Hơn một thập kỷ trước, trường học tư thục Riverdale ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ đã tổ chức cho học sinh đi chân trần trên than nóng và thủy tinh vỡ để rèn luyện sự tự tin.
Theo ban lãnh đạo trường Riverdale, những thách thức này được đưa ra trong trại hè hằng năm của nhà trường, là bài luyện tập quan trọng mà sẽ giúp cho một đứa trẻ mạnh mẽ và quyết đoán.
“Chúng tôi yêu cầu học sinh phải đi bộ với đôi chân trần trên than hồng và trên những mảnh thủy tinh vỡ vì nó dạy cho các em cách đối phó với nỗi sợ hãi cũng như tìm ra những cách thức mới để vượt qua nó”, Kalpesh Patel, đại diện nhà trường nói với AFP.
“Tôi nghĩ không có gì gây sốc trong việc này, đó chỉ như là một bài tập thể dục để tăng cường niềm tin của một đứa trẻ”, ông Patel chia sẻ với The Times of Indian.
Ông nói thêm: “Mọi người đều bị sốc khi đến xem lần đầu. Mọi chuyện có vẻ nguy hiểm nhưng thực sự không phải vậy và cũng không có phụ huynh nào phản đối. Hoạt động đã được phép của các bậc phụ huynh”.
Đi chân trần trên thủy tinh vỡ được xem là một cách rèn luyện sự tự tin
Theo ông Patel, trong trại hè diễn ra vào năm 2010, đã có 80 trẻ từ 9 tới 14 tuổi đi chân trần trên than nóng và 110 học sinh khác đi qua thủy tinh vỡ. Các buổi luyện tập không gây thương tích cho bất kỳ ai.
Những hình ảnh của hoạt động này cũng đã được phát trên các kênh truyền hình Ấn Độ vào thời điểm đó.
“Ban đầu những đứa trẻ suy nghĩ trong đầu là bất đắt dĩ phải thực hiện, nhưng sau đó, chúng toát lên sự tự tin”, ông Patel mô tả.
Trong khi đó, Phòng giáo dục huyện Zanzrukia đã ra lệnh điều tra sự việc. Các phụ huynh và học sinh tham gia trại hè đã phải tập trung tại trường để hỗ trợ cho nhà chức trách.
“Điều này vi phạm trắng trợn các quyền của trẻ em. Đây là hành động tra tấn thể xác của một đứa trẻ”, ủy viên Hội đồng lao động SA Trivedi lên án.
Cán bộ điều tra huyện AJ Shah nói: “Làm sao bạn có thể áp dụng một phương pháp như vậy để xây dựng sự tự tin ở trẻ nhỏ? Đã có rất nhiều phương pháp quản lý trong hệ thống giáo dục để xây dựng sự tự tin”.
Rupin Pacchigar, Chủ tịch Hệ thống giáo dục Nagar Prathmik Shikshan Samiti của tập đoàn SMC, đang quản lý 360 trường tiểu học, cho biết: “Việc này rất vô lý. Hoạt động chỉ có thể gây hại cho những đứa trẻ”.
Từ đó đến nay, trên website của trường Riverdale cũng như một số trang tin của Ấn Độ không còn nhắc tới hoạt động trên.