Lúc say sưa bàn chuyện ông ta có hỏi anh tôi: "Mày thế này sao lại cưới một con vừa đen vừa xấu thế?". Anh tôi chỉ cười rồi nói: "Ông chỉ thấy tôi ngày hôm nay, chứ ngày hôm qua ông làm gì mà thấy?".
Mới đây, tâm sự của một thành viên đăng trên diễn đàn NEU Confessions đã thu hút được rất đông sự quan tâm chú ý của cộng đồng mạng. Cô đã kể về câu chuyện của vợ chồng anh trai mình suốt từ những năm hai người học chung một lớp cho đến khi nên duyên vợ chồng, sinh con đẻ cái.
Câu chuyện rất đỗi chân thực và nó thật đến mức ai có lẽ cũng thấy một phần của mình ở trong đó. Sau tất cả những thăng trầm biến cố của cuộc đời, cô đã chiêm nghiệm ra một điều về sự hy sinh của người phụ nữ. Xin được trích nguyên tâm sự: “Thanh xuân với đàn ông là sự nghiệp, thanh xuân của phụ nữ là gì?”
“Người ta thường nói, rất ít mối tình từ thời học sinh có thể đi xa đến hôn nhân. Có thể lên đại học, người ta được tiếp xúc với môi trường mới, hướng họ đến suy nghĩ mới hơn. Cũng có thể là khoảng cách xa xôi làm họ phải mệt mỏi cho việc đợi chờ. Thế mà chị dâu tôi đã vượt qua giới hạn của một người bình thường. Thanh Xuân của chị chính là anh (anh trai tôi).
Anh chị quen nhau từ cấp 3, phòng học kế bên nhau, thế mà đến năm lớp 11 hai người mới chịu quen nhau. Quá trình học tập của anh chị tôi không rõ, chỉ biết gia đình chị nghiêm khắc trong việc anh chị quen nhau nên lúc nào anh chị cũng lén lút qua lại. Anh chị hẹn cùng nhau lên đại học, nhưng rồi chỉ một mình chị đậu, còn anh trượt. Vì học không tốt, lại lười nên chị động viên cách nào anh cũng không chịu ôn thi lại.
Năm 2009, anh quyết định xuất khẩu lao động sang Nhật. Vì gia đình tôi nghèo nên vay mượn khắp nơi mới có tiền cho anh đi. Ngày đi, chị hai hàng rưng rưng, khóc suốt đêm. Phút chia xa cũng hẹn thề ngày đoàn viên, hẹn một ngày cưới cho mai sau.
Ảnh minh họa.
Tôi cứ nghĩ yêu xa thì mối nhân duyên này sẽ vỡ, tôi nghĩ gần đúng khi anh chị đã 2 lần chia tay vì ghen tuông. Nhưng rồi cũng nối lại khi nỗi nhớ nhung lấn át cơn giận dữ.
Sau 3 năm, anh về. Chị là cô giáo năm 3. Họ hẹn nhau vào một ngày năm 2013, đám cưới rộn ràng nhất cái xã nghèo của gia đình có người đi lao động nước ngoài diễn ra. Cữ ngỡ cuộc sống bình yên cứ thế trôi đi...
Năm 2014 anh chị từ Nghệ An ra Hà Nội lập nghiệp. Số tiền anh tích góp được một phần trả nợ, một phần cho bố mẹ và một phần lớn nhất là thuê một mặt bằng nho nhỏ mở quầy hàng lưu niệm từ Nhật gửi về. Chị cũng không làm giáo viên mà phụ chồng bán hàng. Năm đó tôi là một cô sinh viên năm nhất.
Gia đình tôi nghèo nên việc học hành đều một tay chị chăm sóc, chị mua cho tôi một chiếc xe Cup để đi học, hơi xa nhưng đỡ tiền trọ. Năm 2014, anh chị đón thêm thành viên mới là cu Sâu. Anh mừng không thể tả được, còn chị, chị cười trong nước mắt hạnh phúc.
Năm 2015, Sâu tròn 1 tuổi. Năm đó anh vướng vào cá độ bóng đá, đổ bể hết hình tượng anh trai trong lòng tôi. Số nợ 1,7 tỷ đồng với anh chị Hải Phòng khiến anh tôi mất đi 3 ngón tay trái.
Gia đình sợ anh nghĩ quẩn nên bán hết đất đai, chỉ để lại mãnh đất tổ tiên an nghỉ mà thờ phụng hương khói. Còn chị, chị chỉ biết ôm Sâu mà khóc. Tôi bấp bênh giữa việc nghỉ học để về phụ giúp gia đình, bố mẹ từ cảnh có nhà trở nên sống tạm bợ giữa mái trọ lụp xụp.
Chị dâu khuyên tôi rất nhiều, chị bảo tôi cứ việc đi học, nợ nần chị tự lo, không vì thế mà ảnh hưởng đến việc học của tôi. Tôi ở lại Hà Nội học, không còn phụ chị bán đồ lưu niệm nữa. Tôi chuyển sang làm bán thời gian kiếm thêm tiền ở ngoài.
Tháng nào chị cũng gửi ít nhiều để tôi trang trải tiền ăn học. Từ đó, tôi rất ít khi về quê, cứ đến lúc rảnh rỗi thì cố gắng nghĩ cách làm sao kiếm được tiền. Tôi chỉ biết nhiều lúc hai vợ chồng anh chị túng thiếu đến mức phải sang ngoại để có sữa cho Sâu. Bên bố mẹ chị đều là giáo viên nên không dư dả gì nhiều, mỗi lúc càng nghèo hơn vì nuôi thêm cháu.
Tết về gặp chị. Đêm nào 2 chị em cũng tâm sự thật lâu. Chị em ôm nhau mà khóc, tôi thấy tủi thân thay cho chị. Thanh Xuân dành cả cho anh nhưng rồi đổi lại chị được như thế này.
Ngày đó chị thật xinh, dù không giàu có nhưng chưa biết ngày cơ cực. Hôm nay nhìn chị, vừa gầy, vừa đen do pha màu sương gió. Lao động tay chân, giữa cái nắng oi bức cũng không làm chị mệt mỏi. Một mẹ bỉm sữa cũng đã biết bốc gạch, xúc sỏi đá. Chị càng hy sinh bao nhiêu thì liệu có ai đó thấy có lỗi với chị bấy nhiêu không?
Năm 2016 tôi cưới, tôi quen chồng từ năm tôi là sinh viên năm nhất. Năm 3 tôi cưới nhưng vẫn tiếp tục học. Chồng tôi bảo là nhà anh hối cưới, cưới xong tiếp tục học vẫn tốt. Và nếu tôi chịu cưới thì khoản nợ 250 triệu đó chúng tôi có thể lấy tiền cưới mà cho anh chị mượn để trả nốt. Thế là tôi cưới mà không suy nghĩ gì.
Chồng tôi buôn bàn ghế gỗ ở Gia Lai. Thế là anh tôi cũng giúp sức vào Gia Lai tìm mối buôn kẻ bán. Cuối năm 2018, anh chị đã trả hết nợ nần, bắt đầu lại cuộc sống mới.
Tình cờ một hôm bạn làm ăn của chồng và anh về nhà tôi nhâm nhi ly rượu. Lúc say sưa bàn chuyện ông ta có hỏi anh tôi: "Mày thế này sao lại cưới một con vừa đen vừa xấu thế?". Anh tôi chỉ cười rồi nói: "Ông chỉ thấy tôi ngày hôm nay, chứ ngày hôm qua ông làm gì mà thấy?".
Ảnh minh họa.
Chỉ là lời nói thoáng qua trong cuộc vui phút chốc lại khiến tôi thấy kính phục chị nhiều hơn. Nếu đổi lại là tôi thì liệu có còn chờ đến khi anh ở Nhật về không? Hay có bỏ đi khi số nợ anh còn trên tiền tỷ?
Nhưng không, chị ấy đã không rời bỏ anh một phút một giây nào. Chị không trách cứ anh mà động viên anh làm việc để trả nợ. Những tháng ngày ở địa ngục khiến chị mệt mỏi, bào mòn thân xác và tinh thần của chị. Thanh Xuân của chị là anh.
Chị em hay gặp nhau tôi mới hỏi:
- Giờ anh chị làm có tiền rồi sao chị không làm đẹp lên? Giờ có tiền rồi thì khác chứ chị?
Chị chỉ cười rồi đáp:
- Phụ nữ ai chẳng thích làm đẹp. Chị chỉ muốn nhắc nhở anh về những việc chị làm cho anh, cho những năm tháng của chị bên anh không phải hoài phí. Sắp tới chị cũng tính bồi bổ, mua ít mỹ phẩm và kem dưỡng, nhìn chị cũng không giống người cho lắm.
Chị em tôi nhìn nhau cười, bàn chuyện làm đẹp, bàn chuyện về Sâu, bàn chuyện về năm tháng của tuổi trẻ. Có người dành cả Thanh Xuân để yêu, lại có người dùng Thanh Xuân cho việc học, đi làm, nhưng cái gọi là Thanh Xuân của chị tôi lại là ... Anh.
Có thể anh có Thanh Xuân là sự nghiệp, là chơi bời, là vấp ngã rồi lại đứng lên, nhưng đằng sau lưng những thành công hay thất bại của anh đều có bóng dáng của chị. Một con người còn nguyên vẹn xác thịt nhưng vượt qua những thứ bình thường của một người bình thường để tạo nên một thứ phi thường nhất : Sự hi sinh.”