Trả thù mẹ chồng

Ngày 02/07/2013 06:59 AM (GMT+7)

Không ít người vẫn mang nặng những chuyện không vui trong quá khứ để dằn vặt người khác và làm khổ bản thân.

Lâu ngày gặp lại, thấy Huyền bước xuống từ chiếc xe đời mới sang trọng, các bạn trong lớp tôi ai cũng tấm tắc khen cô bạn “có mắt nhìn xa trông rộng” khi kiên quyết yêu và lấy Tính dù gia đình ra sức ngăn cản. Bây giờ, họ rất giàu và thoạt trông có vẻ rất hạnh phúc. Tôi nói “thoạt trông” bởi trong lời nói, ánh mắt của Huyền vẫn có điều gì đó không vui. 

Cho mọi người... sáng mắt

Ngày xưa, Huyền vốn là hoa khôi của trường, biết bao người theo đuổi tán tỉnh nhưng Huyền lại chọn Tính, chàng sinh viên nghèo học cùng khóa. Ngày ngày, người ta thấy Tính đạp chiếc xe cọc cạch đến trường, hết giờ học lại tất tả đi dạy kèm. Huyền kể nhà Tính ở một tỉnh miền Trung rất nghèo lại có đến 10 anh chị em. Rồi chuyện gia đình Huyền phản đối cô yêu Tính cũng được bạn bè bàn tán, thêu dệt. Mọi người còn đồn rằng lần Huyền đưa người yêu về ra mắt, ba cô đã nói như tạt nước vô mặt: “Bác không ưa những kẻ thấy nhà người ta khá giả thì bu vào, càng không gả con cho mấy thằng nghèo rớt mồng tơi”. Tính cúi gầm mặt lí nhí: “Dạ, cháu biết rồi...”.

Không biết có phải vì bị xúc phạm nặng nề như vậy hay không mà Tính quyết chí vươn lên. Vốn cần cù, chịu thương chịu khó, anh đi làm, dành dụm tiền bạc rồi mở công ty riêng. Có của ăn, của để, anh và Huyền tổ chức đám cưới thật linh đình. Sau đám cưới ít lâu gặp lại, tôi hỏi: “Chắc bây giờ ông già đã vui vẻ chấp nhận con rể giỏi giang phải không?”. Huyền cười buồn: “Ba má thì khỏi phải nói rồi, chỉ có chồng mình là vẫn để bụng chuyện hồi trước. Vợ chồng vui vẻ thì thôi chứ có chuyện buồn phiền thì anh ấy lại lôi chuyện cũ ra để nặng nhẹ ba má mình. Tết nhất, giỗ quảy đã chẳng thèm về lại còn nói những câu rất khó nghe. Thú thật, mỗi lần như vậy, mình nản lắm và không biết có thể sống với nhau bao lâu nữa...”.

Trả thù mẹ chồng - 1

Tự mang chuyện quá khứ để dằn vặt bản thân (Ảnh minh họa)

“Trả thù” mẹ chồng

Còn hoàn cảnh của cô Sáu, bạn của mẹ chồng tôi, cũng thật đáng thương. Thấy con trai tôi ôm cổ hôn bà nội, cô trầm trồ: “Nhìn cảnh gia đình chị thuận hòa, bà cháu quấn quýt mà tôi phát thèm”. Tôi ngạc nhiên: “Sao vậy cô, con thấy gia đình cô cũng đầm ấm lắm. Thằng cháu nội của cô kháu khỉnh quá mà?”. “Mẹ nó không cho nó đến gần bà, cháu ạ” - cô Sáu kể.

Con trai cô Sáu là tài xế xe tải đường dài. Mấy năm trước, anh quen một cô gái ở Bến Tre và giục ba mẹ đi cưới. Rủi sao trước ngày đi coi mắt con dâu tương lai, cô Sáu bị trượt chân té nên không đi được. Mọi người đi về khen cô gái lanh lợi, tháo vát nên cô Sáu cũng đồng ý. Ngày đám hỏi, khi vừa trông thấy con dâu, cô Sáu tá hỏa: Thì ra cô con dâu có đôi gò má rất cao mà theo cô Sáu, những người như vậy sẽ ăn hiếp chồng. Đám hỏi xong, cô lần lữa mãi không chọn ngày đám cưới, sau đó định bỏ luôn. Anh con trai hết năn nỉ lại làm eo khiến cuối cùng cô Sáu phải chấp nhận.

Cô con dâu biết chuyện nên để bụng. Vừa cưới xong, cô nằng nặc đòi ra riêng. Rồi vợ chồng họ sinh được thằng con trai bụ bẫm, con dâu cô Sáu không cho mẹ chồng bế mà lúc nào cũng giữ rịt con bên mình. Riết rồi, khi đã biết đi, thấy bà nội qua, thằng nhỏ chạy trốn. Bao nhiêu quần áo, bánh kẹo của bà nội mua, nàng dâu đều mang đi cho hết. “Nhiều khi tôi cũng muốn nói chuyện với nó để mẹ con giải tỏa nhưng nghĩ lại thấy nó nhỏ mà cư xử thế thì mình cũng chẳng hạ mình làm gì” - cô Sáu nói trong bực tức.

Theo Ngân Hà (Người lao động)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình