Những người có ý thức thấp về giá trị nội tại dễ bị ảnh hưởng bởi người khác ở nơi làm việc, để người khác xâm phạm quyền và lợi ích của mình, tự xóa đi mọi ranh giới, điểm mấu chốt.
Ý nghĩa khác của việc bị người khác lừa dối là gì? Ở nơi làm việc, nó chính là việc bị tẩy não; trong xã hội, nó gọi là bị lừa và trong các mối quan hệ tình cảm, nó được gọi là bị thao túng.
Vậy đâu là những kiểu người dễ bị lừa nhất trong giao tiếp xã hội?
1. Người dễ bị lừa ở nơi làm việc: Thiếu kinh nghiệm và ý thức thấp về giá trị nội tại
Với một người bình thường, khi cấp trên “vẽ” ra một chiếc bánh lớn, họ sẽ không quá nghiêm túc và chờ mong ngày mai chiếc bánh đó sẽ thành ngay hiện thực. Họ tập trung vào làm tốt phần việc của mình, tìm hiểu xem đâu là phần bản thân có thể phát triển thêm nữa.
Nhưng những người thiếu kinh nghiệm lại nghĩ khác. Họ hừng hừng khí thế, cho rằng cấp trên đã nói như vậy, nhất định bản thân sẽ được thăng chức và tăng lương.
Kết quả là họ từ bỏ thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho gia đình và thời gian cho chính mình, dồn hết năng lượng, nhiệt huyết và thời gian của mình vào công việc. Những người này rất mong muốn nhận được sự chấp thuận từ sếp của họ. Chỉ cần sếp nói một lời, đề ra một nhiệm vụ là họ sẽ bằng mọi cách để hoàn thành.
Kết quả là gì? Họ là người đóng góp nhiều nhất nhưng anh rể, chị dâu của sếp được thăng chức, tăng lương. Người duy nhất không được tăng lương trong nhiều năm chính là họ.
Mỗi người đều biết bản thân mình là ai, vị trí đứng ở đâu và có thể làm tốt, chưa tốt điều gì. Sự nghiệp với mỗi người đều rất quan trọng nhưng nó không phải là cả cuộc sống này.
Những người có ý thức cao về giá trị nội tại có thể tìm được nghề nghiệp mà họ đam mê và gắn bó với nó, cân bằng với các phương diện khác của cuộc sống. Trong khi đó, những người có ý thức thấp về giá trị nội tại dễ bị ảnh hưởng bởi người khác ở nơi làm việc, để người khác xâm phạm quyền và lợi ích của mình, tự xóa đi mọi ranh giới, điểm mấu chốt.
2. Người dễ bị lừa trong xã hội: Năng lực có hạn nhưng tham vọng quá lớn
Có những người dù năng lực có hạn nhưng lại ôm trong mình tham vọng vô biên. Họ nóng lòng muốn thành công như người khác, thấy ai đó làm tốt dễ nảy sinh cảm giác ghen tị. Họ không thể chấp nhận cuộc sống không tốt trong hiện tại của mình, bất chấp để tìm cách thoát ra. Không thể chấp nhận sự tầm thường của bản thân, họ nghĩ “chắc chắn mình phải kiếm được nhiều tiền”.
Sự thật là, những người như vậy chắc chắn sẽ bị lừa. Nếu có cơ hội, họ chỉ thích cuộc sống dễ dàng, không làm mà vẫn có ăn. Và muốn nắm bắt cơ hội, họ chọn cách đi đường tắt.
Bạn đã bao giờ nghe câu nói này chưa? “Những người “dạy bạn làm giàu” chỉ muốn kiếm tiền từ chính bạn”. Còn việc bạn có làm được hay không, có áp dụng được gì từ những lớp học làm giàu này hay không thì không liên quan gì đến họ. Dù sao thì lợi ích của họ cũng đã đạt được.
3. Người dễ bị lừa dối trong các mối quan hệ: Thiếu tình yêu trong lòng, luôn khao khát sự ấm áp
Người thiếu tình yêu thương trong lòng sẽ không ngừng nghỉ, suốt cuộc đời đi kiếm tìm tình yêu. Họ tìm kiếm sự xác nhận, khen ngợi, đánh giá cao và chấp thuận từ thế giới bên ngoài. Họ tìm kiếm cảm giác thân thuộc, mong gặp được một người tri kỷ hiểu mình.
Thế nhưng, đi loanh quanh khắp chốn, họ vẫn không có được tình yêu bao bọc như mình mong muốn. Họ rất dễ bị xúc động. Một chút ân cần, một chút quan tâm, một chút hứa hẹn từ người khác cũng có thể khiến họ mắc bẫy. Người như vậy quá dễ để tin tưởng người khác và quá dễ bị lay động.
Bất kể là đàn ông hay phụ nữ, khi trong lòng họ thiếu đi cảm giác an toàn thì sẽ rất dễ bị lừa. Gốc rễ của tất cả những điều này là họ thấy mình không nhận được đủ tình yêu thương, sự chăm sóc và đồng hành từ những ngày tháng còn nhỏ.
Có một câu nói rằng: “Người may mắn dùng tuổi thơ để hàn gắn vết thương cho cuộc đời; người không may mắn dành cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ của mình”. Điều ước của bạn lúc 6 tuổi sẽ vẫn tồn tại trong tiềm thức khi bạn 60 tuổi.
4. Những người không có quan điểm độc lập, luôn làm theo những gì người khác nói rất dễ bị lừa
Những người này có đặc điểm là rất thích đọc, thích nghe những chuyện đồn thổi thay vì tìm hiểu thực hư. Chỉ một thông tin hoặc câu nói từ ai đó, họ có thể nhanh chóng thay đổi suy nghĩ bên trong mình. Họ không biết những gì đến tai mình đã là một phiên bản được chuyển thể nhiều lần. Người không có quan điểm và phán đoán độc lập luôn nghe theo tin đồn và rất dễ trở thành mục tiêu để người khác lừa dối.
Muốn tránh bị người khác lừa, bạn phải có hai khả năng, thứ nhất là có ý chí đủ mạnh mẽ; thứ hai là có khả năng phán đoán đủ mạnh mẽ. Đừng tham lam những thứ không thuộc về mình; luôn cảnh giác với chiếc bánh từ trên trời rơi xuống và đừng tùy tiện truyền bá những thông tin không chắc chắn.