Nhiều trường điểm với tiêu chí đầu vào khá khắt khe đang rất lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường tiểu học tự ra đề cho học sinh cuối cấp làm cơ sở xét tuyển vào lớp 6.
Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giao quyền cho các trường tiểu học tự ra đề kiểm tra cuối kỳ (trước đây Phòng GD-ĐT ra đề) cùng với việc cấm thi tuyển vào lớp 6 khiến nhiều trường THCS tại TP HCM lâu nay dùng điểm số này làm cơ sở xét tuyển vào lớp 6 lo ngại chất lượng học sinh (HS) không như mong đợi.
Lo ngại chất lượng
Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) lâu nay vốn được xem là trường điểm và xây dựng chất lượng theo mô hình tiên tiến của quận với tiêu chí đầu vào khá khắt khe khi tuyển HS đúng tuyến và trái tuyến. Trường nhận những HS đã hoàn thành chương trình lớp 5 của phường Bến Thành nhưng kèm thêm tiêu chuẩn điểm kiểm tra cuối học kỳ II lớp 5 của 2 môn toán và tiếng Việt từ 19 điểm trở lên và 5 năm liền phải là HS giỏi.
Đối với HS trái tuyến muốn vào trường phải đạt 20 điểm và 5 năm liền là HS giỏi. Bà Hoàng Thị Lê An, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, bày tỏ lo ngại chất lượng của trường khó đạt được vì theo thông tư này, đối tượng HS sẽ cào bằng.
Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TP HCM) trong giờ học
Tại quận 5, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn hằng năm dành 50% tuyển sinh HS quận 5, 50% còn lại là HS trái tuyến nhưng yêu cầu cũng phải đạt 20 điểm 2 môn toán, tiếng Việt và 5 năm tiểu học là HS giỏi. HS Trường Tiểu học Minh Đạo hoàn thành chương trình lớp 5 theo phân tuyến sẽ vào 2 trường THCS Mạch Kiếm Hùng và Hồng Bàng. Tuy nhiên, vẫn căn cứ vào điểm kiểm tra cuối học kỳ II lớp 5 để xét chọn. Nếu đạt 18-19 điểm thì trúng tuyển vào Trường THCS Hồng Bàng và dưới điểm này thì vào trường còn lại.
Tương tự, đầu vào lớp 6 cũng tương đối khó đối với một số trường khác ở các quận như Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3)… Các trường cho biết đang chờ kế hoạch tuyển sinh cụ thể và ý kiến của UBND cùng Phòng GD-ĐT quận.
“Trường tự ra đề, học sinh dễ đạt điểm cao”
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết quy định của Thông tư 30 là giao quyền cho hiệu trưởng các trường tiểu học chỉ đạo ra đề kiểm tra, đánh giá HS cuối học kỳ nhưng có cơ chế đặc thù riêng cho từng địa phương hay không thì vẫn phải chờ ý kiến. Tuy nhiên, nếu có một đề kiểm tra chung do phòng GD-ĐT hoặc sở ra thì sẽ có khung điểm đánh giá chất lượng chung, khách quan, rõ ràng, không cào bằng, từ đó dễ dàng định hướng học tập trong chương trình lớp 6.
“Không phải không tin các trường tiểu học nhưng nếu để họ tự ra đề, lo ngại thầy cô vì thương học trò mà ra đề tương đối dễ, HS nào cũng 20 điểm. Giáo viên đang dần quen với Thông tư 30 trong việc thay đổi cho điểm bằng nhận xét nhưng Bộ GD-ĐT nên căn cứ vào đặc thù từng tỉnh, thành để hạn chế bớt những bất cập” - bà Thu đề xuất.
Bà Hoàng Thị Lê An cho rằng nếu năng lực của HS thật sự không đúng 20 điểm mà thầy cô vì thương mà nâng đỡ thì sẽ gây khó khăn cho HS khi vào lớp 6 - các em sẽ không theo kịp các bạn được đánh giá đúng thực chất. Vì thế, đánh giá trung thực, xứng đáng với năng lực HS chính là tạo ra môi trường học tập tốt nhất mà ở đó các em phát huy được hết năng lực của mình.
Trong khi đó, theo một hiệu trưởng trường THCS, nếu vẫn giữ quy định của Thông tư 30 thì nên cho các trường kèm thêm yêu cầu tuyển sinh trong trường hợp nhiều HS đạt điểm số cao so với chỉ tiêu tuyển sinh. Chẳng hạn như có thể kèm thêm các tiêu chí như HS tham gia và có thành tích trong các kỳ thi HS giỏi, Hội khỏe Phù Đổng, tham gia các phong trào tập thể…
Cần tin vào đánh giá ở bậc tiểu học Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Long Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, cho rằng nếu không tin vào các trường tiểu học thì giáo dục rơi vào tình trạng thiếu niềm tin triền miên. “Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học là các em đã có nền tảng cơ bản, hoàn toàn có khả năng học chương trình lớp 6. Chúng ta đã tiến hành phổ cập THCS thì cớ gì cấp tiểu học còn phải thi cử nữa” - ông Sơn nói. |