Có bao giờ bạn tự hỏi liệu “Tết có mùi gì?”. Là mùi của khói nhang trầm hương, mùi của bánh chưng bánh tét, của sự tươi mới đất trời. Hay đó là mùi của tình yêu thương, tình thân gia đình, niềm vui sum họp?...
Nhiều người có lẽ sẽ đồng ý rằng Tết luôn có một mùi hương gì đó rất đặc biệt, đôi khi không thể diễn tả được bằng lời mà tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Mỗi dịp Tết đến xuân về, bên cạnh cái hối hả ngược xuôi, lo toan cho ba ngày sum họp gia đình, thì mùi Tết cũng là điều đem lại sự đặc biệt. Tết là khoảnh khắc thiêng liêng mà tất cả người Việt dù đi xa đến đâu cũng khát khao được trở về, sum họp đầm ấm bên gia đình.
Mùi Tết là mùi của hoa mai, hoa đào, của bánh chưng thịt mỡ dưa hành,... những món ăn đặc trưng không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Mùi Tết là mùi phảng phất nhè nhẹ của nhang khói trầm hương ngào ngạt, ấm trà pha nóng hổi của bố, khay mứt của mẹ. Là đêm 30 bập bùng ánh lửa, chị em ngồi trông nồi bánh chưng chín. Sáng sớm thức dậy, hít một hơi thật sâu, lại nhớ đến Tết ngày xưa, nhớ làn hương khói, nhang trầm, cảm giác háo hức vẫn còn nguyên vẹn.
Mùi Tết là các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, tắm lá mùi già gột rửa đi những muộn phiền năm cũ.
Làn khói từ căn bếp của bà, cành đào trước sân, mùi bánh chưng bánh tét không thể quên của Tết
Mùi Tết là không khí se lạnh, mưa bay lất phất, mọi người cùng ngồi lại chuyện trò, nhâm nhi ngụm trà, chén rượu nồng, chúc nhau những điều tốt đẹp.
Mùi Tết là mùi của sự đoàn viên, tình yêu thương gia đình. Là những chuyến xe ngược xuôi trên mọi nẻo đường, ánh mắt mong chờ được gặp lại người thân yêu. Là những cái ôm thật chặt, lời hỏi thăm sức khỏe và rôm rả kể nhau nghe câu chuyện của năm cũ, hạnh phúc đón chào năm mới.
Mùi Tết là mùi của những đứa trẻ háo hức chờ được mừng tuổi, mùi thơm của quần áo mới, được ăn bánh kẹo thỏa thích, được nghỉ học.
Tết luôn mang đến những cảm xúc dung dị mà trân quý. Người ta vẫn hay nói rằng Tết đang dần mất vui, nhưng suy cho cùng là cách cảm nhận của mỗi người. Tết vẫn vậy, vẫn mang những màu sắc, mùi vị như vốn có. Không chỉ có những mùi vị đặc biệt, Tết còn là từ mà mỗi khi nhắc đến, ai ai cũng thấy xốn xang, bồi hồi.
Ấy là mùi Tết! Mùi không được gọi thành tên.
Mùi của Tết trong cảm nhận mỗi người một khác, nhưng ai cũng sẽ thấy bình yên khi nghĩ về
Mùi của Tết trong mỗi giai đoạn cuộc đời người có lẽ sẽ rất khác nhau. Và ở những nơi, hoàn cảnh gia đình khác nhau, con người ta cũng có cảm nhận riêng về mùi của Tết.
Khi lên 5, lên 10, mới biết được Tết thực sự là gì, cảm nhận được Tết là khi gia đình trở nên đông đúc hơn, đón người thân từ xa trở về. Trong những chiếc vali là bánh kẹo, là quần áo mới. Với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình còn khó khăn, Tết còn là dịp được ăn các món mà ngày thường hiếm khi được thưởng thức như: thịt gà, giò chả, canh măng, bánh chưng có thịt…
Khi đến tuổi 18, đôi mươi, Tết là những mong ngóng đầu tiên để được trở về nhà khi bắt đầu bước vào môi trường học tập, làm việc mới. Guồng quay hối hả của cuộc sống khiến cho Tết trở thành dịp quan trọng nhất để về nhà.
Khi ta đã qua 25, Tết là những lo toan bộn bề, công việc, gia đình. Qua ngưỡng 30, Tết là sự sắp xếp nhà nội, nhà ngoại với hàng trăm nghìn thứ việc không tên.
Còn với những người đã qua trung niên, ở tuổi ngũ tuần, Tết đơn giản là khi con cháu trở về đông vui, đầy đủ.
Mùi của Tết đôi khi chỉ đơn giản là sự đủ đầy thành viên trong gia đình trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới
Mùi của Tết vẫn luôn mặn nồng, vẫn ấm áp và đong đầy yêu thương. Tết không nhạt đi, mà có chăng chỉ là con người ta thay đổi, lớn lên qua những giai đoạn của cuộc đời. Không còn là những đứa trẻ háo hức đón giao thừa bên gia đình, mong chờ tấm áo mới…Lớn lên, đi xa rồi trở về để những bữa cơm ngày Tết trở nên thiêng liêng và quý giá.
Mùi Tết rất lạ! Đó không chỉ là sự cảm nhận bằng khứu giác mà là sự giao thoa giữa các giác quan. Nó lẫn vào nhau, trộn lên thành mùi nhớ thương, hoài niệm.
Mùi của Tết là thứ mùi riêng đặc biệt, in hằn trong tim của mỗi người. Mùi của tuổi thơ, của tình thân, của hạnh phúc. Mùi của sự đoàn viên, sum họp, của những mong đợi trong năm mới.
Có nhiều người nói rằng: “Lớn rồi thấy Tết không còn vui như ngày bé”. Thực ra Tết vẫn vậy, chỉ là cách cảm nhận của chúng ta khác đi. Những đứa trẻ vô tư ngày thơ ấu cảm nhận Tết theo một cách riêng và khi lớn lên, gánh vác trên vai nhiều trách nhiệm, nghĩ về Tết đôi khi không còn những niềm thương nhớ như ngày xưa.
Chỉ đến khi chúng ta đi xa nhà, đến những ngày giáp Tết, trên đường phố người người hối hả hoàn thành những công việc cuối cùng để trở về bên gia đình, mới thấy nhớ cái mùi của Tết đến nhường nào. Thấm thía rằng Tết là để sum vầy, để trở về trong vòng tay của mẹ cha, dù ngọt ngào hay đắng cay thế giới ngoài kia cũng không còn quan trọng. Chỉ cần trở về sẽ thấy mùi vị của Tết.
Những cái Tết ngày xưa ôi sao thân thương đến lạ. Liệu Tết hết vui như ngày xưa hay chúng ta đã lớn và thay đổi quá nhiều?
Mùi Tết là mùi của yêu thương, qua thời gian bao năm vẫn không thay đổi, vẫn ấm áp, nồng nàn và đong đầy như vậy. Tết không nhạt đi, mùi của Tết cũng không vơi không cạn, chỉ là con người ta qua thăng trầm cuộc sống, đôi khi Tết không còn những cảm nhận hồn nhiên như thuở ấu thơ.
Chúng ta vẫn sẽ chẳng nhận ra mùi vị của Tết là gì, cho đến lúc ở đâu đó quá xa, muốn về nhưng chỉ có thể lặng nhìn Tết quê nhà qua màn hình điện thoại. Lúc ấy mới thấy, Tết đâu cần phải mâm cao cỗ đầy, bánh kẹo xịn, hoa đẹp, xe sang, áo mới, trang hoàng rực rỡ. Tết là khi ở đó có đủ gia đình, có thể nhìn thấy ông bà, bố mẹ và anh chị em vẫn khỏe mạnh, cùng chờ đón khoảnh khắc pháo hoa giao thừa, cùng đi hái lộc đầu năm. Những đêm 30, cả nhà quây quần xem Táo Quân, khói hương ba mẹ thắp toả hương thanh khiết, dễ chịu khắp nhà. Chỉ cần còn nơi chốn để trở về, còn người thân mong đợi, tất thảy sẽ thấy mùi vị của Tết.
Mùi của hương trầm
Mùi của khói
Mùi của lá
Mùi của bánh chưng bánh tét
Mùi của tình thân…
Tất cả hòa quyện, tạo nên mùi của Tết!
Mong rằng khi pháo hoa rợp trời, thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới, ai cũng kịp trở về bên gia đình, bên cạnh những người thân yêu
Một năm nữa lại qua, năm mới đang đến, nhà nhà đang tất bật chuẩn bị cho bữa cơm tất niên tiễn năm cũ đón năm mới. Năm vừa qua có thể còn nhiều muộn phiền, thành công hay thất bại, những kế hoạch còn dang dở,..chỉ mong ước sao, mỗi gia đình đều được sum họp trong khoảnh khắc giao thừa. Bởi có lẽ, chỉ khi sum họp đủ đầy thì Tết mới thật trọn vẹn niềm vui.
Mong rằng khi pháo hoa rợp trời, thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới, ai cũng kịp trở về bên gia đình, bên cạnh những người thân yêu! Để giây phút ngắm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời này sẽ thấy lòng thật an yên.
Với mọi người, Mùi của Tết là gì?