Giảng viên cho các sinh viên của mình xem một bức tranh sơn dầu và yêu cầu các sinh viên bày tỏ cảm xúc của mình qua một câu.
Sau buổi học, giảng viên đã có một cuộc trao đổi ngắn. Theo đó, những người ban đầu nói về những chiếc lá úa có xu hướng để tâm, nhắc nhiều hơn về những mảng ố vàng, cỏ dại rối rắm. Những người nói về lá xanh sẽ nhắc tiếp về quả chín, người phụ nữ đang mỉm cười và những viên sỏi thú vị.
Cuộc sống cũng giống như bức tranh sơn dầu này, hình ảnh đẹp và hình ảnh xấu luôn tồn tại cùng lúc. Khi bạn chọn nhìn vào mặt tươi sáng, bạn sẽ thấy nhiều chi tiết tốt hơn và những gì bạn nói ra sẽ thay đổi theo.
Thường xuyên nói lời tích cực không phải là tự lừa dối bản thân bằng tâm lý thoải mái mà là cố gắng tìm kiếm hy vọng, cái nhìn tốt hơn trong tình huống tồi tệ nhất. Cuộc sống là buồn vui lẫn lộn. Chỉ khi không bị sự thất vọng nhất thời cản trở, chúng ta mới có thể mở ra một cuộc đời tươi sáng hơn.
Có câu nói: “Để biết một người sẽ như thế nào trong tương lai, điều đó phụ thuộc vào những gì người đó nói bây giờ và giọng điệu mà người đó nói.”
Trong lòng mỗi người chúng ta đều có 2 cánh cổng, một cánh mang đến cho ta động lực tiến lên không ngừng, cánh còn lại mang đến những xích mích nội tâm vô tận. Bằng lời nói của mình, bạn mở cánh cửa nào ra, cuộc đời bạn sẽ dẫn đến đó. Thay vì những lời phàn nàn, hãy nói về cuộc sống bạn muốn hướng đến.