Không chỉ tìm hiểu về giá trị truyền thống của dân tộc mà sinh viên theo đuổi ngành học liên quan đến lịch sử có thể kiếm được nguồn thu nhập ổn định lên đến 8 con số ngay khi vừa tốt nghiệp.
Nếu có niềm đam mê mãnh liệt với lịch sử, sinh viên có thể theo đuổi ngành Lịch sử học, Văn hoá học hay Việt Nam học để nghiên cứu chuyên sâu về các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống. Sinh viên theo học các ngành này sẽ được trang bị kiến thức chi tiết về những giai đoạn lịch sử quan trọng, từ thời kỳ cổ đại đến hiện đại, khám phá các nền văn minh và những thay đổi về kinh tế, văn hoá xã hội.
Từng được đánh giá là những ngành học khô khan, kén người học nhưng những năm gần đây, những ngành liên quan đến lịch sử bỗng HOT trở lại khi được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Minh chứng là điểm chuẩn của các ngành học liên quan đến lịch sử tăng theo từng năm, thậm chí một số ngành ở các trường ĐH có điểm chuẩn cao ngất ngưởng, 9 điểm/môn vẫn không đỗ...
Một yếu tố khác thu hút sinh viên đăng ký học những ngành liên quan đến lịch sử vì nhu cầu của xã hội đang ngày một cao. Sau khi ra trường, thậm chí còn đang là sinh viên, nếu nắm bắt cơ hội cũng có thể giúp sinh viên có thu nhập tốt, không sợ thất nghiệp, thiếu việc làm. Dưới đây là 5 nghề đang cực khát nhân lực trong thời đại mới, sinh viên theo học những ngành liên quan đến lịch sử đều có thể ứng tuyển với chế độ đãi ngộ cao, mức thu nhập hấp dẫn.
Quản lý bảo tàng, di sản văn hoá
Trên thực tế, công việc quản lý bảo tàng, di sản tài nguyên văn hoá không hàn lâm, nhàm chán như mọi người thường nghĩ. Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ, việc quản lý di sản văn hoá đang được đổi mới từng ngày, khi sử dụng linh hoạt các công cụ và kỹ năng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.
Khi còn ngồi trên giảng đường, sinh viên được đào tạo về cách quản lý và vận hành các bảo tàng, bao gồm kế hoạch hóa, quản lý ngân sách, triển khai các chương trình và sự kiện và quản lý nhân sự. Từ đó, có thể dễ dàng áp dụng vào lĩnh vực quản lý bảo tàng và các di sản văn hoá của nhân loại.
Ngoài ra, sinh viên có thể trở thành những chuyên viên lưu trữ với nhiệm vụ tổ chức, phát triển và duy trì bộ sưu tập các đồ dùng mang tính nghệ thuật, văn hóa, khoa học và có ý nghĩa lịch sử tại bảo tàng.
Làm việc tại các bảo tàng, bạn sẽ có thu nhập ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp và làm đúng với đam mê của mình.
Nhà khảo cổ
Khảo cổ ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho sinh viên yêu thích lịch sử, không chỉ bởi khả năng kết nối quá khứ với hiện tại mà còn vì con đường sự nghiệp đầy tiềm năng. Nếu bạn đang tìm kiếm một lĩnh vực vừa thỏa mãn đam mê khám phá, vừa mang lại thu nhập ổn định, nghề khảo cổ chính là một lựa chọn đáng để suy ngẫm và cân nhắc.
Sinh viên có cơ hội tham gia vào các cuộc khai quật, tìm kiếm và bảo tồn hiện vật, những điều này không chỉ cung cấp kiến thức thực tiễn mà còn tạo động lực lớn cho sự nghiệp sau này. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự quan tâm ngày càng lớn đến văn hóa, khảo cổ mở ra nhiều cơ hội việc làm phong phú. Bạn có thể làm việc tại các bảo tàng, tổ chức nghiên cứu, hoặc các cơ quan bảo tồn di sản văn hóa. Hiện nay, ở Việt Nam mức thu nhập cho những vị trí này thường khá hấp dẫn, đi kèm với cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Còn tại Mỹ, các nhà khảo cổ có thể kiếm tiền tỷ mỗi năm nếu tìm ra những di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử.
Với lĩnh vực khảo cổ, ở Việt Nam khá ít người theo lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu bạn có niềm đam mê và sở thích đặc biệt với nó, hoàn toàn có thể tham gia vào công cuộc khai phá, tìm kiếm những di vật, cổ vật lịch sử, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống.
Giảng viên, giáo viên lịch sử
Sau khi tốt nghiệp ngành Lịch sử học, Văn hoá học, Việt Nam học sinh viên có thể tiếp tục trau dồi thêm kiến thức, chinh phục học vị cao hơn với bậc thạc sĩ, tiến sĩ và trở thành giáo viên, giảng viên dạy các môn học có liên quan đến những trang sử hào hùng của dân tộc.
Mức thu nhập của giáo viên, giảng viên môn Lịch sử có thể lên đến 10-15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, để hoạt động trong môi trường giáo dục, sau khi tốt nghiệp đại học chính quy, sinh viên cần trang bị kỹ năng, nghiệp vụ giảng dạy. Bên cạnh đó, sinh viên phải nâng cao khả năng giao tiếp và áp dụng nhiều phương thức giảng dạy mới mẻ để truyền tải kiến thức của môn học được đánh giá khô khan thuần về số liệu, dữ liệu này để tiếp cận dễ dàng hơn với thế hệ trẻ.
Biên tập viên, phóng viên
Đối với sinh viên theo học các ngành như Lịch sử học, Văn hoá học, Việt Nam học sau khi tốt nghiệp có thể trở thành biên tập viên, phóng viên làm việc tại các toà soạn, đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản. Bạn có thể phụ trách các chuyên đề liên quan đến yếu tố văn hoá truyền thống, tín ngưỡng, các lễ hội…
Hiện nay, với nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng, các chương trình nghệ thuật được chú trọng phát triển. Do đó, để sản xuất chương trình liên quan đến lĩnh vực này rất cần nhân sự có kinh nghiệm, vững kiến thức chuyên môn, được đào tạo chính chuyên để đảm đương trọng trách lên kịch bản, rà soát độ chính xác của thông tin và biên tập nội dung một cách hoàn hảo.
Tuy nhiên, đối với biên tập viên, sinh viên cần trau dồi kỹ năng viết lách, sắp xếp, lập luận thông tin có logic và trí tưởng tượng phong phú. Còn khi theo đuổi nghề phóng viên, sinh viên cần biết cách khai thác thông tin từ các nhân vật, diễn đạt văn chương truyền cảm và mang đến thông tin chuẩn xác đến độc giả.
Mức thu nhập trung bình của biên tập viên, phóng viên hiện tại dao động từ 12 - 20 triệu đồng, tuỳ theo năng lực và khả năng của mỗi người có thể lên đến 30 - 50 triệu đồng/tháng. Nhìn chung đây là công việc ổn định, phù hợp với các sinh viên đam mê văn hoá, lịch sử và có thể tận dụng kiến thức đã học vào trong thực tiễn.
Hướng dẫn viên du lịch
Tuy không phải theo học ngành Du lịch nhưng với kiến thức sâu rộng về lịch sử dân tộc, tìm hiểu và nghiên cứu về những trận chiến hào hùng, chắc chắn sinh viên theo đuổi ngành học về lịch sử có thể trở thành một hướng dẫn viên hay thuyết minh viên tại các điểm đến.
Việc cung cấp thông tin thú vị, giải mã những bí ẩn của các câu chuyện trong trang sử hay kể về những cột mốc lẫy lừng trong các thời đại vua chúa phong kiến… sẽ giúp hướng dẫn viên kết nối với du khách, làm chuyến đi của họ thêm phần hào hứng và ý nghĩa.
Tùy thuộc vào khả năng dẫn dắt và kinh nghiệm hoạt động mà mà mức thu nhập của các hướng dẫn viên du lịch cũng sẽ khác nhau. Hướng dẫn viên nội địa sẽ có mức thu nhập dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng cộng với tiền thưởng của du khách. Nếu sinh viên trang bị thêm khả năng ngoại ngữ mức thu nhập này sẽ cao hơn gấp nhiều lần.
Bên cạnh đó, một số điểm đến du lịch có tuyển dụng sinh viên làm việc bán thời gian nên từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên có thể tận dụng cơ hội để cọ xát, thử sức thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch tham quan tại các bảo tàng, khu di tích lịch sử…