Tôi nhớ phút giây hân hoan nhất của tôi những ngày cuối của đời sinh viên đó là khi thầy dạy tiếng Anh trìu mến bảo: Em cứ về đi, việc đó để thầy lo.
Thời sinh viên, tôi là một trong những sinh viên cần mẫn thi lại môn Tiếng Anh nhất. Thậm chí có kỳ, tôi còn kiên trì ở lại học lại vì lỡ trượt cả hai lần thi.
Mỗi lần thấy tôi bước vào phòng thi vấn đáp là thầy cô lại buông ra một câu nói kèm tiếng thở dài: Lại cậu này rồi. Nhưng có một lần tôi đã khiến tất cả thầy cô có mặt bất ngờ. Lý do không chỉ nằm ở khả năng tiếng Anh xuất thần của tôi mà bởi hôm đó thầy cô mới biết điều kiện gia đình tôi.
Tôi nhớ kỳ đó cô giáo hỏi đại loại bạn đến trường bằng gì? Dĩ nhiên thời đó, với một thằng sinh viên tỉnh lẻ như tôi thì chỉ có đi học bằng xe đạp thôi chứ bằng gì nữa. Nhưng khốn nỗi, đến lúc cao trào, tình huống khẩn cấp thì tôi lại không tài nào nhớ ra từ xe đạp trong tiếng Anh nó phát âm như thế nào. Đổi lại tôi lại nhớ được từ xe hơi trong tiếng Anh chính là từ 'Car'. Vậy là tôi dõng dạc nói: 'I go to school bay car'. Nghe tôi nói xong, tôi thấy ánh mắt các thầy cô nhìn lướt qua một lượt cái thằng ngu tiếng Anh đứng trước mặt tỏ vẻ bất ngờ. Chắc thầy cô chẳng thể nghĩ rằng cái thằng sinh viên ăn mặc nhà quê như tôi lại thuộc thành phần gia đình có điều kiện nên mới đi học bằng xe hơi như thế. Lần đó, tôi qua được vòng thi vấn đáp. Nhưng phần thi viết thì tôi không may mắn vượt qua.
May mắn thay, ngoài tôi ra bạn bè cùng trang lứa cũng có bao nhiêu đứa cùng cảnh ngộ. Nhưng tôi ngu gì nói cho chúng biết mình kỳ thị môn tiếng Anh đến như thế nào. Có lần một thằng hỏi: Trình tiếng Anh của mày đến đâu, tôi tự tin đáp: Thì cũng đủ giao tiếp.
Không ngờ câu chém gió đó báo ứng không lâu sau đó. Lần ấy đám chúng tôi đi du lịch ở Quảng Bình thì một anh chàng Tây lừng lững đi tới, gã liên thiên nói một thứ âm thanh mà thường khiến tôi rùng mình nhớ đến những kỳ thi vấn đáp.
Tôi chẳng rõ hôm đó mình đã nói gì, chỉ nhớ rằng tôi đã trộn lẫn tất cả những từ tiếng Anh mà từ thời cha sinh mẹ đẻ tôi học được đến bây giờ tạo thành một hỗn hợp từ và cứ thế mà xổ ra.
(ảnh minh họa)
Chắc chàng Tây ấy thấy mấy thằng giai bản xứ trông có vẻ tri thức thì cũng biết tiếng Anh nên mới đến cậy nhờ một việc gì rất gấp. Đám bạn dĩ nhiên cũng như tôi ngẩn ra nghe như nồi niêu va nhau. Chợt một thằng đẩy tôi ra khỏi hàng ngũ, vừa đẩy vừa nói: Hôm trước mày vừa nói tiếng Anh của mày đủ để giao tiếp mà, thể hiện đi chứ. Chẳng có cách nào khác, tôi lưỡng lự tiến đến trước mặt gã Tây.
Tôi chẳng rõ hôm đó mình đã nói gì, chỉ nhớ rằng tôi đã trộn lẫn tất cả những từ tiếng Anh mà từ thời cha sinh mẹ đẻ tôi học được đến bây giờ tạo thành một hỗn hợp từ và cứ thế mà xổ ra. Cái thứ âm thanh hổ lốn đó có công thức như sau: 'A ziu rét đi, căm on Việt Nam, Hơm a diu vi dít căn truy'.
Khổ cho gã Tây cứ tròn mắt nhìn, rồi gã cứ liên hồi nói từ gì như là từ What?, với đầy sự ngạc nhiên? Đoạn tôi tiến đến gần gã, đặt tay lên vai vỗ vỗ mấy cái, vừa vỗ vừa bảo: Ô kê, ô kê. Yes…yes. Rồi quay lại vẫy mấy thằng bạn đi theo. Khỏi cần phải miêu tả, đám bạn chúng nó thần tượng tôi kinh khủng. Chúng nó cũng không quên hỏi gã Tây kia nói gì với mày vậy?. “À lão hỏi toa lét ở đâu. Tao bảo cứ nơi nào có lùm cây trông có vẻ kín đáo thì là ở đó? Thế là lão cảm ơn rối rít. Còn bảo tao tiện hôm nào sang nhà lão bên Úc chơi". Cả bọn lại ồ lên thán phục.
Nói chung, giữa thời đại hội nhập không biết tiếng Anh cũng nhục lắm mọi người à. Nhẹ thì khó khăn giao tiếp để mở rộng quan hệ với người nước ngoài, nặng hơn thì cản trợ việc mình tìm hiểu thông tin bốn phương ngập tràn trên mạng Internet. Nhưng chẳng hiểu vì sao, bao lần tôi hạ quyết tâm chinh phục môn tiếng Anh là bấy nhiêu lần thất bại.
Nhưng nghĩ cho cùng, thời bây giờ, thiếu gì người ra ngoài không biết tiếng Anh, ngay cả sinh viên tốt nghiệp loại ưu cũng thế... Thôi cũng tạm an ủi mình như vậy thôi... và có thể, khi nào rảnh rỗi sẽ xin đi học lại...