Sau trận chung kết đầy kịch tính, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024 tiết lộ lựa chọn theo đuổi lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong 5 năm trở lại đây với cơ hội việc làm rộng mở, không lo thất nghiệp cùng mức thu nhập mỗi tháng lên đến 9 con số.
Lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong thời đại 4.0
Sau khi chinh phục thành công chiếc vòng nguyệt quế danh giá, thí sinh Võ Quang Phú Đức (trường THPT Chuyên Quốc học Huế) mong muốn trở thành lập trình viên máy tính để đóng góp cho xã hội và sự phát triển công nghệ ở Việt Nam. Lập trình - một trong những lĩnh vực được xem là “vua của mọi nghề" khi nhu cầu tìm kiếm nguồn lao động chất lượng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, đứng trước những thời cơ và thách thức của công nghệ 4.0, lập trình viên đóng vai trò quan trọng để con người dễ dàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và hạn chế những rủi ro do nó mang lại.
Lập trình viên là người thiết kế, phát triển và bảo trì các phần mềm, ứng dụng hoặc hệ thống máy tính. Khi đó, người hoạt động trong lĩnh vực này sẽ sử dụng các ngôn ngữ lập trình như: Python, Java, hoặc C++ để viết mã nguồn nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Công việc của lập trình viên bao gồm việc phân tích yêu cầu, thiết kế cấu trúc chương trình, viết mã, thử nghiệm và sửa lỗi để đảm bảo phần mềm hoạt động chính xác và bảo vệ sự an toàn cho hệ thống, dữ liệu.
Hiện nay, các lập trình viên có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục… từ phát triển ứng dụng di động, phát triển và duy trì website đến trí tuệ nhân tạo.
Vai trò của lập trình viên ngày càng quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, hầu hết các ngành, nghề đều ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh.
Để trở thành lập trình viên chuyên nghiệp, sinh viên có thể theo đuổi các chuyên ngành như: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật phần mềm…
Năm 2024, trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) có mức điểm chuẩn dao động 26,87 - 27,8 điểm cho các ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính với các tổ hợp xét tuyển A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Lý - Anh) và D01 (Toán - Văn - Anh).
Học viện Bưu chính viễn thông (cơ sở Hà Nội) xét tuyển hai khối thi A00 và A01, mức điểm chuẩn của ngành Công nghệ thông tin cán mốc 26,59 điểm, ngành Khoa học máy tính 26,55 điểm. Còn ở phía Nam, điểm chuẩn sẽ thấp hơn, dao động từ 23,23 - 25,17 điểm.
Trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) - cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành công nghệ, kỹ thuật, máy tính hàng đầu ở khu vực phía Nam có điểm chuẩn cao ngất ngưởng. Ngoài tổ hợp A00, A01, D01 trường còn mở chỉ tiêu ở các tổ hợp D06 (Toán - Văn - tiếng Nhật), D07 (Toán - Hoá - Anh). Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin năm 2024 cán mốc 27,1 điểm, ngành Khoa học máy tính điểm chuẩn 27,3 điểm và ngành Khoa học dữ liệu có mức điểm xét tuyển 27,5 điểm.
Nhìn chung, để trở thành lập trình viên, thời điểm còn trên ghế nhà trường học sinh đã phải xác định rõ mục tiêu, tập trung ôn luyện cho kỳ thi THPTQG hoặc kỳ thi Đánh giá năng lực của các trường. Vì ngành, nghề này có mức điểm chuẩn cao, trung bình thí sinh cần 8-9 điểm/môn để đỗ xét tuyển.
Cơ hội việc làm rộng mở ở đa lĩnh vực, kiếm tiền tỷ mỗi năm không khó!
Nhu cầu tuyển dụng người lao động có kỹ năng lập trình ngày càng tăng, không chỉ lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, mà còn ở nhiều ngành nghề khác nhau như: y tế, giáo dục, tài chính, thương mại điện tử và các ngành công nghiệp khác. Vì thế, cơ hội việc làm của lập trình viên rất rộng mở, dễ dàng kiếm việc sau khi tốt nghiệp.
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên (Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết mức thu nhập của những người đam mê lập trình có thể đạt con số khủng: “Mức lương lập trình viên ở Việt Nam tùy thuộc vào từng vị trí. Thông thường, các đơn vị thường đưa ra mức lương sinh viên ra trường đạt được cao nhất. Có thể đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng nhưng có trường hợp đạt được 40 - 50 triệu đồng/tháng. Tùy vào đơn vị và trình độ của sinh viên. Làm việc tại các công ty nước ngoài các em có thể thỏa thuận về lương nếu có nền tảng tốt kiến thức và ngoại ngữ”.
Lĩnh vực này có mức thu nhập cao nhưng đổi lại áp lực về khối lượng công việc, kiến thức về các ngôn ngữ lập trình là điều mà sinh viên nên cân nhắc trước khi chinh phục con đường trở thành lập trình viên.
Nguồn thu nhập của lập trình viên còn dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng. Nếu muốn cải thiện thu nhập, lập trình viên có thể chuyển sang các lĩnh vực như: Quản lý dự án, giám sát, đào tạo lập trình viên mới… Từ đó, mức thu nhập của lập trình viên có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trước khi trở thành lập trình viên, sinh viên cần phải đầu tư về kiến thức chuyên môn, học về cơ sở dữ liệu, phần mềm và các ngôn ngữ máy tính. Sinh viên có thể gắn liền với code từ 10-12 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, sinh viên cần có tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Hơn hết, khả năng ngoại ngữ sẽ giúp các lập trình viên kiếm thu nhập cao hơn và sẽ có nhiều lợi thế khi trang bị kỹ năng này. Bản thân các lập trình viên cần phải học hỏi không ngừng vì công nghệ lập trình luôn thay đổi theo thời gian.
Với cơ hội việc làm rộng mở cùng thu nhập hấp dẫn, lĩnh vực lập trình vẫn sẽ HOT trong tương lai và tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.