“Nhà văn Andersen kính mến! Nếu được gặp ông trước đêm ông đặt bút viết nên câu chuyện kể về cháu, cháu đã xin ông đừng tạo nên một nhân vật đáng thương đến vậy”.
Đó là đoạn trích trong bức thư đạt giải nhất cuộc thi UPU lần thứ 44 năm 2015 với chủ đề “Hãy viết một bức thư viết về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó” do Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức.
Chủ nhân bức thư đoạt giải nhất cuộc thi UPU lần thứ 44: Trương Hải Nam học sinh lớp 8B, trường THCS Lê Hữu Lập, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)
Vượt qua hơn 929 nghìn bài dự thi cuộc thi viết thư quốc tế (UPU) lần thứ 44, cậu học trò Trương Hải Nam học sinh lớp 8B, trường THCS Lê Hữu Lập, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã vinh dự dành giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 năm 2015 với bức thư “Gửi nhà văn Andersen”.
Lấy ý tưởng từ bài học và thương hoàn cảnh của nhân vật cô bé bán diêm trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Andersen, Nam đã lựa chọn làm chủ đề của bức thư và hóa thân, nhập vai thành cô bé bán diêm nghèo khổ phải dò dẫm lê bước trên tuyết giữa mùa đông lạnh giá của đêm giáng sinh, nơi nhà nhà, người người quay quần bên nhau cầu mong những điều tốt lành nhất, em lại cô độc giữa mùa đông để đi bán diêm và chết cóng trong đêm.
Theo Nam chia sẻ, em không tin vào tai mình nữa khi nhận được tin mình nhận được giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế, khi em viết bức thư này em đã hoàn thành trong vòng một tuần lễ và phải nháp đi nháp lại 3 lần để được một bài hoàn chỉnh trước khi nộp lên nhà trường để dự thi, trước khi viết em có đọc và tham khảo các bài đã đoạt giải trước đó để học hỏi cách viết, triển khai các ý tưởng với 3 phần chính, phần 1 giới thiệu hoàn cảnh, cuộc đời của cô bé bán diêm, phần 2 nói về khoảng cách của con người trong cùng một xã hội có sự phân biệt nhau, phần 3 hình ảnh chiếc xe viễn thông với mong muốn sẽ mang bức thư của mình đến được với Andersen.
Bức thư của Trương Hải Nam được giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44.
Xứ sở Tình Thương, ngày 15 tháng 02 năm 2015.
Nhà văn Andersen kính mến!
Ông còn nhớ cháu chứ? Cháu là “Cô bé bán diêm” trong truyện ngắn cùng tên của ông đây ạ, cô bé nghèo khổ phải dò dẫm lê bước trên tuyết giữa mùa đông lạnh giá và từ giã cuộc sống trong một đêm Giáng Sinh - đêm mà ai cũng đều cầu chúc những điều tốt lành.
Nếu được gặp ông trước đêm ông đặt bút viết nên câu chuyện kể về cháu, cháu đã xin ông đừng tạo nên một nhân vật đáng thương đến vậy. Cháu muốn được lớn lên trong một thế giới đẹp đẽ hơn, sống một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng ngặt nỗi số phận và chính ông đã chẳng cho cháu có quyền được lựa chọn.
Cháu đã phải sống trong cảnh mồ côi mẹ, không lâu sau đó người bà thân thương nhất cũng qua đời; gia sản tiêu tán bởi người cha nghiện ngập, suốt ngày đánh đập, hành hạ con gái, nhất là khi cả ngày cháu chẳng bán được bao diêm nào.
Không chỉ nuôi ước mơ về một gia đình hạnh phúc, cháu còn muốn được đi học, được vui chơi như biết bao bạn bè cùng trang lứa, không phải mang bên mình chiếc túi đầy những bao diêm và canh cánh nỗi lo rằng sẽ không bán hết, bị mắng, bị chửi, bị đánh đập…
Cháu buồn và tủi thân lắm ông ạ! Giá như năm ấy, ông tặng cho cháu một mái ấm trọn vẹn, một cuộc sống đầy đủ để cháu được học, được đến trường cùng bạn bè thì hay biết mấy!
Bức thư đoạt giải UPU lần thứ 44
Thực lòng, thế giới cháu luôn mơ về trong những đêm say giấc không hẳn là một thế giới hiện đại, văn minh bậc nhất, cháu chỉ cần một cuộc sống mà ở đó con người chẳng bao giờ phải đối mặt với chiến tranh, hận thù, bệnh tật, đói nghèo, tệ nạn xã hội…
Chính người bà mà cháu yêu quý đã rời xa cháu vĩnh viễn chỉ vì bệnh tật và nghèo khổ đấy ông ạ! Những cánh chim bồ câu trắng khẽ bay lượn trên bầu trời trong lành, thoáng đãng, chẳng chút bụi bặm, ô nhiễm, bên dưới là mái nhà có dây thường xuân bao quanh, có tiếng mẹ, tiếng cha ấm áp, dịu dàng… Đó mới là một cuộc sống mà cháu hằng mong ước, ông có biết?
Điều mà cháu tiếc nhất ở câu chuyện của ông đó là giữa những con người còn có một khoảng cách vô hình tồn tại, ngăn cản sự chan hòa của tình thương. Ông cũng biết đấy, trông thấy một bé gái nhỏ lạnh co vì rét giữa đêm giao thừa giá buốt chào diêm mà chẳng ai dừng lại mua giúp lấy một bao. Để rồi khi cô bé ấy “nắm tay bà bay lên”, bay về một thế giới khác, người ta cũng chẳng buồn quan tâm, họa chăng chỉ là đôi lời bàn tán để thỏa mãn cho sự hiếu kỳ của họ.
Ông ơi! trước khi chết vì cái đói, cái rét, cô bé kia đã chết vì chính sự lạnh lùng vô cảm, tàn nhẫn và ích kỷ của người đời. Càng ngẫm nghĩ, cháu lại càng thấm thía câu nói, tuy đơn giản ngắn gọn nhưng lại vô cùng ý nghĩa của Loilla Cather: “Nơi nào có tình thương yêu thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu”.
Giá như con người biết quan tâm đến nhau nhiều hơn thì có lẽ điều kỳ diệu đã xảy ra và cháu đã chẳng về với Thượng đế. Tình thương, sự sẻ chia, giúp đỡ đồng loại, chỉ mơ ước nhỏ bé ấy thôi mà chẳng ai giúp cháu, giúp những em bé có hoàn cảnh như cháu thực hiện được ông nhỉ?
Ông ơi! Chắc hẳn ông ngạc nhiên lắm! Cô bé của ông ngoan ngoãn ngày nào nay lại viết thư để phiền trách ông với lý do ông chưa cho nó được một cuộc sống như nó vẫn mơ ước. Không đâu ông, cháu hiểu vì nỗi lòng trăn trở, lo lắng cho những số phận trẻ em bất hạnh trên khắp thế giới nên ông mới viết nên một câu chuyện buồn như thế. Ông viết nó bằng cả tâm huyết của mình với hi vọng có thể thức tỉnh được trái tim vô cảm của một số con người, để chúng cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phải rồi ông ơi, từ ngày “Cô bé bán diêm” được xuất bản và phát hành ở nhiều nước trên thế giới, có rất nhiều fan hâm mộ viết thư cho cháu. Bức thư gần nhất mà cháu nhận được là những dòng tâm sự đầy cảm xúc của một cậu bé giấu tên đến từ Việt Nam. Trong thư, cậu có nhắc đến một cuộc thi với chủ đề rất hay: “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó”.
Vậy là cháu quyết định viết và gửi thư cho ông với mong muốn qua nhưng chuyến xe bưu chính UPU, lá thư này sẽ đến được tay ông, giúp ông hiểu được nhiều hơn những ước mơ, hoài bão của cháu cũng như bao trái tim bé bỏng khác về một thế giới mà mọi đứa trẻ đều muốn lớn lên và phát triển ở đó.
Ông ơi! Hi vọng ông sẽ nhớ về cháu, về truyện ngắn mang tên đứa bé này hơn 166 năm về trước. Luôn ấp ủ một niềm tin là ông vẫn khỏe mạnh, luôn ấp ủ một tình yêu đối với Andersen của cháu! Chúc ông một buổi tối thật nhiều niềm vui!
Cô bé bán diêm.
Qua bức thư Nam cũng muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh “ hãy luôn yêu thương con trẻ nhiều hơn, đừng vì phút lầm lỡ của cá nhân mà làm khổ gia đình con cái”
Sau này Nam mong muốn sẻ là một luật sư để có thể đòi lại sự công bằng cho xã hội, không để nó đã từng xảy ra như cô bé bán diêm, một xã hội hòa bình tất cả mọi người được sống như nhau.
Khi được biết môn học yêu thích nhất của em và đã từng đạt nhiều giải cấp huyện và dự định của em sang năm 2016 em sẽ tiếp tục tham gia viết thư quốc tế lần tiếp theo.
Theo cô Trần Thị Nguyệt giáo viên chủ nhiệm và là giáo viên dạy văn em Nam cho biết “Đây là lần thứ 2 em tham gia viết thư quốc tế trước đây em đã từng viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 nhưng do viết quá dài nên bài dự thi bị loại”.
Đánh giá về tính cách của Nam cô Nguyệt cho biết nam là học sinh ngoan, hiền lành nhưng nhút nhát, ít nói, được bàn bè thầy cô trong trường quý mến.
Được biết ngày 9-5, em Nam cùng gia đình, nhà trường sẽ đến Hải Dương để nhận trao giải thưởng viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 và những bức thư được giải sẽ được dịch ra tiếng Anh, Pháp gửi đi nước ngoài dự thi.