Từng có điểm tiếng Anh "đội sổ" hồi học lớp 8, chỉ trong vòng 6 tháng sau, Nguyễn Trung Đức (29 tuổi, ở Hà Nội) đã thay đổi ngoạn mục và dần dần yêu thích tiếng Anh hơn. Đến nay, anh đã 2 lần đạt điểm IELTS 9.0.
Vốn không có năng khiếu học tiếng Anh và từng có điểm số "đổi sổ" của lớp, đến nay, sau nhiều năm ôn luyện, Trung Đức đã 2 đạt được số điểm IELTS cao nhất. Đức nhìn nhận, lộ trình học tiếng Anh của bản thân diễn ra tự nhiên. "Chỉ trong vòng 6 tháng sau những lần bị "đội sổ", mình đã thực sự nghiêm túc và muốn cải thiện điểm, dần dần yêu thích tiếng Anh hơn", Đức nói.
Sau một thời gian dài học chuyên Anh và đi du học, Đức thi IELTS lần đầu tiên cũng chỉ đạt 6.5 và thực sự không tin vào bản thân khi nhận điểm. "Lúc đó, mình không hài lòng với điểm số và đăng ký thi lại ngay sau đó 1 tháng, điểm cũng chỉ dừng lại ở mức 7.0".
Lúc này, Đức mới nhận ra rằng, vấn đề đang nằm ở chính cách anh tiếp cận bài thi. Vì vậy, chàng trai đã dành thêm thời gian luyện phát âm, trả lời câu hỏi sao cho logic và gãy gọn.
Sáu tháng sau đó, Đức liên tục trau dồi thêm về mặt ý tưởng và cách khai triển ý tưởng sao cho logic và dễ hiểu nhất, thay vì nhồi nhét từ vựng. Trong lần thi tiếp theo, Đức đã vượt lên 8.5 kỹ năng Speaking từ điểm số 7.0 của lần thi trước.
Từng có điểm tiếng Anh "đội sổ" hồi học lớp 8, chỉ trong vòng 6 tháng sau, Nguyễn Trung Đức đã thay đổi ngoạn mục và dần dần yêu thích tiếng Anh hơn.
Suốt thời gian khổ luyện thi IELTS, Đức đã viết gần 200 đề cho kỹ năng Writing. "Thời gian học kỹ năng viết làm mình khá ám ảnh vì phải viết bài và sửa bài liên tục. Năm 2020, khi mình đạt 8.5 IELTS lần đầu tiên, Writing chỉ đạt 7.0, trong khi các kỹ năng khác đều ở mức 8.5 - 9.0. Thế nhưng thay vì bỏ cuộc với kỹ năng này, mình liên tục viết bài bởi “trăm hay không bằng tay quen”, Đức nói.
Theo Đức, viết bài là cách có thể làm quen với các câu hỏi khác nhau, mở rộng vốn ý tưởng, và quen với các từ vựng được sử dụng xuyên suốt các chủ đề. Mỗi lần được chỉ ra lỗi sai và chấm chữa bài, Đức đều viết lại một cách cẩn trọng để tự khắc phục, rút kinh nghiệm cho bản thân trong các lần sau.
Sau nhiều lần thi IELTS, Đức quan niệm, thất bại không phải là sự kết thúc. Thất bại là cơ hội để mình nhìn nhận lại những điểm còn chưa hoàn hảo của bản thân, để tiếp tục cải thiện và cố gắng. Việc bạn có thể tự vực dậy được sau thất bại hay không còn tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận và khắc phục nó.
"Thay vì đổ lỗi cho ngoại cảnh, mình sẽ nhìn nhận bản thân và khắc phục các vấn đề còn tồn đọng của bản thân trước. Sau đó, mình mới xem xét các yếu tố ngoại cảnh và thay đổi nếu có thể, bởi khi không thay đổi được ngoại cảnh thì mình lại quay về thay đổi bản thân cho phù hợp", Đức nhìn nhận.
Trung Đức làm diễn giả cho nhiều chương trình của các đại học và trường cấp 3 ở Hà Nội.
Theo Đức, bản chất việc học tiếng Anh là để phục vụ các mục đích khác nhau của người học. Phần lớn hiện nay mọi người dùng tiếng Anh như công cụ để tiếp cận giáo dục và tương lai họ sẽ sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật. Vì vậy, những bài thi để kiểm chứng khả năng này luôn được đề cao (IELTS, TOEFL, và SAT) và là kim chỉ nam với các bạn học sinh, phụ huynh khi nhắc tới việc học tiếng Anh.
"Điều này thực sự không xấu, nhưng các bạn học sinh và phụ huynh nên hiểu theo hướng, đây là bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh và để đạt điểm cao thì phải có kiến thức tiếng Anh trước đã, sau đó mới tới việc am hiểu bài thi. Vì vậy, mình thường khuyên các bạn học viên và phụ huynh tập trung vào việc trau dồi và củng cố nền tảng tiếng Anh nói chung trước, rồi mới tới học để luyện thi. Chỉ khi nào kiến thức này được phổ biến và học sinh cũng như phụ huynh ý thức được điều này thì các chứng chỉ như IELTS mới không bị “thần thánh hóa”, Đức cho hay.
Đức đang học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong tương lai, anh định hướng sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về ngoại ngữ và truyền cảm hứng tới nhiều học sinh, sinh viên trong việc học tiếng Anh.