Bỏ nhau xong, con cái chia, nhà cũng chia, nhưng giường lại... chung. Thế nên có cặp đã ly hôn mà vẫn kịp có thêm... thằng cu.
Ăn riêng nhưng ngủ chung
Khi hai vợ chồng Huệ và Phú ly dị thì tài sản chung lớn nhất là ngôi nhà trong một con ngõ nhỏ ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) được tòa xử chia đôi. Huệ không có tiền trả cho Phú để lấy nốt nửa ngôi nhà và ngược lại, Phú cũng không chịu trả tiền cho Huệ để mẹ con cô dọn ra ngoài sống. Thế là Huệ và con trai ở tầng trên, Phú tầng dưới.
Chính vì sự chung đụng này mà dù đã ly dị nhưng Huệ vẫn không “thoát” được ông chồng cũ vốn tính cục cằn, thô lỗ. Bạn bè Huệ đến chơi, Phú gằm ghè như muốn đuổi khách về. Người đàn ông nào đến gần Huệ cũng đều bị anh ta tìm cách “dằn mặt”, thậm chí còn ngang ngược tuyên bố thẳng thừng “tránh xa vợ tao ra”.
Bị kìm kẹp như Huệ còn chưa đáng sợ bằng cảnh đã ly dị vẫn phải “chiều” chồng cũ chuyện chăn gối như Duyên (Hà Đông, Hà Nội). Cũng vì không có tiền, con lại quá nhỏ nên Duyên phải ở chung nhà với chồng cũ sau ly hôn. Hai người việc ai nấy làm, cơm ai nấy nấu nhưng thỉnh thoảng vẫn... ngủ chung giường.
Chồng cũ của Duyên, hễ khi nào có nhu cầu tình dục là lại mò sang phòng Duyên bắt cô đáp ứng dù cô có đồng ý hay không. “Chống cự lại anh ta thì sức mình không chống nổi, còn hô hoán lên thì càng thêm xấu hổ với hàng xóm”, Duyên phân trần.
Dù đã đưa nhau ra tòa ly dị nhưng vẫn sống chung dưới một mái nhà, dẫn đến không ít tình huống bi hài
Nhờ ở chung mà 'gương vỡ lại lành'
Bên cạnh những chuyện buồn như của Duyên hay Huệ, cũng có những cặp vì vẫn sống chung nhà sau khi ly dị nên lại có cơ hội tái hợp. Chuyện của vợ chồng Thục - Hưng (Từ Liêm, Hà Nội) đến giờ vẫn được bạn bè nhắc đến như một giai thoại.
Họ lôi nhau ra tòa dù chẳng có lý do gì to tát, chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày, cứ tích tiểu thành đại, lại thêm cả hai đều có “cục tự ái” to tướng. Lúc đầu Hưng dọn ra ngoài ở, nhường ngôi nhà cho vợ cũ và con. Sau một thời gian, do việc làm ăn gặp khó khăn, anh đề nghị vợ cũ cho về ở “ké” vài tháng trên gác xép. Cô con gái đang học lớp 8 đồng ý ngay nên Thục cũng không thể từ chối. Cô nghĩ “cho lão ấy ở nhờ vài tháng cũng chẳng sao”.
Buổi tối mẹ con Thục ăn riêng nhưng buổi trưa khi Thục không về nhà, con gái lại mời bố ăn cùng. Có bữa hai mẹ con đang ngồi ăn thì Hưng về, cô con gái đon đả nhiệt tình mời bố ngồi vào mâm. Rồi một buổi tối, cô con gái đi học thêm về muộn, đang lúc Thục ngồi ăn cơm một mình thì Hưng về. Anh nói trống không: “Còn cơm không cho xin một bát”. Thấy Thục im lặng, Hưng “đánh liều” ngồi xuống ăn cùng.
Trong bữa ăn dù hai người không ai nói chuyện với ai nhưng cả hai đều cảm thấy có điều gì đó “rất lạ”. Không chỉ Thục mà cả Hưng cũng cảm thấy dường như họ đang... yêu trở lại. Kết quả là hôm ấy, cô con gái trở về nhà “bắt quả tang” bố mẹ đang… đắp chung chăn trên giường. Rồi sau khi sinh thêm được thằng cu, vợ chồng Thục lại đưa nhau ra phường “tái” đăng ký kết hôn. Đến giờ Thục vẫn đùa: “Tài sản chung lớn nhất của chúng tôi là... hai tờ giấy kết hôn”.
Theo các chuyên gia tâm lý Thu Hiền, Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ, bà từng gặp vài trường hợp như vậy, và những cặp tái hợp kiểu này sẽ có cuộc sống hạnh phúc hòa hợp, bền vững. Điều đó chứng tỏ họ đúng là sinh ra đmột cặp dành cho nhau.
Còn đối với trường hợp như của Duyên và Huệ, khi người chồng đã ly hôn nhưng vẫn tiếp tục can thiệp vào cuộc sống riêng của vợ cũ, nếu không tự giải quyết được, người phụ nữ có thể nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Đặc biệt như trường hợp của Duyên, người chồng cũ còn cưỡng ép đòi quan hệ tình dục, Duyên hoàn toàn có thể tố cáo anh ta với tội danh cưỡng hiếp. Tuy nhiên, theo bà Thu Hiền, nhiều phụ nữ vì e ngại, xấu hổ nên khi bị chồng cũ “ép tình” kiểu này thì thường im lặng cho qua chứ ít khi muốn làm mọi chuyện ầm ĩ. "Vì thế nếu đã ly hôn, đã cắt đứt hết mọi tình cảm thì hai người nên cố gắng sống tách biệt để tránh những va chạm, phiền phức đến cuộc sống riêng của nhau", chuyên gia Thu Hiền nói.