Trong khi nhiều chị em háo hức làm đẹp chờ đón ngày mùng 8/3 để được đón nhận những bó hoa, món quà của chồng, của bạn bè khác giới thì vẫn còn những người phụ nữ phải bươn chải cùng với cuộc sống nghèo khó, bệnh tật, chưa bao giờ dám nghĩ đến một món quà ngày 8/3.
Bà Nguyễn Thị Loan chưa bao giờ nghĩ tới ngày 8/3. Ảnh: P.T
“Tôi chưa bao giờ có ngày 8/3”
Ở ngõ 267, đường Hoàng Hoa Thám (phường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) khi nói đến gia đình bà Lê Thị Hòa, SN 1950 những người hàng xóm ai nấy đều thương cảm. Vợ chồng bà vốn là những nông dân tu chí làm ăn, nhưng mỗi đứa con lại đem tới những nỗi buồn cho người làm cha, làm mẹ với trăm bề vất vả. Vì thế chưa bao giờ bà biết cầm tới bông hoa được tặng ngày 8/3.
Liên tục đưa vạt áo lên lau nước mắt, bà Hòa nghẹn ngào kể chuyện gia đình. Khi Hoa – cô con gái lớn ra đời cũng kháu khỉnh, xinh xắn. Nhưng tai họa ập đến khi Hoa bị một trận sốt cao, co giật. Hồi đó ai cũng nghèo, kiến thức y học chỉ theo dân gian, phương tiện đi lại chỉ có xe đạp và đi bộ nên khi đưa Hoa đến bệnh viện đã quá muộn. Dù cứu được tính mạng nhưng Hoa bị di chứng nặng nề do bại não. Cô bị bại liệt, cơ thể teo tóp, chân tay co quắp, nói không rõ ràng. Mọi sinh hoạt phải nhờ mẹ giúp. Nhìn các cô gái khác cùng trang lứa với con, bà Hòa xót thương con mà chỉ biết rưng rưng nước mắt.
Bất hạnh một lần nữa giáng xuống đôi vai người đàn bà vất vả này khi cậu con trai sinh ra không được khôn ngoan như những đứa trẻ khác. Mặc dù cậu bé khỏe mạnh, trắng trẻo nhưng học thì không nhớ nổi kiến thức, đành phải bỏ học từ bé.
Không chỉ khổ về bệnh tật của con gái, một tay bà Hòa còn phải lo biết bao điều, từ cái ăn, cái mặc cho đến việc nhà… Để lo cho hai đứa con bệnh tật, hàng ngày bà Hòa thức khuya dậy sớm để làm bánh chưng bán ở nhà kiếm ít tiền lãi và cũng có thời gian chăm sóc đứa con gái bại liệt.
Bà Nguyễn Thị Bích, Tổ trưởng dân phố nơi gia đình bà Hòa sinh sống cho hay, nhà bà Hòa thuộc hộ nghèo của phường. Tình cảnh hai vợ chồng già nuôi hai đứa con bệnh tật khiến ai cũng phải bùi ngùi. Cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào đồng tiền lời ít ỏi từ quán tạp hóa và những nồi bánh chưng gói bán hàng ngày. Dân làng thấy hoàn cảnh khó khăn và quan trọng là bà gói bánh chưng sạch và ngon, lại an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều người đến mua. Con gái bà được trợ cấp 360 nghìn đồng/1 tháng thuộc diện nuôi người khuyết tật. Thế nhưng số tiền đó là quá ít ỏi không đủ mua thuốc chữa trị khi con đau ốm.
Giờ bà đã hơn 60 tuổi, lại bị đau khớp, huyết áp cao hành hạ, không làm được việc nặng nhưng bà Hòa vẫn cố gắng làm việc không ngừng nghỉ, vì chỉ cần nghỉ một ngày là chồng con đứt bữa. Những ngày bà bị đau ốm nặng, xương khớp co cứng nhưng vẫn phải bò dậy bán hàng và phục vụ người con bại liệt. Khi chúng tôi nhắc đến ngày 8/3, bà bảo chưa bao giờ bà có ngày này. “Con cái bệnh tật, kiếm đồng tiền cũng khó khăn. Thấy người ta đi chơi 8/3 là phụ nữ tôi cũng thấy thích chứ, nhưng cuộc sống muôn màu muôn vẻ, hoàn cảnh gia đình không cho phép mình được như những người phụ nữ khác. Ngày 8/3 tôi chưa có bao giờ”, bà Hòa chia sẻ.
“8/3 đi qua cũng chẳng biết”
Trước mặt chúng tôi là người phụ nữ với nét mặt khắc khổ, làn da cháy xám vì những ngày làm lụng thay chồng nuôi con. Khi chúng tôi tới nhà cũng vừa lúc bà mới đi trồng rau về.
Sinh ra trong một gia đình bần nông nghèo khó, lại đông anh chị em, tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Loan, 51 tuổi (ở Hà Đông, Hà Nội) đã không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa. Ngay từ nhỏ, một bên mắt của bà đã không nhìn thấy rõ. Chồng mất khi đứa con lớn mới được 10 tuổi, bà đau đớn quyết định ở vậy nuôi con. Một mình bà vừa làm mẹ, vừa làm bố với 2 đứa con còn quá nhỏ.
Quanh năm suốt tháng, căn nhà thiếu vắng người đàn ông trụ cột, mọi gánh nặng trong nhà đều do bà gánh vác nên người góa phụ trẻ nhanh chóng già đi trước tuổi. Đêm đến, bà thường tủi thân ôm con khóc vì thương chồng, thương cho số phận của mình. Gượng dậy trong nỗi đau, người đàn bà ấy tự dặn lòng phải làm tất cả mọi việc chỉ mong có tiền lo cho các con. Ngoài làm mấy sào ruộng, bà tranh thủ canh tác thêm ít ruộng người ta bỏ hoang để trồng rau bán. Có khi mọi người lại thấy bà đi phụ hồ những lúc rảnh… Ngày nào cũng như ngày nào bà làm quần quật từ sáng sớm tới tận tối mịt.
Cũng vì tất tả mưu sinh lo cho con mà bà Loan không thể có chút thời gian dành cho riêng mình. Chắc cũng bởi vậy mà chưa khi nào người phụ nữ ấy nhận được sự quan tâm đặc biệt trong ngày Quốc tế phụ nữ. Ngày 8/3 đối với bà là một ngày gì đó chưa bao giờ tồn tại trong tiềm thức. Bà không biết đó là ngày của mình mà chỉ biết ngày này cũng như bao nhiêu ngày bình thường khác. Bà vẫn cặm cụi làm ăn không quản nắng mưa. Vào ngày này, bà vẫn quen với hình ảnh mang cuốc, thuổng ra ngoài đồng để làm việc chứ không dám nghĩ mình sẽ được ai đó tặng hoa một lần.
“Ngày 8/3 thì cũng chỉ nghe nói là ngày dành cho phụ nữ, chứ thực tình tôi cũng không biết cụ thể là ngày gì và cũng chưa bao giờ quan tâm cả. Có khi nó đi qua cũng chẳng biết. Một thân một mình nuôi con không có ai chia sẻ cùng, tiền làm khó khăn lắm mới trang trải cho con ăn học nên chẳng dám nghĩ tới vui vẻ, quà cáp ngày này”, bà Loan nói.
Vào ngày 8/3 cũng như bao ngày đã qua, bà cũng gặp cảnh những người chồng tặng vợ những bó hoa tươi hay những món quà đắt tiền nhưng bà chưa bao giờ dám nghĩ đến những điều xa xỉ như vậy. Có lẽ, với bà sự quan tâm lớn nhất hiện giờ là làm sao kiếm đủ tiền để trang trải cho cuộc sống và nuôi đứa con đang tuổi đi học. Điều đó chính là món quà vô giá dành cho người phụ nữ trạc tuổi ngũ tuần này.