Nhiều người có xu hướng lo sợ về những sự thay đổi, bị từ chối hay cảm giác bị cô lập. Tuy nhiên đây sẽ là tâm lý ngăn cản bạn đến với thành công.
(*) Bài viết là chia sẻ của Scott Steinberg, nhà tương lai học, diễn giả về các xu hướng kinh doanh và là tác giả bán chạy nhất của "Fast >> Forward" và "Think Like a Futurist". Là nhà tư vấn chiến lược từng đoạt giải thưởng, Scott được tạp chí Fortune vinh danh là chuyên gia hàng đầu về đổi mới.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất giữa chúng ta với thành công không phải là thời gian, tiền bạc hay nguồn lực mà chính là khả năng chống lại sự thay đổi và dám chấp nhận rủi ro.
Thế giới ngày nay đang chuyển động nhanh và có những biến chuyển không thể đoán trước. Điều bạn cần làm chính là học cách thích ứng hàng ngày.
Trong những năm nghiên cứu với tư cách là một nhà tương lai học, tôi nhận thấy rằng có 6 nỗi sợ hãi mà khi bạn bạn mở mang quan điểm và học được cách chinh phục chung, năm 2021 hay những năm về sau sẽ chẳng điều gì có thể ngăn bạn tiến đến thành công.
1. Sợ thay đổi và sự không chắc chắn
Dù là trong sự nghiệp hay trong các mối quan hệ, bạn đều có nguy cơ bị tụt hậu nếu cứ mãi đứng ở một chỗ và không có những bước tiến mới để tiếp tục phát triển.
Đừng cố gắng dự đoán tương lai, không ai trong chúng ta là có thể biết chắc chắn được chuyện gì sẽ xảy đến với mình. Thay vào đó, hãy nghiên cứu các sự kiện khi chúng hình thành và học cách thích ứng.
Nhiều người có xu hướng lo sợ về những sự thay đổi hay điều không chắc chắn. Tuy nhiên đây sẽ là tâm lý ngăn cản bạn đến với thành công. Đừng giới hạn mình bởi sự cố định. Hãy đảm bảo bản thân luôn có một kế hoạch về những bước đi sẽ thực hiện và nhanh chóng điều chỉnh đường hướng khi có thông tin mới cập nhất.
2. Sợ bị cô lập
Dù bạn là ai thì cũng khó tránh khỏi tâm lý đôi lúc cảm thấy không thoải mái khi ở văn phòng của chính mình hay phải làm việc một mình hoặc với rất ít sự hỗ trợ từ người khác. Cảm giác này càng dễ xảy đến khi đại dịch diễn ra, làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên đừng để nỗi sợ hãi đó xâm chiếm trí óc. Có nhiều cách để bạn thúc đẩy các mối quan hệ, xây dựng niềm tin, khiến mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè và các thành viên trong gia đình bền chặt hơn. Hãy trở thành một phần của tập thể nhưng cũng giữ sự độc lập nhất định, có thể làm tốt khi một mình.
3. Sợ đối đầu
Bạn và anh đồng nghiệp cùng phòng đã lâu "chẳng đội trời chung" sau một lần tranh luận gay gắt? Thật lòng thì khi chúng ta có mâu thuẫn với ai đó, dù là trong công việc hay các mối quan hệ xã hội thì cũng không thoải mái chút nào. Tuy nhiên nếu bạn luôn cố gắng để tránh những tình huống này, vấn đề sẽ không được giải quyết.
Hãy tự hỏi bản thân rằng đâu là điều đáng để bạn phải dành thời gian và đâu là điều thực sự không đáng. Tự cho bản thân thời gian và nghĩ cách làm sao để có thể giải quyết chúng một cách tốt nhất. Đừng sợ đối đầu, giải quyết vấn đề từng bước một, bạn sẽ thay đổi chiến lược để phù hợp với tình hình.
4. Sợ bị từ chối
Bạn bị từ chối sau vòng phỏng vấn xin việc? Một khách hàng tưởng chừng rất tiềm năng lại đang tìm cách tránh liên lạc của bạn? Sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp đang bị thị trường từ chối?...
Hãy chấp nhận sự thật rằng, trong cuộc sống này, bạn sẽ phải nghe "không" nhiều hơn là "có". Đơn giản hiểu rằng, "không" có nghĩa là "không trong hoàn cảnh này", không có nghĩa là "không bao giờ".
Đừng ngại thay đổi, hãy tiếp tục nỗ lực vì hoàn cảnh có thể thay đổi. Duy trì sự tự tin và tiếp tục hoàn thiện mình cũng như các sản phẩm, dịch vụ của mình tốt hơn, có thể câu trả lời "có" đang ở rất gần bạn.
5. Sợ mất kiểm soát
Nghiên cứu cho thấy, nhu cầu luôn muốn cập nhật và quản lý mọi thứ của chúng ta thường bắt nguồn từ nỗi sợ mất kiểm soát. Chúng ta sợ rằng, chỉ cần mình lơ là không để ý một chút, mọi thứ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Sự thật là không ai trong chúng ta có thể quản lý tất cả mọi thứ. Thay vì luôn đặt câu hỏi vì sao điều đó lại xảy ra, vì sao mình lại không biết trước để kiểm soát chúng, vì sao mọi chuyện luôn không theo ý mình... tốt hơn bạn hãy chấp nhận rằng một số biến số nhất định nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Hãy tập trung vào những điều bản thân có thể chủ động quản lý.
6. Sợ thất bại
Đừng giữ những suy nghĩ về "thành công sau một đêm", hay "giàu có trong phút chốc". Mục tiêu càng lớn, càng có ý nghĩa thì càng cần có thời gian để có thể đạt được. Cần chấp nhận sự thật rằng bạn có thể gặp phải nhiều thất bại trước khi đạt được điều đó.
Thay vì tâm lý sợ thất bại, hãy chủ động đối mặt và "thất bại một cách thông minh". Mỗi lần thất bại sẽ là một lần bạn đánh giá được hiệu quả của chiến lược cũng như giải pháp mà mình đã sử dụng. Từ đó, bạn có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân và tiến hành sửa chữa trong lần tới. Có một điều bạn cần đảm bảo chính là đừng bao giờ mắc cùng một sai lầm 2 lần.