Qua suối bằng túi bóng: Sao vẫn chưa xây cầu?

Ngày 18/03/2014 00:03 AM (GMT+7)

Tôi ước sao một chiếc cầu kiên cố chịu được cả mưa lũ tại bản Sam Lang xã Nà Hỷ huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên, tôi mong sao cô giáo Tòng Thị Minh sẽ đến được với các em nhỏ mà không phải chui vào bao ni-lông.

Ở chương trình Táo quân Tết vừa qua, tôi cứ nhớ mãi cái đoạn Táo Giao thông hát: “Tôi đã xây xong cầu, tôi đã xây xong cầu, tôi đã xây xong cầu…”. Cứ “Tôi đã xây xong cầu” mãi rồi mới “Cầu, vừa xây xong, cầu, vừa thông xe, tôi đã xây xong cầu”.

Vâng, xây xong cầu rồi, cầu vừa xây xong đã có xe tải đúng ra là bị cấm qua cầu mà húc đổ cả biển treo bảng báo hiệu giao thông ở 1 cầu vượt tại Hà Nội, cầu vừa xây xong mà đã có vết nứt to đùng như ở một cây cầu bắc qua sông Hồng rồi. Hay như cách đây nhiều năm, xong một cây cầu rất to ở Quảng Ninh là có 1 vị làm trong ngành xây dựng phải ra trước tòa, phải đi tù vì cầu xây xong mà “rơi rớt” nhiều quá.

Chuyện cầu còn trở thành tâm điểm khi vừa qua cây câu treo Chu Va đứt, kéo theo đó là nhiều mạng người oan uổng, nhiều người chấn thương nặng. Bà con dân tộc, những đồng bào của chúng ta đã phải luôn sống trong hiểm nguy, trong thiếu thốn.

Giờ không phải chuyện cầu, nhưng cũng là chuyện qua sông, qua suối, hình ảnh những người dân, những em nhỏ ở bản Sam Lang, xã Nà Hỷ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phải qua 1 con suối giữa mùa lũ bằng cách chui vào bao ni-lông quả là chuyện ngoài sức tưởng tượng giữa thế kỉ này. Tôi là một người bố, nhìn cảnh 1 em nhỏ chui vào bao ni-lông, lặn ngầm qua dòng nước xiết, tôi xem mà lạnh người. Nếu đó là con tôi, nếu đó là con bạn, là những ông bố à mẹ, liệu có ai đang sống ở thành phố, ngày ngày đi trên những cây cầu kiên cố, có ai là dám cho con qua suối kiểu “kinh dị” đùa với tính mạng như vậy?

Qua suối bằng túi bóng: Sao vẫn chưa xây cầu? - 1

Chừng nào chưa có một cây cầu tốt, chừng ấy cảnh tượng rùng rợn cho trẻ em vào túi ni-lông vượt suối mùa mưa lũ chắc chưa thể chấm dứt hoàn toàn. (Ảnh internet)

Nhưng rồi, tự hỏi lại, nếu đó là cách để qua sông, thì nào có sự lựa chọn nào khác, khi mùa lũ, ở đây chẳng thể có 1 cây cầu kiên cố nào, do đường xá vị trí quá xa xôi cách trở.

Rồi còn cảnh cô giáo Tòng Thị Minh và một cô giáo đồng nghiệp nữa chui vào túi ni lông để đến điểm trường với các em học sinh nữa. Tôi thầm mến phục cô giáo, phải có tình yêu với nghề, tình yêu với trẻ, đi cùng sự dũng cảm và hi sinh lớn lao thì các cô mới có thể qua suối kiểu này để đến với các em. Một câu nói rất nhẹ nhẹ vượt lên hoàn cảnh khó khăn của cô “chuyện cũng bình thường như cân đường hộp sữa” mà khiến tôi quả là rất xúc động. Thật may mắn khi chúng ta vẫn còn có những cô giáo nhiệt tâm như vậy, và các cô cần phải được trân trọng, cần phải nhận được sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội.

Trách nhiệm ở đây là của ngành giáo dục, hay của ngành giao thông vận tải, tôi nghĩ cả hai. Cuộc sống của người giáo viên ở vùng sâu vùng sa cần phải được cải thiện hơn nữa, cuộc sống của những em nhỏ, những đồng bào vùng sâu vùng xa cần được chăm lo hơn nữa. Người dân, các cô giáo, cần có một con đường, cần có 1 cây cầu, nhỏ thôi cũng được, nhưng kiên cố để không phải tháo cầu ra vào mùa mưa lũ, cần và cần ngay, bởi nguy hiểm vẫn đang kề cận.

Biết là rất khó khăn, bởi 1 trục đường vào bản còn là khó với những nơi xa xôi, nhưng nếu các cơ quan ban ngành, cả cộng đồng cùng chung tay, tôi nghĩ là sẽ làm được. Ở đâu đó, chúng ta bớt đi vài sự lãng phí trong xây dựng cơ bản, ở đâu đó, chúng ta chi tiêu ngân sách, tiền thuế của dân một cách hợp lí thôi, thì chuyện có 1 câu cầu, cũng dễ thôi mà. Và khi đã xây cầu, thì cũng phải làm cho cẩn thận, để tránh 1 thảm họa Chu Va lặp lại. Chúng ta cần rất nhiều câu cầu như thế, ở nơi nào đó, các em học sinh qua sông mà ko phải đu bám nguy hiểm, để ở nơi nào đó cụ thể, các cô giáo không phải chui vào bao ni-lông.

Chừng nào chưa có một cây cầu tốt, chừng ấy cảnh tượng rùng rợn cho trẻ em vào túi ni-lông vượt suối mùa mưa lũ chắc chưa thể chấm dứt hoàn toàn.

Trần Phong
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG