Đây là ngành học được đánh giá vô cùng triển vọng trong thời đại công nghệ 4.0, mức lương thuộc top cao, sinh viên ra trường không lo thất nghiệp trong 10 năm tới.
Ngành học triển vọng trong 10 năm tới nhưng ít người biết đến
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các định chế tài chính ngày càng phụ thuộc vào công nghệ để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Bởi lẽ đó, ngành Công nghệ tài chính với khả năng hỗ trợ các tổ chức tài chính cải tiến quy trình làm việc, tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, giảm thiểu sai sót do con người gây ra dần trở thành một trong những ngành học HOT, rất cần thiết đối với các ngân hàng và hệ thống quản trị các doanh nghiệp.
Theo đó, ngành Công nghệ tài chính là sự kết hợp giữa tài chính (finance) và công nghệ (technology) mang đến những cải tiến đột phá cho các hoạt động tài chính truyền thống. Ngành này ứng dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và công nghệ chuỗi khối để nâng cao hiệu quả cũng như trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Ngành Công nghệ tài chính là sự kết hợp giữa tài chính (finance) và công nghệ (technology) mang đến những cải tiến đột phá cho các hoạt động tài chính truyền thống
Theo các chuyên gia, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) hiện nay có sự tăng trưởng đáng kể cả về chất lượng và số lượng lao động. Tuy nhiên, nhu cầu về nhân lực vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của ngành.
Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực chuyên ngành Công nghệ Tài chính được dự đoán sẽ gia tăng 8-9% đến năm 2030. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này được xem là nhiệm vụ cấp bách không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực mà còn giải quyết được nhiều bài toán trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Tùng Lâm - Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, hiện nay nhu cầu về nhân lực công nghệ tài chính đối với thị trường lao động là rất lớn, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố lớn. Mặt khác, trước những hệ quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự thay đổi, phát triển tri thức, nghiệp vụ và công nghệ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng được dự đoán sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục.
Để theo đuổi ngành học này, sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kỹ năng ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề tài chính trong thực tiễn. Xây dựng, phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ, kiến tạo những mô hình kinh doanh đột phá trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Để nâng cao chất lượng đầu ra, người học còn cần có khả năng thiết kế, tổ chức cơ sở dữ liệu theo chuẩn quốc tế, sử dụng tốt các công cụ phân tích dữ liệu và viết code cơ bản để xử lý các mô hình dự báo cũng như kỹ năng hình ảnh hóa để chuyển hóa dữ liệu thành đồ họa. Có kỹ năng phân tích sắc bén, khả năng thu thập, tổ chức, phân tích và phổ biến lượng lớn thông tin một cách chi tiết, chính xác nhất.
Hiện nay nhu cầu về nhân lực công nghệ tài chính đối với thị trường lao động là rất lớn
Không chỉ bồi dưỡng kiến thức cơ bản, sinh viên ngành Công nghệ Tài chính còn cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm, biết cách vận dụng kiến thức vào các bài toán thực tiễn để nhận diện, sơ đồ hóa, phân tích và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề trong lĩnh vực tài chính.
Cơ hội việc làm rộng mở, mức lương hấp dẫn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Xuân Anh - Trưởng khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng chia sẻ, cơ hội việc làm của sinh viên chuyên ngành Công nghệ Tài chính sau khi tốt nghiệp vô cùng rộng mở và nhiều triển vọng. Các bạn có thể đảm nhận đa dạng vị trí tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp hoặc các tổ chức trong, ngoài nước. Cụ thể như chuyên viên phân tích, Chuyên viên chuyển đổi số, Chuyên viên quản trị, Chuyên viên quản lý Công nghệ tài chính, Chuyên viên nghiên cứu phát triển, Chuyên viên kinh doanh, hay thậm chí hoàn toàn có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech.
Không những vậy, đây cũng là ngành đang được cho có mức lương khá cao. Theo báo cáo Vietnam IT Market Report - Developers Recruitment State 2022 của TopDev, mức lương ngành công nghệ tài chính đang đứng trong top 3 các ngành về công nghệ, dao động từ 1.000$ - 3.500$/tháng (khoảng trên 23 triệu đồng đến hơn 80 triệu đồng) tùy vị trí và kinh nghiệm. Còn qua các khảo sát thống kê sơ bộ, các cá nhân làm việc trong ngành công nghệ tài chính có thu nhập khá hấp dẫn, khoảng từ 1.000 - 1.500 USD (khoảng 25 – 37 triệu đồng) nếu nắm rõ các kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực công nghệ, tài chính.
Ngành Công nghệ tài chính tại Đại học Kinh tế Quốc dân có mức điểm trúng tuyển là 26,96 điểm
Hiện nay, tại Việt Nam có một số trường đào tạo chuyên sâu về ngành Công nghệ tài chính, gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; Học viện Ngân hàng; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; Đại học Kinh tế Tài chính HCM; Đại học Ngân hàng TPHCM; Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM), Đại học Công thương TP.HCM...
Theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngành Công nghệ tài chính tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân có mức điểm trúng tuyển là 26,96 điểm. Tại trường Học viên ngân hàng, điểm trúng tuyển là 26 điểm. Trong khi đó, tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông có mức điểm chuẩn "dễ thở" hơn là 25,61 điểm.
Khu vực phía Nam, trường Đại học Kinh tế Tài chính HCM ngành Công nghệ tài chính có mức điểm trúng tuyển là 16 điểm, nhưng phải đạt 25,43 điểm mới có thể trúng tuyển tại trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) cũng có mức điểm trúng tuyển không hề thấp là 24,4 điểm. Hay trường Đại học Công thương TP.HCM điểm chuẩn cũng ở mức 20,75 điểm.