Chồng tôi là một phóng viên, tôi vẫn luôn hạnh phúc khi có anh dù rằng nhiều lúc vấn đề tài chính của gia đình tôi cũng hơi eo hẹp.
Ngày anh làm quen tôi, anh xách theo một chiếc máy ảnh to vật vã. Anh chụp ảnh rất đẹp, ăn nói lại rất có duyên, với rất nhiều những câu chuyện hay ho đầy trải nghiệm, phong cách của anh lại rất “ngầu” nên chẳng mấy mà tôi yêu anh và đồng ý làm vợ anh. Là người làm báo, làm nghề phóng viên, anh sống cũng rất lãng mạn.
Cuộc sống gia đình tôi trước đây cũng khá đầy đủ. Anh làm việc chăm chỉ, ngoài lương, nhuận bút, còn cộng tác thêm với một vài báo khác nên cũng rất ổn. Ngoài ra, khi cưới rồi tôi mới biết các nhà báo cũng hay được mời đi sự kiện, mỗi sự kiện ra mắt sản phẩm, các event, ngoài thông cáo báo chí còn thường kèm theo một cái phong bì với chút tiền nho nhỏ, cũng là một khoản thu nhập thêm. Anh thường giữ số tiền đó để tiêu vặt, còn lương, nhuận bút thì đưa hết cho vợ.
Thỉnh thoảng lại có những doanh nghiệp mời anh đến thăm quan, chụp ảnh, viết bài về họ, viết bài quảng bá giúp họ, mỗi lần như thế cũng được khá nhiều tiền. Rồi có những khu resort, nhà hàng mới khai trương, những show ca nhạc nghệ thuật tổ chức họp báo rồi tặng vé mời, những lần đó anh thường đưa tôi đi. Anh làm báo, quen hệ rộng, nên có những việc rất dễ dàng giải quyết, thời buổi này, quen hệ cũng rất quan trọng. Làm vợ một nhà báo cũng khá là thú vị.
Thỉnh thoảng lại có những doanh nghiệp mời anh đến thăm quan, chụp ảnh, viết bài về họ, (ảnh minh họa)
Kinh tế khó khăn cũng là lúc vợ chồng tôi có con. Sinh còn ra, tiền bỉm, tiền sữa, rồi các loại khoản chi tiêu khác của một gia đình: tiền ăn, tiền điện, tiền nước…và đủ thứ khoản khác. Ngay như tôi, cơ quan cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương và thu nhập của tôi giảm đi rất nhiều. Chồng tôi bảo: “Khó khăn chung mà em, giờ lĩnh vực nào cũng khó khăn, trong đó có cả báo chí bọn anh nữa”. Tôi rất thông cảm và chia sẻ với chồng tôi.
Chồng tôi vẫn rất đam mê, nhiệt huyết với nghề, nhưng thu nhập giảm cùng với việc mọi thứ chi phí thì vẫn phải cần đến tiền khiến cuộc sống gia đình tôi lắm lúc cũng eo hẹp. Bắt đầu là những tạp chí giảm nhuận bút, rồi thậm chí đình bản do doanh thu từ quảng cáo sụt giảm. Các công ty, các hãng kinh doanh đều khó khăn nên thu hẹp quảng cáo, và các sự kiện của các doanh nghiệp cũng ít dần đi. Trước đây cứ thấy anh chạy show họp báo liên tục thì giờ cả tháng chỉ một đôi lần.
Toàn soạn của anh cũng rất khó khăn, bắt đầu cắt giảm nhuận bút. Rồi sau đó, nhuận bút cứ bị trả chậm, trước đây cứ hết tháng là sang đầu tháng sau có, nhưng giờ đến 2 tháng, rồi đến 3 tháng sau mới có, khiến anh và các đồng nghiệp cứ phải chờ đợi mòn mỏi. Rồi giờ đến cả chậm lương, lương của tháng 8 thì đến tháng 10, tháng 11 mới có. Cuộc sống của những nhà báo, phóng viên như anh bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cuộc sống của những nhà báo, phóng viên như anh bị ảnh hưởng rất nhiều.
(ảnh minh họa)
Tôi cũng biết, nhiều phóng viên có nhiều cách để từ việc làm báo có thể kiếm ra tiền, nhưng anh nói, mình là nhà báo chân chính, mình không làm những điều đó. Anh không “ăn tiền” mà nhiều lần viết bài đấu tranh vạch mặt những cái xấu. Anh không nhận hối lộ để bẻ cong ngòi bút của mình, anh nói với tôi rằng anh phải sống, làm việc để con mình có thể tự hào về bố nó, rằng anh là người làm báo có đóng góp cho xã hội. Chồng tôi cũng chỉ giỏi làm báo, viết báo, anh lại không giỏi về kinh doanh nên cũng không thể xoay qua làm nghề khác. Khi cuộc sống khó khăn, những nhà báo, phóng viên với công việc vất vả như nhiều ngành nghề khác mà thu nhập thực sự cũng chẳng phải là cao. Tôi vẫn rất yêu chồng mình.
Hôm nay, đến ngày phải đóng tiền học cho con, tôi nói với chồng. Chồng tôi bảo “nhưng mà anh vẫn chưa có nhuận bút”, rồi nói thêm vài lời nữa, tôi và chồng lại đâm cãi cọ, giận dỗi nhau, thật là buồn.
Tôi thấy có lần anh viết trên facebook là: “Tòa soạn trả lương, trả nhuận bút đúng hạn cũng là một cách giữ gìn hạnh phúc gia đình”, tôi thấy rất nhiều người bạn làm báo của anh vào nhấn like. Tôi thấy quả thật điều này cũng rất đúng.