Dưới đây là những ví dụ về biểu hiện của lòng tự tôn thấp, đánh giá thấp về chính mình.
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy một người có vấn đề với lòng tự tôn và nhiều dấu hiệu trong số đó đã được các nhà tâm lý học thảo luận và vẫn đang được nghiên cứu kỹ càng. Tuy nhiên, không cần phải là một chuyên gia về tâm lý học, bạn cũng có thể hiểu về lòng tự tôn và nhận ra những dấu hiệu cho thấy một người nên xem xét lại cách họ cư xử.
Trên diễn đàn Reddit, một chủ đề đã thu hút được sự quan tâm và chú ý của đông đảo người dùng. Họ đã cùng nhau chia sẻ những “báo động đỏ” cho thấy một người đang thiếu tự tin. Dưới đây là những câu trả lời nhận được sự ủng hộ lớn nhất. Hãy đọc và xem liệu mình có đang làm sai ở bước nào, biết cách để bản thân trở nên hoàn thiện hơn.
“Nghĩ rằng mọi điều tồi tệ mà ai đó nói với bạn đều là sự thật, nhưng khi ai đó khen bạn thì bạn lại dường như không dám chấp nhận điều đó.”
“Trong quá trình phỏng vấn, bạn có thể nhanh chóng chỉ ra những điều mình cần khắc phục/điểm yếu của bạn với nhà tuyển dụng nhưng lại không thể nêu ra một điểm mạnh nào của mình. Tôi đã từng không trả lời được khi nhà tuyển dụng hỏi về thế mạnh của mình. Rất may là nhờ những điểm thi khác cao mà tôi vẫn được nhận vào và đã được vị sếp đó chia sẻ nhiều điều để nâng cao lòng tự tôn”.
“Đó là khi bạn có xu hướng nghĩ rằng mình đang làm phiền tất cả những người mình ở cùng hoặc cho rằng mình chưa bao giờ thực sự là thành viên của một nhóm, chỉ được mời vào đó vì mọi người thấy bạn đáng thương.”
“Ai đó thường xuyên xin lỗi, ngay cả với những điều không phải lỗi của họ. Trước đây tôi đã từng là người như thế, luôn xin lỗi về tất cả dù rằng bản thân biết không phải do mình.”
“Những người luôn khoe khoang về bản thân họ. Sự thật là họ luôn có điều gì đó sợ hãi từ trong tâm trí và họ cố gắng nói với mọi người về cách mọi người nên nhìn nhận họ.”
“Bạn có thể khiến mình trở nên hài hước bởi vài câu chuyện đùa về chính điểm chưa hoàn thiện nào đó của mình. Tuy nhiên nếu ai đó liên tục “đùa cợt” về những khuyết điểm của họ, có lẽ họ đang thực sự rất ám ảnh về điều đó.”
“Đó là khi một người nói quá nhiều về bản thân họ. Dường như người đó đang tìm cách để tự bảo vệ mình khỏi những lời xúc phạm của người khác.”
“Cố gắng để bắt chuyện, mở đầu câu chuyện với mọi người.”
“Bạn nói rằng bạn ước gì mình có được tính cách như một ai đó. Chắc rằng ai cũng từng có lúc muốn mình mạnh mẽ hay lạc quan được như ai đó song nếu điều này xảy ra thường xuyên, đó sẽ là vấn đề.”
“Một người luôn miệng xin lỗi vì đã nói chuyện, xin lỗi vì đã không nói, xin lỗi vì đã xin lỗi, xin lỗi vì đủ mọi thứ.”
“Vệ sinh cá nhân kém là một dấu hiệu rất phổ biến của bệnh trầm cảm và đánh giá thấp về giá trị bản thân. Tất nhiên, điều này có thể xuất phát từ hoàn cảnh cuộc sống đi xuống song đó là dấu hiệu mà bạn rất nên để ý.”
“Luôn giải thích quá nhiều. Những người lớn lên với những lời chỉ trích và bị coi thường sẽ dễ đánh giá thấp bản thân. Họ có xu hướng nghĩ rằng mình phải thật cụ thể, thật chi tiết về giải thích thật rõ để tránh bị mọi người chỉ trích hoặc bị buộc tội nói dối.”
“Đó là khi một người hoàn toàn không thừa nhận hành vi sai trái của mình. Người như vậy cái tôi của họ quá mong manh, không dám thừa nhận cái sai của mình để còn sửa.”
“Một người nói dối về cuộc sống của mình chính là biểu hiện của lòng tự tôn thấp. Không có gì buồn hơn việc một người phải nói dối về cuộc sống của mình (về tình trạng tài chính, về các mối quan hệ tình cảm…) chỉ để thu hút sự chú ý và được người khác công nhận.
“Người luôn cần được bạn đời/người yêu trấn an rằng họ vẫn luôn yêu bạn. Những người này cảm thấy bất an trong mối quan hệ, ngay cả khi thậm chí họ đã bên nhau suốt 30 năm.”
“Người gạt đi sở thích của người khác vì không an tâm về sở thích của mình hoặc thậm chí không có sở thích nào. Trước đây tôi hay thêu tranh chữ thập và dành khá nhiều thời gian cho các “tác phẩm” đó. Khi chia sẻ điều đó với một người, anh ấy đã nói rằng thêu chữ thập là thú vui vô bổ nhất mà anh ấy từng nghe nói đến. Tôi chỉ thấy kinh ngạc với điều đó. Tại sao sở thích lại phải “hữu ích”. Nó khiến tôi có thể thoải mái đầu óc và sau khi làm xong, tôi có thể dùng bức tranh đó để trang trí. Ngay cả khi không thể treo những bức tranh đó, nếu tôi thích thì sao anh ta lại cố gạt đi, tước bỏ sở thích đó của tôi?”.