Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam

Ngày 18/10/2018 14:42 PM (GMT+7)

“Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau/ Mẹ không ghét bỏ em đâu/ Yêu anh em đã là dâu trong nhà”- Những câu thơ đẹp lạ, đi ngược hẳn quan niệm thông thường về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 1

Trong năm, Hà Nội quyến rũ nhất là những ngày này. Một buổi sáng, ta bỗng bị đánh thức sớm hơn, không phải bởi chuông đồng hồ mà bởi tiếng cánh cửa sổ đập vào bản lề mạnh hơn mọi ngày. Khẽ so vai cảm nhận luồng hơi lạnh trong vắt lùa vào sau tấm rèm mỏng mảnh. Gió mùa về!!

Cứ chớm lạnh, tôi lại nhớ Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh đã thật nữ tính khi ý nhị nhắc nhở người đàn ông của mình vào một ngày đầu đông: “Sao không cài khuy áo lại, anh? Trời lạnh đấy hôm nay trời trở rét” (Trời trở rét).

Chỉ hai câu thơ nhưng có sức “công phá” khủng khiếp tới trái tim bất cứ gã đàn ông mạnh mẽ, ngang tàng nào. Bởi, vũ khí của đàn bà – là sự nữ tính. Mà cái đó Xuân Quỳnh có thừa, bà nữ tính trong cả thơ và đời.

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 2

Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (1942-1988), là một nhà thơ nữ Việt Nam tiêu biểu của thời kỳ thơ ca chống Mỹ. Bà nổi tiếng với những bài thơ được nhiều người biết đến như "Thuyền và Biển", "Sóng", "Thơ tình cuối mùa thu", "Tiếng gà trưa", “Tự hát”, “Hoa cỏ may”...

Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc đời thường: Khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư  nhưng luôn chất chứa sự đằm thắm, đáng yêu của một người phụ nữ vừa làm thi sĩ vừa làm vợ, làm mẹ; vừa viết thơ vừa đong gạo, may áo…

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 3

Nhà thơ Xuân Quỳnh và chồng là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ 

Nói về nữ tính, điều này đã được định nghĩa, lý giải là đặc trưng của phái nữ. Phái nữ rất nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn và dễ xúc động, cảm thông. Họ dễ xúc động trước những sự việc dù vô cùng bình thường, nhỏ nhặt.

Còn theo các nhà giải phẫu học, nữ giới thường tư duy thiên về bán cầu não phải - bộ phận nặng về tình cảm và tưởng tượng, có khả năng phối hợp cảm xúc, ghi nhận hình ảnh và thưởng thức âm nhạc.

Là người giàu nữ tính, Xuân Quỳnh tinh tế đến từng chi tiết thế này: “Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nghĩ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” (Sóng).

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 4

Bản thân Xuân Quỳnh chỉ giải thích một cách đơn giản, đó là do “giời đày”.

Trong tình yêu, Xuân Quỳnh chân thành khát khao yêu thương đến mức tận hiến: “Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố” (Thuyền và Biển).

Có đôi khi thấp thỏm, lo âu như bao cô gái cần được trấn an trong tình yêu: “Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?” (Hoa cỏ may).

Xuân Quỳnh thực sự là một người đàn bà suốt đời kiếm tìm vun trồng và gìn giữ, cẩn trọng đến mức lúc nào cũng nơm nớp, khắc khoải. Có người nói đó là tự làm khổ mình, có người lại cho rằng trạng thái tình cảm đó mới chính là điều tạo nên vẻ độc đáo và sức cuốn hút trong thơ. Bản thân Xuân Quỳnh chỉ giải thích một cách đơn giản, đó là do “giời đày”.

Và cuối cùng, niềm tin mãnh liệt vào mình, vào người đàn ông mình đã chọn vẫn là lối thoát cho thơ yêu của Xuân Quỳnh. Sau bao nhiêu giông gió, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh vẫn tận cùng mạnh mẽ: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát).

Nhưng nữ tính không có nghĩa là mềm yếu, thỏa hiệp. Xuân Quỳnh, trái lại, vẫn đầy phản kháng, đầy quyền năng và cái phản kháng, quyền năng đó tự đi vào thơ bà một cách tự nhiên không cần phô diễn.

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 5

Khi viết về đàn ông, Xuân Quỳnh không phủ nhận vai trò to lớn của họ. Họ “vĩ đại”, “nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay”, “thăm dò những hành tinh mới lạ”, “chinh phục đại dương”, “đi tới tương lai”…

Ấy thế nhưng, tất cả những con người vĩ đại ấy, những phát minh vĩ đại ấy của nhân loại sẽ không có nếu như không có người đàn bà:

“Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng/ Là bác học… hay là ai đi nữa/ Vẫn là con của một người phụ nữ/ Một người đàn bà bình thường không ai biết tuổi biết tên…/  Anh thân yêu người vĩ đại của em/ Anh là Mặt trời em chỉ là hạt cát…/ Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo/ Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn” (Thơ vui về phái yếu).

Với Xuân Quỳnh, tôn vinh đàn ông đi kèm với áp chế. Có thế nói, thông qua thơ, Xuân Quỳnh đã thiết lập được một thứ mỹ học riêng của nữ giới: “Em yêu sự thông minh hóm hỉnh/ Đến thói thường hay cáu gắt của anh/ Nếu đời anh đã xếp thành ngăn/ Em sẽ đảo tung lề thói cũ” (Thơ viết cho mình và những người con gái khác).

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 6

Bà Vũ Thị Khánh, mẹ của Lưu Quang Vũ xuất hiện rất nhiều trong thơ của Xuân Quỳnh 

Khao khát yêu thương, sẵn sàng phản kháng, nhưng điều thú vị là Xuân Quỳnh vẫn giải quyết rất tốt mối quan hệ với mẹ chồng trong thơ. Bài thơ “Mẹ của anh” đã tạc bà vào “bức tượng đài” người phụ nữ “nịnh” mẹ chồng bài bản, nhuần nhuyễn nhất thi ca Việt Nam: “Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ, không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.

Thử hỏi, có đứa con dâu nữ tính và hiểu chuyện như vậy, bà mẹ chồng nào mà không ưng, không tự nguyện trao con trai suốt đời? Nhất là khi đứa con dâu ấy còn “dạy” chồng đạo lý thế này: “Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau/ Mẹ không ghét bỏ em đâu/ Yêu anh em đã là dâu trong nhà”, rồi: “Chắt chiu tự những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” (Mẹ của anh).

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 7

Không chỉ dịu dàng nữ tính trong thơ, Xuân Quỳnh được biết đến là một người phụ nữ rất đỗi tần tảo, vun vén và nhạy cảm trong cuộc sống đời thường. Cho đến nay, nhiều giai thoại trong làng văn còn kể lại, bà đã luôn là chỗ dựa vững chắc của chồng – nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, đồng thời là nơi mà bạn bè trong giới có thể đến “ăn vạ”, “ăn trực” bất cứ lúc nào.

Người phụ nữ dùng thơ “nịnh” mẹ chồng bài bản nhất Việt Nam - 8

Xuân Quỳnh và con trai Tuấn Anh 

Điều đặc biệt, cái cốt cách Xuân Quỳnh không phải đến từ hoàn cảnh giáo dục đủ đầy mà được xuất phát từ những ẩn ức cá nhân của riêng bà. Tuổi thơ bơ vơ côi cút (mẹ mất sớm, cha đi làm xa, Xuân Quỳnh được bà nội nuôi dạy từ nhỏ) đã hằn in trong kí ức, trở thành nỗi ám ảnh suốt một đời thơ: “Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ/ Hái rau dền rau dệu nấu canh/ Tập vá may, tết tóc một mình/ Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ (Bàn tay em).

Suốt một đời, Xuân Quỳnh khao khát sự chở che, vỗ về của người mẹ, khao khát tận hiến trong tình yêu, khao khát một gia đình đầm ấm, trọn vẹn yêu thương. 

...

Những ngày cuối mùa thu, khi trở rét người ta lại nhớ tới Xuân Quỳnh. Bà mất trong một tai nạn giao thông vào ngày cuối thu 29/8/1988, cùng chồng và con trai 13 tuổi.

Đã 30 năm làng thơ Việt Nam vắng bóng nữ sĩ Xuân Quỳnh và nhà thơ – nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Nhưng sắp tới, cùng lúc, tại Hà Nội sẽ xuất hiện hai đường phố mang tên Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Điều này – trong chừng mực nào đó – sẽ trở thành niềm an ủi với những ai 30 năm qua chưa từng lãng quên họ.

Xuân Quỳnh có lẽ cũng đã chuẩn bị cho ngày này. Bà đã tự ru mình: “Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em/ Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại...” (Thơ tình cuối mùa thu).

Cô Bính hàng Đẫy, hồng nhan không bạc mệnh và chuyện ăn miếng thịt gà thưởng nhẫn kim cương
Về nhà chồng, cô Bính luôn là người vợ hết mực chăm lo cho gia đình. Ông Bùi Tường Viên cũng chưa bao giờ to tiếng với vợ, lúc nào cũng thể hiện sự...
Minh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10