Câu chuyện sau đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hàng trăm nghìn cư dân mạng.
Đây là một tấm biển có thật, bên ngoài cửa một tiệm cafe - tôi đã lưu nó lại từ lâu và không còn nhớ rõ câu chuyện xảy ra ở nơi nào trên đất Mỹ.
Tấm biển này đã trở thành một "cơn bão" trên Tweeter, và thậm chí ngay cả Daily Mail ở Anh quốc cũng đã viết về nó.
Nhân viên cafe, người đã tạo ra tấm biển này, lý giải về hành động của mình: "Đó chỉ là một trò đùa vào ngày Chủ Nhật mà thôi. Tôi muốn chiến đấu chống lại sự bất công trong cách cư xử giữa người với người, bắt đầu bằng việc thu tiền cao hơn đối với những khách hàng bất lịch sự, những kẻ không nhận ra rằng ở đằng sau chiếc máy pha cà phê này cũng là những con người giống như họ."
Về nội dung của tấm biển, nó có ý nghĩa là:
- Nếu một khách hàng vào gọi cà phê một cách trống không: "small coffee" (cà phê, ly nhỏ) thì giá mà anh/ cô ta phải trả sẽ là $5.
- Nếu một khách hàng vào gọi cà phê mà biết thêm từ "please" (làm ơn) vào đằng sau câu nói của mình, thì giá mà anh/cô ta phải trả sẽ là $3, giảm liền $2 cho phép lịch sự mà khách hàng đó đã thể hiện.
- Còn nếu một khách hàng vào gọi cà phê mà biết nói xin chào (hello), lại biết bày tỏ sự biết ơn (please), thì anh/ cô ta sẽ chỉ phải trả $1.75 mà thôi!
Dù chỉ là một trò đùa: chủ tiệm cafe đã xác nhận không có khách nào bị thu tiền cao hơn chỉ vì cách họ gọi cà phê, nhưng cũng thừa nhận rằng thái độ chung của số đông khách hàng đã thay đổi theo hướng tích cực kể từ khi tấm biển được trưng ra. Mọi người đều cư xử lịch sự và đúng mực hơn rất nhiều.
Tấm biển hiệu "gây chú ý" của một tiệm cafe nhỏ
Câu chuyện sau đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hàng trăm nghìn cư dân mạng. Cá nhân tôi không tin rằng 100% trong số những người ủng hộ đó đều nói "hello, one small coffee please" mỗi ngày, nhưng tôi tin rằng câu chuyện với cái kết tốt đẹp này đã kêu gọi mọi người cùng hình thành, không, phải nói là phục hồi lại một thói quen tốt.
Năm năm sinh sống ở nước ngoài đã tạo cho tôi một thói quen, một phản xạ vô điều kiện mà tôi mừng vì nó đã hình thành:
- Luôn nói xin lỗi, dù nhiều khi một việc xảy ra không phải do lỗi của mình, nhưng câu "excuse me" hay "sorry" nó còn mang hàm nghĩa nuối tiếc vì đã xảy ra điều mà cả hai bên đều không mong muốn.
- Luôn nói cảm ơn, đôi khi không phải vì người ta đã thực sự làm được gì đó cụ thể - và miễn phí - cho mình, mà đơn giản là bày tỏ sự cảm kích vì những hành động hoặc thiện chí của họ, ngay cả khi mình là khách còn họ là người phục vụ.
- Luôn nói "Chúc một ngày tốt lành", nhiều khi không phải vì thực tâm mình quan tâm tới chuyện người ta có một ngày tốt lành hay không, mà là vì BẢN THÂN mình luôn mong muốn một ngày tốt lành cho chính mình, vì thế nên hãy chúc lẫn nhau để ai cũng được trao cho niềm hy vọng rằng điều đó sẽ xảy ra.
Luôn luôn và luôn luôn.
Có ai đó đã từng nói rất hay, rằng "Hãy đối xử với mọi người xung quanh bằng cách mà bạn muốn người ta đối xử với mình." MUỐN người ta đối xử với mình, chứ không phải BẮT ÉP người ta PHẢI đối xử với mình như vậy. Có thể bạn sẽ vấp phải những phản hồi không như trông đợi bất chấp đã nỗ lực ra sao, nhưng đừng vì thế mà nản. Bởi cư xử sao cho đàng hoàng, tử tế sẽ định hình giá trị con người bạn trước tiên.
Chúng ta đã nói rất nhiều, nhiều đến mức nhàm tai chủ đề về sự khác biệt trong văn hoá giao tiếp, ứng xử của người nước ngoài và người Việt Nam. Nhưng đa số chúng ta quên mất rằng, từ thời xưa khi Nho giáo hãy còn tồn tại, thì người Việt Nam thực ra đã rất quan trọng chuyện lễ nghĩa. Bởi vậy nên, không phải là cái văn hoá cơ bản cấp độ abc đó chưa từng tồn tại ở nước ta, mà nó chỉ bị mai một đi bởi nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan mà thôi.
Nếu không có số 1, sẽ không thể có số 2. Không có bậc thang đầu tiên, sẽ không có bậc thang cuối cùng. Hãy bắt đầu việc "phục hồi" lại những giá trị hành xử tốt đẹp đó ngay từ hôm nay, từ trước tiên - chính bản thân bạn.Hãy bắt đầu tập nói lời xin chào, cảm ơn, và hỏi thăm những người gần gũi với bạn nhất.
Bài viết: Facebook Bluer