Anh NĐN băn khoăn trên một diễn đàn mạng:“Thằng cu nhà mình học Anh Văn nay là bốn năm rồi. Hai năm nay chuyển qua học trung tâm VM, vẫn lên lớp đều. Nhưng mình kiểm tra thì thấy không ổn".
Anh N tâm sự: "Cuối lớp Young 2 vừa rồi nó thi viết được 6, nghe nói được 7,5. Nhưng mình kiểm tra lại trình độ ở bài đầu tiên của Young 1, mỗi đoạn văn chừng 5 câu thì mỗi câu nó không hiểu chừng 1-2 từ. Nên cả đoạn văn ấy coi như hỏng.
Thứ 2 là điểm Anh văn ở trường nó rất thấp, thấp hơn cả điểm của trung tâm.
(Ảnh minh họa)
Mình theo dõi thì thấy nó đối phó bằng cách suy đoán khi làm bài tập.
Dĩ nhiên nó ko thích Anh văn và Anh văn cũng ko thích nó.Giờ không cho học nữa thì tiếc. Mà cho nó học thì tiếc thời gian của nó. Nhưng nếu cứ đi học mà lên lớp vẫn lên, sức học vẫn thế này thì căng.
Bạn mình bảo cứ để nó học thế, lớn tính sau, vì nó không có môi trường giao tiếp nên thiếu động lực. Nhưng mình thấy thế thì tốn kém và nguy hiểm quá!
Nên cho nó học lên Young 3 và trong quá trình đó bắt học lại từ vựng khi gặp những từ nó không hiểu. Hay bắt quay lại học lớp trình độ thấp hơn nhỉ? Nếu bắt quay lại thì nó vừa nản lại vừa chủ quan vì nó đã học qua lớp ấy rồi!
Nên thế nào đây, mọi người cho ý kiến với!”.
Ngay lập tức, ý kiến của anh nhận được rất nhiều lời chia sẻ của bạn bè. Nhiều người cũng cùng tâm trạng với anh khi đã cho con học hết các trung tâm anh ngữ “xịn” mà khả năng tiếng Anh của con vẫn không khấm khá gì. Theo đó, con họ cũng học ở những trung tâm có giáo viên bản ngữ, cũng có giao tiếp nhưng rồi “tiền vẫn tốn mà trình độ tiếng Anh thì chẳng thấy đâu”.
Bên cạnh việc “than thở”, băn khoăn, nhiều bạn bè của anh N cũng chia sẻ kinh nghiệm theo ba hướng.
Thứ nhất, là cứ cho con học tiếp, con tiếp thu được bao nhiêu thì tiếp thu. Ngoài ra, ba mẹ cần quan tâm, củng cố cho con thêm phần từ vụng và tìm môi trường cho con có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh để tăng khả năng nghe nói.
Thứ hai, cần nhất là cho con môi trường. Ngôn ngữ học là cần phải có khiếu và đam mê, nếu chỉ học vì tương lai tươi sáng thì chả có ích gì cả, quan trọng là phải có môi trường để các con cảm thấy mình sử dụng được tiếng Anh, mình yêu tiếng Anh. Những ý kiến này đề nghị anh N nên cho con dừng học tiếng Anh. Tìm cách để con hiểu rằng tiếng Anh là cần thiết, bên cạnh đó là nắm bắt tâm lý hiện tại của con, khi đi học trung tâm thấy thế nào, làm thế nào để con thích thú hơn rồi hãy nghĩ tiếp đến chọn trường. Phải có đam mê, niềm yêu thích mới tiếp tục được.
Một ý kiến khác nêu: “Cháu còn đi học thì cứ cho học bình thường, nếu cháu không thích thì đừng ép, không nhất thiết phải học ở trung tâm. Theo tớ thì ngoại ngữ là môn học của năng khiếu, đam mê hoặc thật sự siêng năng, nếu bây giờ bạn thật sự muốn con bạn học ngoại ngữ thì hãy nghĩ cách cho cháu thích trước đã, nếu không được thì chỉ yêu cầu cháu hoàn thành chương trình trong trường phổ thông là được rồi, từ từ tính tiếp”.
Thứ ba, hãy cho con phương pháp học tiếng Anh rồi mới học tiếng Anh. Theo đó, nhóm ý kiến này đã hiến kế cho “khổ chủ” một số phương pháp cho con tiếp cận tiến Anh. Đó là, cứ cho con xem phim không phụ đề. Con xem mãi khắc hiểu, hoặc đọc sách tiếng Anh hẳn, không phải sách song ngữ. Nếu con thích hát thì cho con nghe bài hát tiếng Anh vì thuộc bài hát tiếng Anh thì sẽ dễ thuộc từ vựng hơn. Từ đó, dần dần bé sẽ yêu thích tiếng Anh rồi mới nghĩ đến việc học tiếng Anh!