Bộ GD&ĐT yêu cầu thu hồi sách 'đi trên thủy tinh'

Ngày 26/08/2015 13:55 PM (GMT+7)

Dù bài học 'Vượt qua nỗi sợ' không còn sử dụng trong cuốn sách tái bản năm 2015 nhưng trên thị trường vẫn còn tồn tại cuốn sách được xuất bản năm 2014, gây bức xúc trong dư luận.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tiếp tục có công văn gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc xử lý sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được công văn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) báo cáo về nội dung liên quan đến bài học Vượt qua nỗi sợ (trang 77). Cuốn sách có sử dụng mẩu chuyện minh họa Bạn An dũng cảm để dạy học sinh tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thảm thủy tinh của tác giả Phan Quốc Việt do NXBGDVN phát hành.

Bộ GDamp;ĐT yêu cầu thu hồi sách đi trên thủy tinh - 1

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thu hồi sách.

Theo giải trình của NXB GDVN, cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2014 và thuộc loại sách tham khảo, không phải là sách giáo khoa trong hệ thống giáo dục phổ thông. Cuốn sách này đã được chỉnh lý và không còn sử dụng nội dung mẩu chuyện như đã nêu trên trong lần tái bản năm 2015.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn còn tồn tại cuốn sách được xuất bản năm 2014, gây bức xúc trong dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu NXBGDVN khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các công việc như sau:

Chỉ đạo tổ chức việc thu hồi cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” có tựa đề bài học Vượt qua nỗi sợ xuất bản năm 2014.

Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tập thể có liên quan trong việc liên kết xuất bản cuốn sách trên và xử lý theo thẩm quyền của NXBGDVN;

Rà soát lại các quy định, quy trình về liên kết xuất bản sách với các tác giả để bảo đảm sự chặt chẽ, tránh sai sót trong công tác biên tập, xuất bản loại sách này.

Báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Bộ trước ngày 5/9.

Bộ GDamp;ĐT yêu cầu thu hồi sách đi trên thủy tinh - 2

Trước đó, cuốn sách dạy trẻ dũng cảm bằng bài học 'giẫm lên thảm thủy tinh' gây xôn xao dư luận. Theo tác giả, mảnh thủy tinh phải có diện tích tối thiểu 3cm2 (khoảng bằng hộp bao diêm), độ dày của đống thủy tinh tối thiểu 5cm. Như vậy, đi trên thủy tinh sẽ an toàn và đôi khi còn êm hơn đi trên sỏi.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, có nhiều ví dụ gần gũi với trẻ con hơn là việc giẫm thủy tinh, ví dụ như dạy trẻ dũng cảm thừa nhận lỗi sai... Vấn đề ở đây không phải là bài học có hại hay không mà đã phù hợp hay chưa? Người dũng cảm không phải làm việc nguy hiểm mà biết thừa nhận mình đã làm sai.

Với một đứa trẻ, sau bài học dũng cảm đi qua thảm thủy tinh, các em sẽ tự hiểu là thủy tinh không hề nguy hiểm, là thứ vô hại. Thế nhưng với sự sáng tạo không giới hạn và hay làm theo bản năng, thích khám phá, nghịch ngợm của trẻ thì ngoài việc đi trên thủy tinh, chúng có thể cầm mảnh thủy tinh cứa vào tay chân để trải nghiệm. Rõ ràng, bài học này phù hợp với người lớn hơn là trẻ lớp 1.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự